Đọc – [Tips Top]
Những mẹo đọc sách ngoại văn mà không nản (Phần 2)
Tuần trước,
Love Books Love Life đã chia sẻ với các bạn phần 1 của bài viết. Ngày hôm nay, Love Books Love Life sẽ tiếp tục những nội dung về các mẹo đọc sách ngoại văn, đặc biệt tốt cho những người mới bắt đầu. Bài viết này là các mẹo rất hữu ích, giúp bổ sung cho các bạn nhiều kỹ năng để đọc sách ngoại văn một cách trôi chảy.
1. Tóm tắt nội dung sau khi đọc hết một chương/mục
Hầu hết các cuốn sách đều được chia thành các mục, chương, đoạn, … Vậy nên bạn hãy tóm tắt lại nội dung của mỗi phần mà bạn đã đọc. Việc này sẽ giúp củng cố, hệ thống lại những gì bạn đã đọc được, dù có thể không nhiều nhưng sẽ giúp bạn có thêm động lực để tiếp tục đọc cuốn sách đó. Tóm tắt không nhất thiết phải ghi ra giấy, bạn hoàn toàn có thể tóm tắt lại toàn bộ nội dung ngay trong đầu, chủ yếu là việc bạn phải nhớ lại những gì bạn đã đọc là được.
2. Đọc đi đọc lại
Chắc chắn nhiều bạn không hề muốn đọc lại những cuốn sách mình đã đọc dù chỉ là 1 lần, bởi điều đó rất nhàm chán. Bản thân Love Books Love Life cũng từng nghĩ thế, thậm chí đến nay vẫn còn. Tuy nhiên, có một thực tế là việc bạn đọc nhiều lần một cuốn sách giúp bạn hiểu rõ cách hành văn của những tác giả nước ngoài. Mỗi tác giả lại có cách viết khác nhau, thậm chí cách viết của tác giả phương Tây còn khác xa với văn hóa phương Đông. Hơn nữa, việc đọc đi đọc lại một cuốn sách còn là cách tốt để bạn ôn tập lại những từ mới mà bạn đã ghi chú như Love Books Love Life đề cập đến ở phần trên. Tuy nhiên, đọc đi đọc lại là sau khi đọc xong hết cuốn sách đó, bạn đọc lại từ đầu và cứ thế lặp lại. Có nhiều bạn hay đọc đi đọc lại 1 đoạn văn trong sách vì cảm thấy không nhớ mình vừa đọc cái gì. Điều này hoàn toàn do bạn không tập trung và cần xem lại thời gian, không gian, thái độ đọc trước khi đọc tiếp hay không nhé. Việc đọc đi đọc lại chỉ 1 đoạn văn như vậy càng khiến bạn mệt mỏi và chán nản hơn, thời gian để đọc một cuốn sách cũng vì thế mà tăng lên gấp đôi, gấp ba lần.
Một mẹo nhỏ nữa là nếu bạn đã từng đọc một quyển sách bằng tiếng Việt trước đó, hãy thử đọc bản tiếng Anh của nó một lần nữa. Khi đã nắm được những ý chính mà cuốn sách nói đến, việc đọc bằng tiếng Anh sẽ ít khó khăn hơn khá nhiều đấy!
3. Lưu lại những đoạn văn, câu văn bạn tâm đắc
Nhiều bạn sẽ tự hỏi rằng làm thế này thì giúp ích gì cho việc đọc sách? Thực tế là có đấy bạn ạ, nhất là khi bạn đang có một trải nghiệm đọc sách chưa từng có trước đây. Lần đầu tiếp xúc với sách ngoại văn, nội dung được viết hoàn toàn không phải bằng tiếng mẹ đẻ khiến không ít người cảm thấy xa lạ và khó tạo cảm giác tập trung. Việc ghi chép lại những đoạn quotes hay sẽ giúp tạo cảm giác thân thiện và dễ gần hơn đối với nội dung mà cuốn sách mang lại. Hơn nữa, những bức hình chụp lại các đoạn quotes thú vị còn là cách để mọi người “sống ảo” trên các trang mạng xã hội. Đúng là vừa tăng khả năng đọc sách của bản thân, vừa giới thiệu được cuốn sách đến cho nhiều người khác.
4. Sử dụng kết hợp với sách nói
Một điều tuyệt vời và may mắn nhất chính là bạn có được phiên bản âm thanh của cuốn sách bạn đang đọc. Sự kết hợp này đem lại khá nhiều tác dụng cho cả việc đọc sách cũng như việc học ngoại ngữ. Bạn có thể sử dụng sách nói một cách linh hoạt hơn rất nhiều so với sách giấy thông thường. Nghe trên giường trước khi đi ngủ, nghe ở bếp khi đang nấu ăn, nghe trên đường đi học, đi làm, … Có rất nhiều khoảng thời gian, không gian để bạn có thể tận dụng phương tiện này. Vừa đọc vừa nghe một cuốn sách giúp cho nội dung trong đó dễ ghi nhớ và dễ hiểu hơn cho người đọc, từ đó giúp bạn thoải mái hơn khi đọc tiếp những phần sau. Ngoài ra, nghe sách nói là cách tốt để bạn học cách phát âm chính xác một từ mới. Khi nghe đúng thì việc hiểu cũng trở nên dễ dàng hơn.
? Reference: The Blue Expat podcast
? Writers: Danoh
✍ Editor: Hoang Vy
⚠ Bản quyền nội dung bài viết thuộc về Love Books Love Life. Yêu cầu không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.
⚠ Hãy tôn trọng tác giả bằng cách khi Re-post chú thích ghi nguồn đầy đủ!”
“Love Books Love Life – Lắng nghe để sẻ chia”