Contact Information

Hanoi

We Are Available 24/ 7. Call Now

 

Sau thành công của mùa 1, mùa 2 Rap Việt đã tụt dốc không phanh. Tuy không đến mức “thảm hại” nhưng cũng đủ khiến mỗi người phải tự đặt ra câu hỏi: “Liệu Rap Việt sẽ thực sự phát triển tại Việt Nam hay chỉ là ngôi sao vụt sáng le lói?”

Chào mừng các bạn trở lại series phân tích Case Marketing Rap Việt tập số 2 với tựa đề: “Rap Việt mùa 2 – Vì đâu tụt dốc?”

——————————–

Mở đầu, chúng ta cần phải nhắc đến tên của 2 đơn vị chính trong gameshow Rap Việt, đó là đơn vị sản xuất chương trình – Vie Channel và SpaceSpeaker Group – đơn vị sản xuất âm thanh.

? Về Vie Channel

Vie Channel tên đầy đủ là Công ty Cổ phần Vie Channel (tên cũ: DID TV, Công ty Cổ phần Phát triển truyền thông Quốc tế Ánh Bình Minh; gọi tắt: Vie Channel). Đây là một công ty chuyên sản xuất các chương trình giải trí trực thuộc Tổ hợp truyền thông Đất Việt – DatViet VAC Group Holdings. Vie Channel định hướng tập trung vào các chương trình giải trí thu hút giới trẻ và có các kênh truyền hình hợp tác gồm: HTV2 – Vie Channel (HTV), Vie Giải Trí và Vie Dramas, là đơn vị sản xuất loạt chương trình truyền hình có lượt người xem cao như Rap Việt, Siêu trí tuệ Việt Nam, Người ấy là ai, Gạo nếp gạo tẻ,… 

Nguồn: Theo Wikipedia

? Về SpaceSpeakers Group

Riêng về SpaceSpeaker, mình xin phép chia sẻ sâu vì đây là nhân tố tạo nên thành công của Rap Việt.

Cách đây khoảng 1 thập kỷ, giới Underground Việt đang từ nổi như cồn bỗng trở nên bão hòa và ngày càng kén người nghe. Nhiều nghệ sĩ đã chọn theo đuổi dòng nhạc chính thống, bỏ qua thể loại rap – hip hop vì sợ không hợp thị hiếu. Tuy nhiên, đi ngược lại số đông thời điểm đó, ngày 30/10/2011, DJ/Producer Hoàng Touliver đã cùng một số người anh em thân thiết đứng ra thành lập SpaceSpeakers. Cho đến thời điểm hiện tại, đây là “mái nhà chung” của nhiều nhân tố tài năng như Binz, JustaTee, Rhymastic, Soobin, Kimmese, Cường Seven,… và một số nghệ sĩ khác nữa. 

Hiện nay, SpaceSpeakers là  một trong những tổ chức âm nhạc tiên phong theo đuổi dòng nhạc rap/hip hop và điện tử tại Việt Nam. Tháng 5 năm 2020, SpaceSpeakers Group chính thức đi vào hoạt động với 6 nghệ sĩ trực thuộc. Hoạt động chính của S   paceSpeakers Group bao gồm sản xuất và phát hành các sản phẩm âm nhạc, phát triển hình ảnh, chiến lược cho nghệ sĩ, quản lý và đào tạo tài năng trẻ.

Tháng 12/2021, sự kiện hợp tác giữa SpaceSpeakers Group (SSG) x Vietnam Airlines (VNA) đánh dấu bước tiến đột phá của tổ chức. Về chi tiết nội dung hợp tác, mình sẽ không đưa thông tin vì báo chí đã lên bài rất nhiều. Tuy nhiên, một vài điểm nhấn tích cực cũng như sự thật thú vị (FACTS) dưới đây sẽ giúp bạn thấu hiểu rõ ràng hơn về SpaceSpeakers x Rap Việt gameshow.

? Những điểm nhấn tích cực

Theo thỏa thuận đã ký giữa 2 bên, tổng các hạng mục hợp tác giữa SpaceSpeakers Group và Vietnam Airlines bao gồm:

  • VNA là đơn vị vận chuyển chính thức.
  • SSG trở thành cố vấn âm nhạc.
  • SSG sản xuất bài hát chủ đề.
  • VNA cung cấp kho nhạc trên tàu bay.
  • Ra mắt sản phẩm đồng thương hiệu.
  • Triển lãm đặc biệt của SSG với sự đồng hành của VNA. 
  • Concert đặc biệt VNA x SSG.
  • Nghiên cứu thực hiện máy bay mang dấu ấn SSG x VNA.

? Những sự thật thú vị

  1.  Để đạt được thỏa thuận này, trước đó VNA x SSG đã cùng nhau tìm hiểu, chuẩn bị trong suốt 1 năm 2 tháng, trùng với khoảng thời gian ngay sau khi Rap Việt mùa 1 kết thúc với THÀNH CÔNG VANG DỘI. 
  2.  Để ý kỹ thêm ở phần credit mỗi tập Rap Việt mùa 2, các bạn sẽ thấy VNA luôn xuất hiện với tư cách đơn vị Dịch vụ vận chuyển. Chi tiết này chứng minh Rap Việt chính là cây cầu nối giúp VNA x SSG có cơ hội được hợp tác cùng nhau.
  3.  Cuối cùng trong phần thông tin tổ chức, các bạn có để ý không, ở hạng mục số 5: Ra mắt sản phẩm đồng thương hiệu. Đây chính là phần thú vị nhất (đối với mình) bởi nó chính là một hình thức Merchandising.

Dành cho những ai chưa biết về  Merchandising:

“Merchandising (viết tắt là merch) là những loại hàng hóa và sản phẩm liên quan đến thần tượng, từ album, CD, photobook đến lightstick, túi tote, áo phông, khẩu trang, gấu bông, các món ăn, đồ uống, hay thậm chí là các vật dụng gia đình như chăn ga gối đệm hay khay làm đá,… Thị trường Merch vô cùng rộng lớn với vô số mặt hàng đa dạng. Gần như tất cả mọi món đồ một người sở hữu trong cuộc sống hàng ngày đều có thể được sử dụng làm merch. Điểm đặc biệt là khi chúng gắn với dấu hiệu của thần tượng – như logo hay hình ảnh – giá trị của món đồ tưởng chừng như quá đỗi bình thường ấy sẽ đội lên gấp hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn lần.”

 

Khảo sát trên iPrice đã chỉ ra rằng người hâm mộ của những nhóm nhạc thần tượng hàng đầu Hàn Quốc như BTS, BLACKPINK, TWICE sẵn sàng chi từ 600 đến hơn 1000 USD để ủng hộ thần tượng bằng Merch. Một ARMY (tên fandom của BTS) từng chia sẻ số tiền người đó đã chi để mua BTS merch lên đến 1 tỷ won! Báo cáo của Korea Creative Content Agency (KCCA) năm 2019 công bố tổng doanh thu của thị trường K-Pop merch là 150 tỷ đô, một con số không hề nhỏ. 

 

Đối với người hâm mộ, mua merch là cách họ thể hiện sự ủng hộ và lòng trung thành với thần tượng. Xu hướng này cũng cho thấy nhu cầu thưởng thức và cảm thụ nghệ thuật ở mức cao hơn của người hâm mộ. Bên cạnh nhạc số hay MV “đã mắt” trên màn hình, họ cần một sự vật hữu hình, cầm nắm được, cảm nhận được. Tâm lý này càng kích thích tiến trình phát triển của thị trường merchandising.” 

Trích lời một chuyên gia tại Hàn Quốc:

“Công chúng không chỉ “tiêu thụ” âm nhạc thông qua việc lắng nghe một bài hát, mà còn hứng thú với những hình thức giải trí. Giờ đây, nền công nghiệp âm nhạc đã đi liền với concert, với merchandise, và những tài sản thông minh.”

Đó là những thông tin cơ bản về Merch được mình tổng hợp lại trên nguồn trang theinfluencer. Như các bạn đã thấy, hạng mục hợp tác số 5 giữa VNA x SSG và nó trực tiếp kết nối đến mục số 7.

Đúng vậy! Có thể dự đoán rằng trong tương lai, khi concert của SSG được diễn ra thì cũng là lúc hình thức Merch được đẩy mạnh. Thực tế, thị trường âm nhạc Việt Nam đã chứng kiến 1 số nghệ sĩ sử dụng Merch để quảng bá hình ảnh sản phẩm và thu lợi nhuận. Đó là Cá Hồi Hoang với sự đầu tư tương đối bài bản về merchandising. Trên website của mình, Cá Hồi Hoang chia sẻ thông tin chi tiết về các sản phẩm merch mang dấu ấn của nhóm nhạc, gồm áo phông, mũ bucket, dây buộc; hoặc người hâm mộ có thể mua theo set để được tặng thêm một chiếc khẩu trang. 

Trong tour diễn gần nhất của mình – Fx Tour, ngoài vé tham dự sự kiện, Cá Hồi Hoang cũng tung ra một loạt sản phẩm merch khác như đĩa CD, băng cassette album ‘Hiệu ứng trốn chạy’, cùng bộ sticker “cộp mác” Fx Tour. Đây là những sản phẩm không quá khác biệt, cũng không đa dạng về số lượng; nhưng lại là sự thể hiện rõ nét về một cá tính âm nhạc, một phong cách mang tên Cá Hồi Hoang. 

Hay mới đây, trong khuôn khổ dự án 25 mét vuông, ca sĩ Hoàng Dũng và thương hiệu thời trang Môi Điên cũng có sự kết hợp đầy mới mẻ khi ra mắt công chúng bộ sưu tập 25 MÉT VUÔNG MERCHANDISE với những chiếc áo phông/ áo hoodie với số 25 cách điệu thành gương mặt cười tươi.

Nói nhiều vậy để thấy vai trò của SSG trong việc định hình văn hóa, phong cách nhạc Rap/Hip hop tại Việt Nam lớn đến thế nào. Không chỉ bó hẹp trong khuôn khổ gameshow Rap Việt, nhìn rộng hơn để thấy bức tranh toàn cảnh là điều cần thiết đối với mỗi marketer. Bởi chắc chắn, sự hợp tác giữa VNA x SSG sẽ là cú nổ lớn cho thị trường Merchandising tại Việt Nam trong thời gian ngắn sắp tới.

Nguồn:

  • theinfluencer
  • VnExpress
  • Yan TV
  • Markets Businessinsider
  • VietnamAirline 
  • SpaceSpeakers Group

——————————–

PHẦN 1:

TỔNG QUAN VỀ RAP VIỆT, NHỮNG BÀI BÁO VÀ TRÍCH DẪN NGƯỜI TRONG GIỚI

Tiếp theo, hãy cùng Ba Chấm tìm hiểu thông tin về Rap Việt (nói chung) qua một số mẩu tin tức thú vị được thu thập từ 1 số bài báo uy tín. 

I. Về Rap Việt mùa 1

1. Luận điểm 1: Rap Việt mùa 1 – Tại sao thành công đến thế”?

Cách đây 1 năm, mình đã từng có bài viết phân tích Case Marketing: “Rap Việt mùa 1 – Tại sao thành công đến thế”? Kỳ thực, ngay tại thời điểm đó bài viết có chứa rất nhiều thống kê thông tin, số liệu mang tính thời sự (fresh). 

Trước đó, podcast về Case Rap Việt mùa 1 cũng đã chính thức lên sóng Ba Chấm. Trong tập hiện tại, mình sẽ nhắc lại 1 số đoạn lược trích tiêu biểu mang tính tổng quát nhằm củng cố vững chắc cho luận điểm và giúp các bạn hình dung tổng thể vấn đề rõ ràng hơn.

n và được chú ý

“ | Về bối cảnh

Điều đầu tiên phải nhắc đến khi nói tới sự thành công của Rap Việt đó chính là bối cảnh xã hội. Gameshow này lên sóng chính thức vào 1/8/2020, giữa cơn khủng hoảng của làn sóng Covid 19 lần thứ 2 tại Việt Nam. Trong tình hình dịch bệnh lúc bấy giờ, giải trí tại nhà là việc được chúng ta ưu tiên hơn cả để đề phòng lây nhiễm cộng đồng. Nếu ở nước ngoài, công cụ Netflix – một dịch vụ xem video, phim ảnh trực tuyến được ưa chuộng thì tại Việt Nam, “kẻ” được yêu thích hơn cả là các gameshow truyền hình.

 

Nhưng nói vậy không có nghĩa bất cứ gameshow truyền hình nào ra mắt trong bối cảnh bệnh dịch cũng đều đạt được thành công vang dội. Chúng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố mang tính nền tảng và thời điểm. Trong phần dưới đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu điều gì đã góp phần tạo nên thành công của Rap Việt trong bối cảnh hiện tại.

 

| Về thời điểm

Nếu như cách đây khoảng 5-6 năm, thể loại nhạc điện tử (EDM) vẫn còn đang làm mưa làm gió tại Việt Nam thì thời điểm hiện tại, nhạc Rap là kẻ dẫn đầu xu thế. Theo khảo sát được Novaon Communication thực hiện vào tháng 9/2020, hơn 82,9% số người được hỏi cho rằng Rap là thể loại nhạc xu hướng năm 2020. Nói cách khác, giai đoạn năm 2020 chính là khởi điểm cho đỉnh trend của nhạc Rap tại Việt Nam và hứa hẹn sẽ còn đem tới nhiều sự phát triển, đón nhận tích cực hơn nữa từ cộng đồng.

 

Cá nhân mình cho rằng nhạc Rap chỉ thực sự bắt đầu phát triểtại Việt Nam trong khoảng 3 năm trở lại đây (từ 2017). Đó là khi cuộc thi The Remix mùa 2 được tổ chức với sự tham gia (gần một nửa) của những nghệ sĩ trong giới như Touliver, Rhymastic, Triple D, Onionn, JustaTee, BigDaddy, Emily,… Cũng tại thời điểm này, R.Tee chính thức đầu quân cho công ty Dream S Entertainment và hợp tác với các sĩ như Juun Đăng Dũng, Suni Hạ Linh. Binz và Đen Vâu đang hoàn thành các album lần lượt là Lạc và Kobukovu. Hay sự kiện Suboi rap cho Cựu Tổng Thống Mỹ Barack Obama trong 1 cuộc phỏng vấn cũng thu hút được sự chú ý của nhiều người.

 

Quay trở lại hiện tại, giai đoạn 2019-2020 thực sự là khoảng thời gian bùng nổ của nhạc Rap tại Việt Nam với hàng loạt HITS KHỦNG được tung ra. Các nhãn hàng chắc chắn không thể bỏ qua cơ hội này nên những chiến dịch quảng cáo cho thương hiệu thông qua việc kết hợp với nghệ sĩ có tên tuổi trong giới lần lượt được gấp rút triển khai. Có thể kể đến như Đen Vâu, JustaTee x Viettel Pay, Binz x Momo, Suboi x Grab,… Và Rap Việt – cú nổ lớn trúng 2 đích khi vừa tạo ra sân chơi trên truyền hình cho khán giả, vừa giúp thương hiệu Pepsi. LG và Lays có cơ hội lan tỏa mạnh mẽ hơn.

 

Một đặc điểm nhỏ nữa đó là tổng thời gian từ lúc chương trình Rap Việt được lên sóng cho đến khi kết thúc là 3 tháng rưỡi (1/8/2020 -> 14/11/2020). Giai đoạn cuối chương trình rơi vào tháng 11, thời điểm các trường Đại học tổ chức khai giảng và chào tân sinh viên. Đây là quả thực là thời điểm lý tưởng để các thí sinh của Rap Việt có cơ hội đi show nhiều hơn. Vì những show hướng tới sinh viên thế này là cơ hội để lan tỏa hình ảnh thương hiệu một cách vô cùng nhanh chóng.”

Qua đoạn trích trên, chúng ta rút ra được vài NHẬN ĐỊNH CHỦ QUAN:

  1.  2020 là giai đoạn “KHỞI ĐIỂM” cho “đỉnh trend” Rap Việt và là “ĐIỂM GIỚI HẠN” cho GAMESHOW thuộc thể loại này tại Việt Nam.
  2.  Rap Việt, EDM/Hip hop đã có hành trình 5 năm hưng thịnh kéo dài từ 2017 và hiện tại chính là thời điểm để “TỤT DỐC”. Tất nhiên, đây chỉ là quá trình Rap Việt TẠM LẮNG (do ảnh hưởng của chương trình truyền hình, mình sẽ nói chi tiết phần dưới) sau thời hoàng kim.
  3.  Quan trọng nhất: Yếu tố dịch bệnh/giãn cách xã hội đã không còn gây bất ngờ với khán giả. Bởi đơn giản mỗi người đã và đang quen dần với nó. Trước đây chúng ta suy nghĩ: “Giãn cách xã hội phải ở nhà, làm gì để hết chán?” thì giờ đây, nó được thay đổi thành: “Giãn cách xã hội phải ở nhà, làm gì để sống sót?”

=> Đó là KHÁC BIỆT LỚN NHẤT chúng ta có thể thấy qua NHẬN ĐỊNH CHỦ QUAN!

2. Luận điểm 2: Rap Việt mùa 1 – Khi “cái bóng lớn” bao trùm mọi quan điểm

Có 1 thứ luôn tồn tại và sẵn sàng ngáng đường bất kỳ thành công nào, đó là: SỰ KỲ VỌNG.

Rap Việt mùa 1 để lại kỳ vọng quá lớn trong lòng khán giả. Chính vì thế, việc họ mong muốn được chứng kiến những “siêu phẩm rap” tiếp theo từ mùa 2 là điều không tránh khỏi. Thế nhưng, với khởi đầu “lẹt đẹt” ngay từ những tập đầu lên sóng, sự “FLOP” ấy đã nói lên điều gì về chất lượng mùa 2?

Thật ra, chất lượng chương trình đã được “nâng cấp” nhiều so với mùa 1. Đặc biệt về mặt hình ảnh, visual,… Tuy nhiên, đây là những cải thiện “bên ngoài”, còn phần “bên trong”, mọi thứ có vẻ như thật sự không đúng “kỳ vọng”.

Tại sao “chất lượng bên trong” Rap Việt mùa 2 không tương xứng kỳ vọng? Hay nói thẳng là “tụt dốc không phanh”? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu chi tiết hơn trong phần tiếp theo.

️II. Về Rap Việt mùa 2

Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về Rap Việt mùa 2 thông qua những mẩu tin tức, trích dẫn được đăng tải trên một số tờ báo uy tín sau.

Lưu ý: Đây là những trích dẫn có chọn lọc nhằm phục vụ cho podcast, giúp người nghe thấu hiểu hơn về Rap Việt.

Đầu tiên, hãy cùng đến với  nhận định của 1 số DJ/Music Producer/Rapper trên talkshow Dustin On The Go.

1. DJ/ Producer – Touliver

“Nhà sản xuất âm nhạc Touliver nói rằng dù cho genre (thể loại), cụ thể hơn là xu hướng thưởng thức hay giới hạn trong sáng tác có thể xóa mờ, nhưng hip hop và rap vẫn luôn có chỗ đứng riêng vì tính đặc thù của thể loại này.” 

2. Producer – Rhymastic

“Rhymastic thì tin rằng người ta không đơn thuần xem hip hop là âm nhạc, mà nó còn là một phong cách sống, một nét văn hóa.”

Còn đây là những ý kiến được trích dẫn trên tờ báo Nhân Dân, số ra ngày 4/2/2021

3. Rapper – Binz

“Bây giờ bật tivi, mở Youtube, lướt Facebook, đâu đâu cũng thấy rap. Rồi sẽ có những thế hệ trẻ lớn lên bằng những bài nhạc rap chứ không phải là nhạc Trịnh Công Sơn, Bằng Kiều, Trần Thu Hà.,.. Rap không chỉ là thú chơi ngông của giới trẻ mà có thể trở thành văn hóa của cả một thế hệ sau này”. Nhận định có phần chủ quan này cần thời gian để thẩm định.”

4. Ban nhạc Rap – Da  LAB 

“Với người trong giới, thành công của rap không phải một cú ăn may. Rapper JGKiD (tức Quách Văn Thơm), thành viên nhóm Da LAB lý giải: “Đó là cả một quá trình gây giống, chăm sóc, phát triển của rất nhiều thế hệ rapper để đến hôm nay khi lượng khán giả đã đạt đến một mức độ nhất định, khi các ông lớn truyền thông biết đây là vùng đất có nhiều nhân tài có thể khai phá. Tất nhiên vụ gặt phải thành công”.

Đại diện Da Lab: 

“Trong 5 năm gần đây, rap đã và đang chứng minh được vị thế của mình trong tất cả các bảng xếp hạng âm nhạc uy tín. Rap vốn luôn là tiếng nói tự do, tâm sự thật về thế giới quan của người nghệ sĩ, vì vậy việc rap chạm đến cảm xúc của số đông khán giả là điều hoàn toàn có thể hiểu được. Và đó chính xác là những thứ mà rap xứng đáng nhận được sau hơn hai thập niên cố gắng vươn lên từ thế giới ngầm”.

Tiếp theo là nhận định đến từ các Rapper gạo cội trên tờ báo Tuổi Trẻ, số ra ngày 10/2/2021

5. Rapper – Karik 

“Karik nói về lằn ranh giữa underground và mainstream: “Dù cho nhạc rap sau này thịnh hành và chiếm nhiều ưu thế trên thị trường âm nhạc Việt thì ranh giới ấy sẽ khó có thể được xóa bỏ.”

6. Rapper – Hà Lê

“Nói với Tuổi Trẻ, rapper Hà Lê chia sẻ về những ngày đầu với rap có nhiều khó khăn: “Khó khăn lớn nhất của thế hệ chúng tôi là việc học, tìm kiếm thông tin và làm sao để có thể tiếp cận được thứ văn hóa này một cách trực tiếp, đúng đắn nhất.”

7. Rapper – Wowy (tiếp nối Hà Lê)

“Chính điều này đã hạn chế sự phát triển của văn hóa hip hop tại Việt Nam và cũng khiến cho nhạc rap một thời có nhiều dị nghị. Wowy cũng bày tỏ: “Trước đây, rất khó khăn để tổ chức các show diễn về rap. Ở Việt Nam, nghệ sĩ rap thường biểu diễn ở bar hoặc một số sự kiện. Họ chưa được công nhận sức lao động. Còn ở nước ngoài, nghệ sĩ rap có thể biểu diễn ở những lễ hội âm nhạc lớn.”

Theo đó, trên tờ Nhân Dân cũng chỉ ra: Cuối năm 2020 trên sóng truyền hình quốc gia và Youtube, các tiết mục tham gia Rap Việt và King of Rap chủ yếu nói về:

  • Tình yêu: Đôi lứa, gia đình, quê hương đất nước.
  • Tâm sự của người trẻ.
  • Sự tự tôn, cái tôi, khát vọng trước ngưỡng cửa cuộc đời… 

Thật vậy, những cố gắng của các rapper tỏ ra không uổng phí. Thời gian gần đây, những tiết mục công phu kết hợp rap với thể loại âm nhạc truyền thống khác đã được 1 số nghệ sĩ ứng dụng thực tế, có thể điểm qua 1 vài cái tên như:

  • Nhạc đỏ x Rap (The Remix)
  • Chầu văn x Rap (Rap Việt)
  • Cải lương x Rap (King of Rap) 
  • Xẩm x Rap (MV Xẩm Hà Nội – Hà Myo x VBK)… 
  • Hà Lê x  Nhạc Trịnh

Hay mới đây nhất, lấy ý tưởng từ những câu chuyện, chất liệu văn hóa dân gian, sản phẩm âm nhạc “Chọn bạn mà chơi” của Rtee (thí sinh Rap Việt) đã và đang được công chúng đón nhận khá tích cực. Bài rap là sự kết hợp giữa các nhạc cụ dân tộc như khèn bầu, trống, phách… và nhạc điện tử khá bắt tai. Ngoài âm nhạc mang hơi hướng dân gian, những chi tiết thể hiện văn hóa Việt Nam được khắc họa rõ nét qua lời rap với ý tứ lấy từ những tác phẩm/nhân vật văn học như Thạch Sanh – Lý Thông, Bá Kiến – Chí Phèo. Bên cạnh đó, trang phục và màu sắc MV cũng được thực hiện theo phong cách truyền thống kết hợp xu hướng cách tân, có chi tiết khơi gợi câu chuyện cổ tích Tấm Cám.

Có thể nói, những nghệ sĩ như Hà Lê hay Rtee đang dần khẳng định bản thân, cũng như vai trò thể loại Rap/Hiphop trong đời sống hiện đại. Chính họ – những nghệ sĩ có tài và đức ấy đang giúp nền âm nhạc nước nhà phát triển theo hướng tích cực, góp phần THÁO BỎ sợi dây định kiến đã luôn RÀNG BUỘC 1 bộ phận khán giả MỞ LÒNG với Rap/Hip hop trong suốt thời gian dài.

Không chỉ vậy, trong những năm vừa qua, chúng ta có thể thấy báo chí đưa tin hàng loạt những tấm gương “rapper vượt khó”, một vài cái tên trong số đó dường như đã nhẵn mặt khán giả như:

  • Đen Vâu – rapper từng không có tiền đi học đại học, từng làm công nhân vệ sinh bờ biển. 
  • Quán quân Rap Việt mùa 1 – Rapper Dế Choắt chưa học hết cấp 2, làm phụ hồ rồi thợ xăm và xăm kín người. Trong kết quả Rap Việt mùa 1, các chuyên gia phân tích, lượt xem G.Ducky (Á quân) cao hơn nhưng lại không bằng lượt bình chọn dẫn đến đăng quang của Dế Choắt, đơn giản vì Dế khiến khán giả ấn tượng hơn. Tất nhiên nhờ những trải nghiệm rất đời ấy, rapper cũng sẽ có một vốn sống phong phú tốt cho rap.

Để khép lại phần này, mình xin phép được trích dẫn lời MC Trấn Thành:

“Rap Việt sản sinh ra các Rapper, bước ra đời kiếm tiền được chứ không chỉ chơi vì đam mê.”

——————–

PHẦN 2

Rap Việt mùa 2 – Tại sao tụt dốc?

Và giờ, hãy cùng Ba Chấm podcast thẳng tiến tới phần chính, đi tìm lý do đằng sau sự “tụt dốc” của Rap Việt mùa 2.

Theo số liệu thống kê được trích dẫn từ hai tờ báo uy tín Lao Động và VNE:

“Trong mùa 1, King of Rap và Rap Việt thu hút số lượng khán giả theo dõi đông đảo. Trên Youtube, mỗi tập phát sóng của Rap Việt đều đạt trên 10 TRIỆU VIEWS và luôn nằm trong TOP TRENDING. Nhiều ca khúc dự thi đứng thứ hạng cao trên các nền tảng nghe nhạc như Itunes, Spotify,… Theo đó, tập 15 (tức chung kết 1) của Rap Việt mùa 1 đạt 755.000 người xem cùng lúc. Con số này sau đó đã bị phá kỷ lục đêm chung kết 2 khi tập này thu hút đến hơn 1,1 triệu người xem trực tuyến cùng lúc, thuộc top cao nhất của các show giải trí trong nước.”

Còn Rap Việt mùa 2 thì sao? Trong giai đoạn đầu, chương trình thu hút tận HƠN 2.000 thí sinh đăng ký Casting, một kỷ lục vô tiền khoáng hậu. Chúng ta được chứng kiến hàng người xếp hàng dài ngút tầm mắt tại cả hai địa điểm tuyển chọn. Quả thật, không cần tận mắt chứng kiến chúng ta cũng dễ thấy sức hấp dẫn của Rap Việt lớn đến cỡ nào. Và cũng chẳng cần thống kê chi tiết, chỉ cần nhìn vào hai con số 36 thí sinh được chọn chính thức và 2.000 thí sinh casting, khán giả cũng đã đủ ăn “bùa choáng” rồi phải không?

——————–

Trở về hiện tại, dường như sức nóng từ vòng casting đã nguội nhiệt đi nhiều khi dịch bệnh bùng phát hồi tháng 6/2021, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình truyền thông chương trình. Dù không nằm trong ekip sản xuất, khán giả  thừa thấy điều đó. Nhưng, liệu đây có đúng thật sự là nguyên nhân chính dẫn đến sự tụt dốc của Rap Việt mùa 2 (flop)?

Tất nhiên là không! Vì nếu content thực sự chất lượng và các lùm xùm sau đó không xảy ra quá nhiều khiến khán giả ngán ngẩm, độ “flop” của chương trình có lẽ không tệ đến thế. Để hiểu rõ hơn vấn đề, mời các bạn tham khảo trích đoạn của nam rapper MC Ill trong số DVDTalk.

MC ILL: 

“Những người làm chương trình họ ko phải những người ở sâu trong cộng đồng Rap và hiểu sâu về cộng đồng Rap như những người ở trong cộng đồng Rap. Cái nhìn của họ có sự đa chiều, họ sẽ nhìn ra được cái hướng hấp dẫn nhất, thu hút nhiều người xem nhất, hướng hay nhất. Tuy nhiên, điều đấy có mặt trái: Đôi khi cái hấp dẫn nhất, thú vị nhất đấy không đúng bản chất của Rap.”

I. 4 sự kiện khiến Rap Việt mùa 2 “flop nặng”

Dưới đây là 4 sự kiện, đồng thời là nguyên nhân khiến Rap Việt mùa 2 flop nặng”. Xin lưu ý, các thông tin này hoàn toàn dựa trên nhận định cá nhân của mình.

1. Sự kiện đầu tiên: Truyền thông quá sớm bằng vòng Casting

Vòng Casting được xem như 1 Pre-event của gameshow Rap Việt. Đây cũng chính là chiến lược của hầu hết chương trình tại Việt Nam và trên thế giới.  Pre-Event giống như cách chương trình tạo “điểm chạm tương tác” dành cho khán giả nhằm 2 mục đích: (1) Truyền thông trước sự kiện chính và (2) Cung cấp thông tin cho khán giả. Thông qua Pre-Event, BTC sẽ đánh giá được một phần mức độ quan tâm của khán giả thông qua kết quả, là tiền để tạo ra hiệu ứng truyền thông tích cực, qua đó gia tăng Buzz Volume cho tổng chương trình. Một số hình thức Pre-Event thường thấy của các show truyền hình lớn như Vietnam’s Next Top Model, The Face, Miss Universe Vietnam,… đó là: Cuộc thi online, kêu gọi vote,… Tuy nhiên với Rap Việt lại là câu chuyện khác khi họ sử dụng chính vòng casting làm thước đo mức độ lan tỏa, hiệu quả của gameshow. Tuy vậy, việc truyền thông bằng vòng casting “lợi ít hại nhiều”. Cái “tai hại” nằm ở chỗ nó như dấu hiệu báo hiệu trước về những cái tên sẽ góp mặt chính thức tại chương trình. Bởi giả sử nếu những Rapper đã sở hữu cho mình 1 lượng fan không nhỏ bị loại, đó sẽ là “nhát kiếm chí mạng” đâm thẳng vào lượt view và rating của một bộ phận khán giả – những fan của rapper đó. Tất nhiên, đó là hệ quả nhãn tiền và cũng thật khó để trách nếu nó xảy ra. Bởi ai cũng hiểu: “Có nhiều tiêu chí để chọn lựa thí sinh tham gia, không phải cứ rap hay, đông fan là auto được chọn”. Nhưng, sự kiện tiếp theo sẽ giúp bạn hiểu tại sao truyền thông sớm qua vòng casting để lại hậu quả to lớn đến thế. Và dường như, nó cũng chính là mồi lửa châm ngòi cho những diễn biến phức tạp về sau.

2. Sự kiện số 2: Dịch bệnh và LIÊN HOÀN “PHỐT”

  • Sự kiện dịch bệnh

Sự kiện dịch bệnh bùng phát ảnh hưởng lớn đến lịch phát sóng chính thức của Rap Việt mùa 2. Ban đầu, lịch phát sóng dự kiến vào 1/8/2021 nhưng đã bị HOÃN LẠI đến tận 16/10/2021. Nhưng ngay cả thế, như đã nói việc truyền thông casting sớm trước tận 3 tháng (từ tháng 5/2021) vẫn là quá sớm so với mong muốn HÂM NÓNG chương trình của BTC.

  • Sự kiện “sao kê tiền từ thiện” xung quanh MC Trấn Thành

Tuy vậy, đây chưa phải sóng gió duy nhất Rap Việt mùa 2 phải đối mặt. Trước đó, Trần Thành vướng lùm xùm sao kê tiền từ thiện mà vẫn giữ vai trò MC mùa 2 đã khiến Rap Việt nhận nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Khán giả bày tỏ bức xúc vì không được ê-kíp chương trình tôn trọng, một nghệ sĩ đang lắm thị phi lại dẫn dắt gameshow lớn trên truyền hình.

  • Sự kiện “Dọn rác trên không gian mạng” 

Trước vòng Chinh phục, huấn luyện viên Rhymastic bất ngờ bị điểm tên trên sóng VTV vì bản rap diss “Tượng” chứa ca từ phản cảm. HLV Wowy cũng bị cộng đồng mạng nhắc tên với bài rap “Buddha” (dirty) phát hành cách đây hơn 10 năm. Chưa dừng lại, rapper Chí của nhóm Rap Nhà Làm phải nhận chỉ trích và nộp phạt bởi bài rap “Thích ca mâu Chí” có nội dung báng bổ Phật giáo. Từ tựa đề ca khúc đến câu chữ sử dụng trong bài nhạc khiến hình ảnh Đức Phật trở nên méo mó, sai lệch, theo hướng dung tục.

  • Sự kiện HLV Wowy 

Khi tập 3 vòng Chinh phục phát sóng, HLV Wowy tiếp tục bị khán giả phản ứng khi cho rằng việc anh ngồi… xổm chơi ô tô trong lúc các HLV khác đang tranh giành thí sinh Shanhao là thiếu tôn trọng. Sau đó không lâu, khi xuất hiện tại một sự kiện, Wowy khiến nhiều người bất ngờ vì phong cách ăn mặc của mình. Nam rapper diện trang phục “có như không” vì màu sắc giống hệt màu da. Điều đáng nói là các họa tiết trên bộ blazer với hình xăm trên người anh giống như cơ thể của một người đàn ông đang khỏa thân. Điều này đã khiến cho không ít cư dân mạng cảm thấy phản cảm với HLV Rap Việt.

  • Sự kiện đạo nhái thiết kế

Ngày 5/11/2021, nhiều nghệ sĩ, artist, tác giả gốc nước ngoài đã lên tiếng TỐ CÁO chương trình Rap Việt đạo nhái poster giới thiệu chương trình, không mua bản quyền cũng không hề xin phép trước. Poster giới thiệu chương trình Rap Việt mùa 2 có phần background là bức ảnh vẽ digital của một tác giả Trung Quốc quảng cáo cho hãng máy tính Lenovo. Rap Việt đã sử dụng bức tranh này làm nền, xóa một số chi tiết và chèn hình ảnh chương trình để che đi tên logo của thương hiệu gốc. Lùm xùm vẫn chưa dừng lại tại đó khi ngày 7/11, tỷ phú Min-Liang Tan cũng đã chỉ mặt gọi tên Rap Việt vì “mượn” mặt nạ của công ty ông mà không xin phép. Cụ thể, chiếc mặt nạ mà Rap Việt dùng để che mặt thí sinh trên các poster giới thiệu là mẫu mặt nạ Razer Zephyr của công ty Razer mà Min-Liang Tan cùng Robert Krakoff sở hữu. Đây là “gã khổng lồ E-sport” chuyên sản xuất các thiết bị cho game thủ, nổi tiếng ở Singapore và San Diego. Có thể nói, liên hoàn “phốt” từ khách quan đến chủ quan Rap Việt nhận được trong suốt thời gian dài đã khiến hình ảnh chương trình trở nên “tiêu cực” hơn trong mắt khán giả. Đây có lẽ là một trong những lý giải phù hợp nhất cho việc tại sao Rap Việt mùa 2 tụt dốc không phanh.

3. Sự kiện số ba: Thiếu minh bạch trong truyền thông và tuyển chọn thí sinh

Sự kiện này dẫn trực tiếp từ sự kiện 1 khi một cơ số thí sinh bị loại bất ngờ ngay cả khi đã được thông báo tại địa điểm casting. Ví dụ điển hình là Richchoi khi cậu ta nhận được thông báo trượt sau khi kết thúc phần thi nhờ sự đồng ý từ chính giám đốc âm nhạc Hoàng Touliver. Điểm đáng lưu ý đó là phần casting của anh ta không được công khai trên các video truyền thông vòng Casting. Điều này càng gây thêm làn sóng nghi ngờ về độ minh bạch của chương trình trong chọn lọc kết quả. Richchoi chỉ là 1 trong số các thí sinh vướng lùm xùm casting Rap Việt. Lướt qua vòng casting, chúng ta đến vòng Chinh Phục. Tại đây, một lần nữa khán giả hay nói đúng hơn là những fan của Winno, Gừng, Orijin, đặc biệt là “thuyền trưởng” Robe từ tổ đội Hustlang phải thất vọng vì tất cả họ đều không xuất hiện với những lý do… thiếu thuyết phục như:

  • “Bận thi Đại học.”
  • “Có việc không vào Sài Gòn thi được.”
  • “Do đã chọn đủ người nên những người sau đó bị loại.”

Dù lý do là gì, việc những thí sinh đã vượt qua vòng casting và buổi tổng duyệt cuối cùng không có mặt là sự cố đáng tiếc. Tệ hơn, BTC còn dùng họ để làm mồi nhử câu fan, gieo hy vọng mơ hồ sẽ được thấy thần tượng xuất hiện. Để rồi cuối cùng, tất cả khép lại với con số 0 – 0 có gì xảy ra cả – 0 có bất ngờ nào hết. Như cú chốt hạ: Vòng đối đầu tiếp tục dính lùm xùm thiếu minh bạch khi 2Can – thí sinh cộm cán freestyle bị Karik LOẠI THẲNG ở vòng đấu cùng tên. BTC chắc chắn biết điều này sẽ khiến fan Rap thực thụ “sôi máu” nên đã xử lý bằng cách mà theo mình “đi vào lòng đất”, đó là: Lấy yếu tố “nữ quyền” để đặt title cho bài Rap của Sidie – thí sinh cạnh tranh cùng 2Can trong vòng đó.

4. Kết luận

Thật trùng hợp là thời điểm làm podcast này, HLV Karik cho đăng tải dòng trạng thái: “My last season” trên Instagram cá nhân, báo hiệu về tương lai vắng bóng anh tại gameshow Rap Việt. Ngay sau đó, tạp chí điện tử Zing News cũng đưa tin SpaceSpeaker sẽ rút khỏi Rap Việt ngay khi mùa 2 kết thúc. Có lẽ, đây là sẽ là dấu chấm hết cho một chương trình truyền hình từng được yêu thích bậc nhất tại Việt Nam. Nhưng quan trọng hơn, sau quá nhiều ồn ào với liên hoàn “phốt”, những người tham gia chương trình cũng muốn “rút lui” để tránh bị ảnh hưởng đến thương hiệu cá nhân. Nhưng liệu những sự kiện, hay nói chính xác hơn là các phốt này thực sự dẫn đến cú trượt dài của Rap Việt mùa 2?

II. Rap Việt và motif truyền thông nhạt nhòa

Tất nhiên câu trả lời vẫn là: Không, không, không khi motif truyền thông cũng là 1 trong những yếu tố đáng nói mùa này.

1. Truyền thông dựa trên chương trình phụ

Điểm sáng duy nhất trong chiến dịch truyền thông Rap Việt mùa 2 phải kể đến hơn 10 chương trình phụ đi kèm, bao gồm:

  • Cypher Call
  • Vòng Casting
  • Rapper Đại Chiến
  • Rapper On The Mic
  • Rap Việt Chat
  • Hậu trường độc quyền
  • Uncut
  • Hành trình Rap Việt
  • Talk & Challenge
  • Video tổng hợp: MV lyrics, MV chủ đề (rapper/nội dung/thể loại/mùa),…
  • Loạt báo và hệ thống website Vie và kênh 14.

? Với việc phát sinh nhiều chương trình phụ, cá nhân mình thấy khó có Rap Việt mùa 3 do những yếu tố bất ngờ và chất liệu khai thác không còn phong phú, đủ sức hấp dẫn. Hệ quả tiêu cực khi truyền thông dựa trên loạt chương trình phụ đó là nó tạo ra rất nhiều những video gợi ý trên newfeed Youtube. Đúng, chắc chắn kênh Youtube của mỗi người đang nghe podcast này đều luôn xuất hiện những video gợi ý của Rap Việt. Với tư cách người không phải fan Rap Việt, mình thấy điều này cực kỳ phiền toái, giống như kiểu đang bị “ép” phải xem vì nhìn thấy quá nhiều.

2. Truyền thông dựa trên thí sinh tham gia

Đặc điểm 1: Đội hình thí sinh được chia thành 3 luồng:

  • Luồng 1 – Lão làng: Tham gia nhằm tăng sức hút, đồng thời giúp khán giả hiểu đúng về thể loại Rap/Hip hop.

Ví dụ: Pjpo, Blacka, Sol7,…

  • Luồng 2 – Lính mới: Sân chơi cho những lính mới học hỏi kiến thức, tăng fame, cọ xát, hoàn thiện bản thân.

Ví dụ: Mai Ngô, RAF, Arthur,…

  • Luồng 3: Tham gia để câu rating, tạo drama.

Ví dụ: Mai Âm Nhạc, Lập Nguyên,…

Đặc điểm 2: Đội hình thí sinh (all) được sử dụng như mini Kols để tạo điểm nhấn/cú hích:

  • Sóc Nâu – Thí sinh King of Rap, Beck’Stage Battle Rap 
  • Pjpo – Tổ Quạ team
  • Obito, Seachain – OTĐ team
  • Robe – Hustlang team
  • Blacka người từng cộng tác cùng Rhymastic, 16 Typh, ngồi chung ghế giám khảo cùng Binz trong Beck’Stage Battle Rap 
  • The Night – Từng diss Wowy, Karik
  • V-Soul – Thí sinh King of Rap
  • Cao Bá Hưng – Quán quân Sing my song
  • Gừng – Thí sinh Rap Việt mùa 1
  • Richchoi – Thí sinh King of Rap

Và 1 số cái tên đã từng thi KOR hoặc các cá nhân có đôi chút ảnh hưởng khác.

? Điểm chung của những thí sinh này là gì? Đó là họ KHÔNG tham gia để THI mà tham gia để gia tăng tương tác (view, rating, reach), tăng sức hút cho chương trình. Bởi chỉ cần họ xuất hiện, độ nóng đã tăng lên gấp nhiều lần nhờ sự tò mò của khán giả. Tuy nhiên, những mini Kols này vẫn không thể cứu vãn được tổng thể chương trình Rap Việt. Đơn giản vì họ không đủ lực để thu hút khán giả bằng những bài rap có khả năng tạo trend, hay trong ngôn ngữ bóng đá sử dụng là “nhân tố gây đột biến”. Nói cách khác, đây là phương thức truyền thông đã được Rap Việt sử dụng đến hai lần trong 2 mùa và thực tế không đạt hiệu quả cao. Không những vậy, nhiều khả năng chính điều này sẽ mang đến tác động ngược bởi nếu những mini kols kia không có được 1 kết quả xứng đáng như lọt đến top xuất sắc hay cao hơn là giành chức vô địch, khi đó, khán giả sẽ dễ nảy sinh phản ứng tiêu cực.

III. Những sai lầm khiến Rap Việt mùa 2 tụt dốc

1. Sai lầm 1: Truyền thông từng tập sai nền tảng

Đúng vậy! Việc BTC sử dụng website trong thời điểm phát sóng đầu tiên mỗi tập (thay vì Youtube) là sai lầm đáng tiếc nhất nếu không muốn nói là ngớ ngẩn.

Hai lý do của mình cho quan điểm này:

  1.  BTC không kiểm soát được sự cố mạng khi truy cập website dẫn đến tình trạng nghẽn mạng không thể truy cập.
  2.  Xem trực tiếp trên website/app không phải hình thức phổ biến tại Việt Nam. Thời điểm hiện tại Youtube quá phổ biến để xem video. Mặc dù các tập vẫn được phát sóng ngay ngày hôm sau thì nó cũng đủ làm thất thoát lượng lớn khán giả, nhất là khi cộng hưởng tác động từ yếu tố tiếp theo.

Tiếp theo, BTC sử dụng 1 fanpage khác để truyền thông kết quả ngay sau đó là sai lầm số 2 bởi nó càng làm mất đi 1 trong những yếu tố bất ngờ nhất dành cho khán giả. Thêm vào đó, cũng chính fanpage này đăng loạt bài PR (cảm nhận trá hình) sau mỗi tập lại càng khiến cho chất lượng gameshow giảm sút nghiêm trọng. Hai lý do mình đưa ra: (1) Chất lượng nội dung kém và (2) Tần suất dày đặc không khác gì spam.

2. Sai lầm 2: Thí sinh tham dự thiếu cá tính

Về sai lầm số 2, đây đơn thuần chỉ là cảm nhận của mình khi theo dõi chương trình. Mình nhận thấy các thí sinh Rap Việt mùa 2 thiếu đi nét cá tính, cảm giác mọi thứ bị đều đều, không có điểm nhấn rõ nét. 

Trong Rap Việt mùa 1, khán giả có thể cảm nhận các cá tính “dữ dội” của dàn thí sinh ngay từ những tập đầu tiên như:

  • Thành Draw: Điên cuồng, máu lửa.
  • Tage: Ngổ ngáo.
  • MCK: Tự tin, ngông nghênh.
  • tlinh: Cá tính, nữ cường
  • Gonzo: Đĩnh đạc.
  • Dế Choắt: Khiêm tốn.

Đó chỉ là vài cái tên đại diện cho “sự cá tính” mà mình nhắc đến. Nhìn chung, chất lượng thí sinh Rap Việt mùa 1 “ăn đứt” những con người mùa 2, nếu xét trên yếu tố “cá tính”.

 3. Sai lầm 3: Thiếu cảm xúc và sự liên kết

Sai lầm này chịu một phần ảnh hưởng từ sai lầm số 2 khi chương trình thiếu đi những nét “cá tính” riêng biệt từ nhân tố chính là dàn thí sinh. Đây là nguyên nhân lớn dẫn đến việc Rap Việt mùa 2 không thể tạo ra sức ảnh hưởng như mùa 1. Không biết các bạn khi theo dõi cảm thấy thế nào nhưng với cá nhân mình, mình không cảm nhận được bất kỳ cảm xúc nào đáng thỏa mãn.  Còn nhớ trong mùa 1, khán giả dễ dàng chứng kiến sự gắn kết giữa các thành viên, thí sinh tham gia như tổ đội Rapital hay tình bạn giữa Gừng vs Tage,… thì trong mùa 2, yếu tố này không xuất hiện. Cũng trong mùa 2, khán giả dễ dàng rung động trước những khoảnh khắc cảm động với các bản rap Người cha câm – Hydra, Chỉ còn là hồi ức – Nul,… Và quan trọng nhất, nếu các vòng thi trong Rap Việt mùa 1 được phân chia chủ đề giúp người nghe dù mới cũng cảm nhận được rất rõ thì trong mùa 2, yếu tố này cũng không xuất hiện.

3. Kết luận

Cảm xúc chính là nhân tố quan trọng nhất giúp khán giả ở lại chương trình đến cuối cùng. Đặc biệt trong các gameshow truyền hình mang tính thực tế như Rap Việt, điều đó lại càng quan trọng hơn. Không thể phủ nhận, Rap Việt mùa 2 đã rất cố gắng để thực hiện hóa điều này thêm hơn 1 lần nữa. Thế nhưng đáng tiếc, cảm xúc không phải thứ có thể bị sao chép. Chính vì không thể bị sao chép nên toàn bộ nội dung được đề cập trong bài viết/podcast này không thể lột tả được hết những cảm nhận rõ ràng. Sở dĩ mình có thể “đóng gói” chúng thành nội dung như vậy do bản thân đã có trải nghiệm thực tế khi theo dõi chương trình.

——————–

Và đó là toàn bộ phân tích Case Marketing Rap Việt mùa 2 Ba Chấm podcast muốn gửi đến các khán thính giả. Hy vọng với hành trình thông tin trải dài từ thông tin đơn vị thực hiện, Rap Việt mùa 1 cho đến các sự kiện trong Rap Việt mùa 2, các bạn sẽ không cảm thấy bị choáng ngợp và quá khó tiếp thu. Thật sự, khoảng cách giữa sự “thăng hoa” và “tụt dốc” rất mong manh, và để nhận về kết quả như hiện tại, Rap Việt đã phải trải qua chặng hành trình dài mà ở đó chắc chắn nhiều bài học xương máu đã được BTC, ekip thực hiện chương trình và các thí sinh rút ra. Mong rằng trong tương lai, các gameshow truyền hình tại Việt Nam sẽ không còn rơi vào tình trạng “sớm nở chóng tàn” như Rap Việt. Mình thực sự tiếc cái cách mà Rap Việt mùa 2 đã và đang làm, dù cho không thể phủ nhận những giá trị lợi ích mùa 2 đem lại vẫn… có. Thế nhưng, Rap Việt mùa 2 đáng ra có thể thành công hơn thế, hoặc ít nhất không thể bị thụt lùi như hiện tại.

NGUỒN THÔNG TIN THAM KHẢO:

Nguồn website:

  • Wikipedia
  • theinfluencer
  • Yan TV
  • Markets Businessinsider
  • VietnamAirline 

Nguồn báo chính thống:

  • Báo Tuổi trẻ
  • Báo Lao Động
  • Báo VnExpress

Nguồn talk show:

  • Dustin on the go
  • DVD talk

Nguồn khác: 

  • SpaceSpeakers Group

Writer: Nam LB.

Bản quyền nội dung bài viết thuộc về Love Books Love Life. Yêu cầu không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.
Hãy tôn trọng tác giả bằng cách khi Re-post chú thích ghi nguồn đầy đủ!

“Love Books Love Life – Lắng nghe để sẻ chia”

Share:

Nguyễn Nam

administrator

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *