Đọc – [Số đặc biệt]
Tiếp nối chủ đề: “Làm thế nào để đọc sách hiệu quả?”. Ngày hôm nay Love Books Love Life sẽ giới thiệu với các bạn một trong những kỹ năng đọc vô cùng hữu ích mà bất cứ người nào cũng nên trang bị cho mình, đó là: “Đọc nhanh”.
Có rất nhiều bạn hỏi chúng mình:
“Anh ơi làm thế nào anh đọc được nhiều sách vậy?”
“Chị có đọc nhiều quyển cùng lúc không ạ?”,
“Anh ơi có quá nhiều sách hay mà em rất muốn đọc nhưng tốc độ đọc của em chậm quá, có cách nào để cải thiện không ạ?
…
Đầu tiên Love Books Love Life xin phép khẳng định là có cách để giúp các bạn tối ưu hóa tốc độ đọc của mình. Và không chỉ cải thiện tốc độ mà nó còn giúp việc xử lý chuỗi thông tin các cuốn sách bạn đọc nhanh nhạy hơn trước rất nhiều. Muốn học hỏi bí kíp đọc nhanh thần thánh ư? Cùng nghía qua các bài học dưới đây nào ^^
Bài học số 1: Học lại phép chia
Phép chia ở đây không phải là phép tính trong toán học mà “chia” có nghĩa là chia nhỏ. Ví dụ như chia thời gian, chia bố cục, chia sách,… Cụ thể Love Books Love Life sẽ nói rõ hơn ngay dưới đây.
Một nguyên tắc khá cơ bản tưởng chừng như ai cũng nắm rõ nhưng thực tế lại là lỗi phổ biến nhiều người mắc phải đó chính là việc đọc nhiều cuốn sách cùng một lúc. Việc đọc hai, ba cuốn đồng thời đem lại sự nhanh chóng và tiện lợi trong việc trải nghiệm kiến thức nhưng nó cũng ẩn chứa nhiều mặt hạn chế, một trong số đó là “lỗ hổng kiến thức”, một “chứng bệnh” thường gặp ở những mọt sách.
Thật ra ranh giới giữa truyện và sách không cách nhau là mấy, chúng đều là các con chữ và đều hướng đến mục đích là cung cấp kiến thức cho người đọc, dù ít hay nhiều. Chính vì vậy khi nhiều người nói với tôi rằng: “Đọc càng nhiều, càng nhanh chứng tỏ tôi hiểu biết “hơn” người khác.” Tôi không hiểu hàm ý “hơn” ở đây là gì? Có thể là về mặt thời gian, tốc độ, kiến thức,… Nhưng câu trả lời chung của tôi đối với họ là: “Việc bạn đọc nhanh hay nhiều không quyết định được chất lượng kiến thức khi bạn tiếp thu chúng.”
Trong công việc, chất lượng quan trọng hơn số lượng và đọc sách cũng vậy. Bạn nạp quá nhiều dữ kiện vào đầu mà không cần biết chúng có tải nổi hay không? Đó là sai lầm chết người. Giống như việc ép trẻ con ăn, ăn nhiều quá sẽ nôn, kết quả cuối cùng là không còn bất cứ thứ gì lưu lại trong người. Hay việc ôn thi, tại sao lại phải có những phương pháp ôn tập khoa học kết hợp với chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý? Không phải cứ cố cày xuyên đêm, học ở bất cứ đâu mà tất cả đều cần được phân chia phù hợp. Đọc sách cũng tương tự vậy, nên đọc từng cuốn một, đọc cuốn chiều để đảm bảo bộ não có thể tiếp thu được thông điệp mà sách truyền tải một cách tốt nhất, tránh việc não bị phân mảnh khi “load” nội dung của nhiều cuốn dẫn đến việc bị “loãng” kiến thức. Còn nếu vẫn muốn đọc nhiều cuốn đồng thời thì hãy NOTE lại TIP nhỏ này: Cần phân biệt rõ ràng sách cung cấp kiến thức và sách (truyện) giải trí đơn thuần. Lúc này bạn có thể luân phiên hai cuốn với nhau để bớt nhàm chán mà vẫn đạt được mục đích đó là “nhận được nhiều kiến thức” cùng lúc. Tuy nhiên như đã nói, Love Books Love Life không khuyến khích bạn làm điều này. Song, sự lựa chọn vẫn là ở bạn, có thể đối với Love Books Love Life đó không phải là cách tốt nhất nhưng với bạn lại ngược lại thì sao. 😉
“Phân chia” nghe có vẻ hơi trừu tượng nhưng kỳ thực nó lại rất dễ để thực hiện. Nói cách khác, khái niệm này đã tồn tại ở trong trí não bạn ngay từ khi chúng ta đi học. Vậy nên, hãy “đánh thức” kỹ năng đang say ngủ này ngay từ bây giờ bởi việc phân chia không đơn thuần chỉ được ứng dụng ở việc đọc mà nó còn giúp ích rất nhiều trong cuộc sống thường nhật. Có được nó, xác suất thành công của bạn sẽ tăng lên đáng kể đấy.
=> Kỹ năng số 1: Phân chia hợp lý.
Bài học số 2: Kỹ thuật cướp
Đùa thôi, “cướp” là cách nói vui của việc đọc nuốt ý. Trong một đoạn văn sẽ có những từ bị thừa hoặc không mang ý nghĩa quan trọng, hãy lược bỏ các từ ấy và chỉ tập trung vào phần còn lại, những cụm từ khóa thực sự cần ghi nhớ.
Ví dụ:
“Gần đây một cuộc đi dạo vào sáng sớm ở Malibu, California, dẫn tôi đến một bãi biển, nơi tôi ngồi trên một tảng đá và xem những người lướt sóng. Tôi ngạc nhiên trước những người đàn ông và phụ nữ dũng cảm thức dậy trước bình minh, chịu đựng nước lạnh, chèo thuyền vượt qua những con sóng, và thậm chí có nguy cơ bị cá mập tấn công, có lẽ tất cả chỉ vì muốn có một chuyến đi hoành tráng.”
Thấy không, phần được in đậm thực sự là những gì bạn cần nắm bắt, đó là 50% nội dung thực sự được viết, những từ khác chỉ mang nghĩa bổ trợ cho chúng. Thử đọc lại xem, sự khác biệt được thể hiện ngay đúng không nào? ^^
=> Kỹ năng số 2: Đọc nuốt ý bằng cách lược bớt câu từ thừa.
Bài học số 3: Nào mình cùng lướt lướt lướt
Chính xác là lướt theo nghĩa đen. Hãy dũng cảm lược qua những trang, chương sách mà theo bạn là không cần thiết. Nó sẽ giảm bớt gánh nặng áp lực cho bộ não và tinh thần của bạn đó. Một lời khuyên chân thành: “Đừng bó buộc bản thân trong những khuôn phép, quy tắc”. Không nhất thiết phải đọc hết từng câu từng chữ bạn mới nắm được hết nội dung cuốn sách, chỉ cần đọc những ý chính, chắt lọc dữ liệu, bạn đã thành công!
P/s: Đây cũng là cách mà các nhã lãnh đạo, người nổi tiếng như Bill Gates, Steve Jobs, Phạm Nhật Vượng,.. thường áp dụng. Họ bỏ qua một số chương mà theo họ là không cần thiết, thậm chí còn đọc không theo thứ tự, đọc lộn xộn các phần. Tất nhiên là để làm được điều đó cần có một tư duy thật khác biệt và đa số chúng ta thì chưa thể đạt tới điều này.
=> Kỹ năng số 3: Bỏ qua những phần ít quan trọng.
Bài học số 4: Tắt chế độ đọc nhẩm
Thực sự đây là một trong những kỹ năng khó thay đổi nhất với đa số người đọc hiện nay bởi nó đã ăn sâu vào tâm trí mỗi người. Căn nguyên sâu xa là từ bé chúng ta đã được dạy như vậy nên nếp đọc này in hằn trong tiềm thức để mỗi khi đọc bộ não lại tự động thực hiện điều đó.
Việc đọc nhẩm thật ra không tốt như nhiều người tưởng bởi nó làm hạn chế khả năng đọc – hiểu của não. Sự thật là chúng ta có khả năng ghi nhớ tốt hơn nhiều khi đọc bằng mắt (không đọc nhẩm). Việc này đòi hỏi người đọc phải có ý niệm mạnh mẽ khi thực hiện, nắm được kỹ năng này, khả năng đọc – hiểu của bạn sẽ được nâng cao đáng kể.
=> Kỹ năng số 4: Thay đổi để hoàn thiện bản thân.
Bài học số 5: Mở rộng biên độ mắt
Có thể nói đây là phần mở rộng cụ thể hơn của bài học số 4. Như đã nói ở trên, quá trình đọc và tiếp nhận thông tin của chúng ta thật sự được thực hiện bằng mắt rồi sau đó mới truyền đến não để xử lý dữ liệu. Đôi mắt được ví như một chiếc máy quét với khả năng phân tích và thấu thị một cách vô cùng chuẩn xác. Nó trái ngược hẳn với việc đọc bằng miệng hay đọc nhẩm bằng não. Qua kênh trung gian là đôi mắt, bộ não chúng ta sẽ có thời gian, sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn trước việc nhận và xử lý dữ kiện.
=> Kỹ năng số 5: Tiếp thu bằng mắt.
Bài học số 6: Liên hệ thực tế
Cái gì áp dụng được vào thực tế và ngược lại bao giờ cũng tốt hơn phải không nào? Sẽ tốt hơn nữa nếu đó là việc đã từng trải qua hoặc điều đó gần gũi với công việc, những sinh hoạt hàng ngày của bạn. Vậy nên khi đọc hãy cố liên hệ đến thực tiễn cuộc sống hàng ngày hoặc những thứ bên ngoài nhé.
=> Kỹ năng số 6: Kết nối để trở nên tốt hơn.
Bài học số 7: Nâng cao sự tập trung
Nếu bạn nào đã theo dõi kỳ 2,5 hẳn sẽ còn nhớ chủ đề này. Tập trung vốn không việc làm quá khó khăn nhưng nó đòi hỏi động lực rất lớn. Trong trường hợp này chúng ta hãy coi như “Đọc nhanh” là một nhiệm vụ cần phải thực thi. Và chính vì là “nhiệm vụ” nên đây sẽ là động cơ tuyệt vời nhất để thúc đẩy việc đọc của bạn trở nên hiệu quả hơn bao giờ hết cả về mặt chất lẫn mặt lượng.
Kết luận
Việc đọc nhanh không được quyết định bởi tố chất mà nó thật sự là thành quả của cả một quá trình trau dồi, tích lũy kinh nghiệm. Đây là một kỹ năng không khó và ai cũng có thể luyện tập được. Tuy nhiên, một số người không hoàn toàn tán thành hay bác bỏ kỹ năng bởi họ cho rằng đây là cách đọc hời hợt và lấy thành tích. Song, mỗi người một quan điểm và một vấn đề luôn tồn tại hai mặt trái chiều, các kỹ năng cũng có những ưu nhược điểm riêng. Điều quan trọng nhất là chúng ta sẽ “điều khiển” nó như thế nào, trau dồi, ứng dụng vào thực tế ra sao để phát huy được hiệu quả mà không bị ảnh hưởng bởi nhược điểm của nó. Tất cả phụ thuộc vào bạn, vào cách bạn nhìn nhận, tư duy, bao quát vấn đề,… Hãy tin rằng bản thân mình sẽ làm được tự khắc thành công sẽ đến với bạn.
Chúng mình tin bạn!

Bản quyền nội dung bài viết thuộc về Love Books Love Life. Yêu cầu không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.
Hãy tôn trọng tác giả bằng cách khi Re-post chú thích ghi nguồn đầy đủ!
“Love Books Love Life – Lắng nghe để sẻ chia”