Contact Information

Hanoi

We Are Available 24/ 7. Call Now

Đọc – [Fact]


Nếu bạn là một mọt sách, nhưng việc dành thời gian cho hoạt động đọc là một thử thách thì Love Books Love Life tin rằng tham gia hoặc thành lập câu lạc bộ sách có thể là giải pháp tuyệt vời để khuyến khích hoạt động này mỗi tháng cùng bạn bè.

Câu lạc bộ sách có thể hoạt động với bất cứ hình thức nào: Một cộng đồng chung sở thích trên mạng xã hội, tại các thư viện công cộng; hay chỉ xoay quanh một nhóm bạn bè, người thân, hàng xóm. Bạn được lựa chọn chủ đề yêu thích, theo thể loại hoặc mở rộng hơn. Nếu chỉ mong muốn được chia sẻ, lấy động lực đọc sách, bạn có thể tìm hiểu ở địa phương hoặc thông qua các group trên mạng xã hội.

Nhưng nếu không chọn được câu lạc bộ sách mình muốn tham gia thì sao? Vậy thì hãy bắt tay vào và tạo dựng nên một cộng đồng của riêng mình. Điều tuyệt vời nhất là bạn có quyền chủ động với mọi việc.

Chọn chủ đề

Chọn chủ đề cho câu lạc bộ sách là bước đầu tiên mà bạn cần làm. Nếu tự xây dựng CLB, bạn hoàn toàn có thể lựa chọn sở thích đọc sách của mình làm chủ đề. Hơn thế nữa, nội dung không nên quá rộng. Thay vì lựa chọn các chủ đề như “CLB yêu sách”, “Hội yêu sách”, sao bạn không thử chọn chủ đề như “Hội yêu truyện trinh thám”, “Cộng đồng thích đọc sách Self-help”…? Dĩ nhiên, việc lựa chọn các chủ đề lớn cho cộng đồng của mình không có gì xấu – nhất là khi bạn là người có sở thích đọc sách đa dạng. Nhưng nếu CLB mới ở thời gian đầu phát triển, Love Books Love Life gợi ý rằng các chủ đề hẹp hơn sẽ giúp bạn quản trị một cách tốt hơn và hướng tới một cộng đồng phát triển theo chiều sâu.

Tìm đồng đội

Liên hệ với những người bạn, người quen có hứng thú với câu lạc bộ sách. Nếu bạn không biết làm thế nào để tiếp cận, theo Love Books Love Life đơn giản nhất là viết bài post trên mạng xã hội và xem ai phản hồi. Hoặc thử gửi email tới người quen để hỏi ý kiến họ.

Khi đã có vài thành viên sẵn sàng muốn đọc, bạn cần hình dung ra làm thế nào để gắn kết nhóm. Trước tiên, bạn sẽ thảo luận về các chủ đề và các buổi hẹn gặp ra sao? Thi thoảng, hội nhóm riêng tư trên Facebook hoạt động rất tốt. Tuy nhiên, đảm bảo việc đúng người và phê duyệt bài đăng để nhóm không trở nên “bừa bãi” và gây bối rối là hết sức quan trọng.

Tìm hướng đi

Tiếp theo, đến lúc nghĩ về mục tiêu cho câu lạc bộ sách của bạn. Bạn sẽ gắn bó với một chủ đề/ thể loại cố định? Liệu sách có cần theo một hướng dẫn dắt không? Ví dụ như sách cập nhật xu hướng xã hội? Cổ điển? Hoạt động theo hướng dịch thuật? Truyện ngắn? (Đảm bảo mức đồ phù hợp để đưa ra mục tiêu cho thành viên tiện theo dõi. Bởi đọc cuốn “Chiến tranh và hòa bình” trong 2 tuần – 1 tháng có thể quá sức với những người bận rộn)

Thời gian/địa điểm gặp mặt

Thường thì 1 tháng là khoảng thời gian phù hợp với đa số. Đương nhiên, bạn có thể điều chỉnh tùy thuộc vào lịch trình cụ thể của thành viên. Nhóm sẽ gặp mặt vào buổi chiều tối? Hay cuối tuần? Sau đó thống nhất địa điểm. Bạn tự quyết hoặc tham khảo ý kiến mọi người. Nhiều lựa chọn tuyệt vời như nhà của một thành viên, thư viện địa phương hoặc quán cafe.

Hoạt động online

Nếu tổ chức buổi gặp mặt thường xuyên tốn nhiều thời gian, bạn nên thử hình thức hoạt động online. Love Books Love Life đoán là nhiều người thích hình thức này. Vô cùng tự do, thoải mái. Chỉ một nhóm người yêu sách nói về sách mà thôi!

Dẫn dắt buổi thảo luận

Có rất nhiều lựa chọn để thảo luận và bạn có thể mở rộng nó hoặc theo cấu trúc cố định. Nếu hy vọng phân tích sâu hơn để hiểu tường tận về một cuốn sách, bạn nên tham khảo các thông tin từ nhiều nguồn để tăng thêm hiểu biết cho bản thân. Đặc biệt là cuốn sách chủ đề mang tính chuyên môn, triết học.

Phổ biến hơn, chúng ta luôn có thể bàn về chủ đề trong cuốn sách và cảm hứng từ các nhân vật. Một câu hỏi thông thường là “Bạn đã làm thế nào liên hệ cuốn sách với kinh nghiệm và hoàn cảnh cá nhân?” Đây là cách hiệu quả để cuộc nói chuyện tiếp tục, thúc đẩy mọi người chia sẻ quan điểm và cởi mở nhiều hơn về bản thân.

Hỏi ý kiến các thành viên về cuốn sách. Bạn có thấy chúng thú vị? Bạn cảm nhận ra sao về nhân vật? Đằng sau chủ đề mà thông điệp cuốn sách muốn truyền tải là gì? Hãy nhớ rằng, không phải ai cũng yêu thích mọi cuốn sách bạn đọc. Đây có thể là thử thách nếu bạn là người chọn sách và còn là cuốn mình ưng ý. Song luôn tôn trọng sự khác biệt và hiểu rằng mỗi người đều có quan điểm của riêng họ, được hình thành nhờ kinh nghiệm, hoàn cảnh riêng biệt.

Khi thảo luận, đảm bảo mọi người đều cần cơ hội lên tiếng, chia sẻ. Không lạ gì nếu một số thành viên muốn chia sẻ trong nhóm nhỏ hơn là toàn bộ. Là người dẫn dắt, bạn đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối mọi người trong nhóm, trao cho họ cơ hội bày tỏ ý kiến.

Khi tới đoạn lựa chọn cuốn sách tiếp theo, bạn có thể lựa chọn người dẫn dắt theo thứ tự rồi xoay vòng. Trường hợp câu lạc bộ sách cần hướng dẫn về chủ đề hay nội dung, ai đó nên đọc hoặc xem qua cuốn sách trước khi gợi ý chúng tới toàn thành viên. Danh sách những cuốn sách hay có thể tham khảo từ nhiều nguồn.

Một chút thử thách

Đưa ra vài thử thách để nhóm hoạt động sôi nổi và thú vị hơn là ý kiến không tồi. Đặc biệt là khi thử thách này gắn bó với chủ đề và giúp định hình thể loại sách bạn hướng tới.
Bạn có thể nghiêm ngặt hoặc nới lỏng với mục tiêu nếu muốn. Giả sử bạn đang có khoảng thời gian khó khăn với thể loại “Kinh điển” thì có thể đổi thành các từ khóa như “Giữa thế kỉ 20” hoặc “Châu Âu”. Giới hạn số trang để không ai bị quá tải.

Lựa chọn khác có thể là đi theo một chủ đề xuyên suốt cả năm và khám phá chúng khi gặp mặt, như Thế chiến thứ 2 hoặc nữ quyền. Love Book Love Life thấy các chủ đề mang tính xã hội, lịch sử cần sự tìm hiểu và trau dồi nghiêm túc theo thời gian để người đọc có được cái nhìn toàn cảnh khách quan nhất. Điều tuyệt vời là nếu bạn có thể ngồi xuống và nói chuyện về chúng thì tin Love Books Love Life đi, bạn đã học được lượng kiến thức kha khá rồi đấy! Nếu muốn chủ đề trở nên thú vị thì chọn một bộ phim chuyển thể rồi trình chiếu trong buổi gặp mặt hoặc bài hát ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt đó. Nghệ thuật luôn song hành cùng đời sống!

Khi bắt đầu một câu lạc bộ sách, mục đích chính đơn giản là động lực trong đọc và chia sẻ tình yêu với sách. Đây là cơ hội tuyệt vời để mở rộng mạng lưới xã hội và chủ đề giao tiếp. Chúng giúp não bộ của bạn luôn hoạt động và phát triển. Không chỉ vậy, còn khuyến khích chúng ta tìm hiểu chủ đề mới và học hỏi nhiều điều mà bạn thường không chú ý. Có thể bạn không hứng thú với khoa học viễn tưởng nhưng qua CLB, bạn tìm thấy điều gì đó khiến mình yêu mến ở thế loại mà mình chưa từng đụng qua.

Mặt khác, đối với người viết lách, câu lạc bộ sách là môi trường rèn giũa khả năng viết cực hiệu quả. Thường thì chúng ta sẽ chìm đắm trong suy nghĩ và phân tích của bản thân, nhóm sẽ giúp bạn tiếp nhận nhiều luồng ý kiến khác nhau về chủ đề, từ đó tư duy cá nhân được nâng tầm. Đứng trên vị trí của người đọc giúp người viết kết nối ý tưởng tốt hơn và nâng cao khả năng truyền tải thông tin qua “múa bút”.

Vậy thì câu hỏi không phải là “Tại sao tôi thành lập một câu lạc bộ sách?” nữa mà là “Tại sao tôi lại không thành lập một CLB sách?”. Lợi ích quá hiển nhiên và tích cực: những cuộc gặp thú vị, một cách tuyệt vời để phát triển, học hỏi, kết nối bạn bè và thiết lập thói quen tốt. Hãy mở sách và bắt đầu tham gia/thành lập một CLB của bạn thôi nào!

?Writer: Thu Ròm

⚠ Bản quyền nội dung bài viết thuộc về Love Books Love Life. Yêu cầu không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.
⚠ Hãy tôn trọng tác giả bằng cách khi Re-post chú thích ghi nguồn đầy đủ!

“Love Books Love Life – Lắng nghe để sẻ chia”

Share:

Nguyễn Nam

administrator

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *