Sách – [Số đặc biệt]
Tiếp nối chuỗi series về sách, sau khi đã nắm được cách đọc sách hiệu quả cũng như kỹ năng đọc nhanh thì Bảo quản sách là một công việc không thể không thực hiện đối với mỗi người. Có rất nhiều phương pháp bảo quản sách khác nhau được chia sẻ trên cộng đồng mạng, tuy nhiên những phương pháp ấy được viết tại nhiều nguồn khác nhau nên bị phân tán và có thể không đầy đủ. Trong kỳ này, Love Books Love Life đã tổng hợp và thêm thắt một số nguyên tắc cần thiết giúp hoàn thiện nội dung hơn để cho ra đời bài viết tổng quát, chi tiết nhất. Hy vọng sau bài viết này các bạn sẽ có được một cái nhìn rõ ràng hơn cũng như nắm được cách thức tốt nhất để bảo vệ những “đứa con cưng” của mình.
Chào mừng các bạn đã đến với “khoá học” bảo quản sách của chúng mình 😀 Đảm bảo đây là “khoá học” đầy đủ nhất, có sự đầu tư vô cùng kỹ lượng do người yêu sách như con tổng hợp nên. Nào, chúng ta bắt đầu!
Bài học số 1: Giữ sách sao cho đúng?
Có rất nhiều bạn hỏi Love Books Love Life: “Tại sao sách của mình giữ rất cẩn thận, đọc góc 45 độ, để sách ngay ngắn,.. mà sau một thời gian “tự nhiên” thấy sách xấu hẳn đi, bị xước, hằn phần gáy của bìa, quăn góc,…” thì tại đây chúng mình cũng xin trả lời luôn là không có gì là tự nhiên cả. Sách bạn bị những dấu hiệu như trên là do những lý do sau đây:
1. Do cách bạn đặt sách trong balo:
Kỳ thực có khá nhiều người chủ quan ở bước này. Chắc hẳn có rất nhiều bạn để sách theo chiều dọc, hoặc cứ nhét đại vào cho xong. Đó chính là nguyên nhân khiến cho cuốn sách của bạn bị hỏng ngoại hình. Để tránh tình trạng này các bạn hãy làm theo các cách sau:
- Để sách nằm ngang (hoặc đặt nằm hẳn xuống trong trường hợp trong cặp không có gì), đặt phần gáy sách tiếp xúc với đáy balo (nhớ lót thêm quyển vở hay gì đó xuống).
- Hãy để quyển sách của bạn được bao bọc bởi những thứ khác như sách, vở, sổ tay, những vật dụng mềm,… Tuyệt đối tránh để sách chung với những đồ vật sắc nhọn sẽ khiến cho bìa sách bị xước, bẩn trang sách,…
2. Do cách bạn đọc sách:
- Linh hoạt trong việc mở sách nhưng không được vượt quá con số 90 độ. Với những trang đầu truyện thì lấy trọng tâm ở phía tay phải bởi đó chính là tay đỡ truyện chính, tập trung vào tay đó nhiều hơn. Với phần cuối truyện thì làm ngược lại.
- Tuyệt đối không bao giờ được đặt đế sách chống xuống bàn hay bất cứ điểm tựa nào có tính chất cứng, rắn bởi sẽ làm hỏng phần đế sách khiến nó bị nhăn, dập, nhanh tróc lớp nilon đã được dán vào sách khi gia công. Chỉ làm thế khi bạn đang nằm trên đệm hoặc có điểm tựa là một vật mềm.
- Khắc cốt ghi tâm việc sử dụng bookmark để đánh dấu trang. Đừng tàn phá trang sách bằng việc gấp góc sách hoặc dùng phần bìa gập để đánh dấu chỗ bạn đang đọc.
3. Do bạn ẩu:
- Một nguyên tắc bất di bất dịch đó là: Khi tay bẩn thì đừng chạm vào sách. Tay bẩn không có nghĩa là tay bạn đen xì toàn đất cát hay dính nước mà đơn giản là tay bạn dính tạp chất khi bạn ăn cơm, hay làm một số việc vặt khác. Tạp chất ở đây có nghĩa là mùi thức ăn, một chút dầu mỡ, bụi,… Hãy đảm bảo tay bạn không còn dính những thứ này trước khi chạm vào quyển sách yêu dấu.
- Bạn có bao giờ nghĩ đến “tương lai” của quyển sách ở nơi bạn đặt nó xuống không? Tôi thì có và tôi tin chắc rằng 90% các bạn sẽ không để ý đến việc này.
Sự thật luôn đi kèm với bất ngờ. Các bạn nên để quyển sách của mình ở một nơi cao, tất nhiên là cả sạch sẽ nữa, đặt ở nơi ít người nhìn thấy càng tốt. Bởi vì sao?
- Những lý do sau đây hẳn sẽ khiến bạn phải ngã ngửa vì ngạc nhiên:
– Nhiều người có tính tò mò, họ thấy cuốn sách của bạn có vẻ hay nên sẽ cầm và mở ra xem thử, gặp người biết cách mở đúng thì không sao những chẳng may họ lại banh hẳn ra để nhìn cho rõ thì xong rồi đó.
– Những lý do khách quan bên ngoài như ai đó vô tình làm rơi, đổ nước, tệ hơn là ai đó mượn tạm sách của bạn để làm việc gì đó chẳng hạn (kê giấy để viết)
– Trẻ con – Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người bất lực nhất không chỉ riêng dân mọt sách. Bọn chúng quá đông và hết sức “manh động” nên cách tốt nhất là hãy giữ cho quyển sách của mình tránh xa khỏi tầm quan sát của chúng nó.
- Xếp sách lộn xộn cũng là lý do khiến cuốn sách của bạn trông bị “xấu” đi. Hãy luôn để sách trong điều kiện tốt nhất, không chồng quá cao, nhét vào giá quá căng hay xếp chung cùng những vật sắc nhọn, những thứ không phải là sách.
Bài học số 2: Bảo quản sách
Tip 1: Xây nhà cho sách
Chúng mình đã từng lê la qua rất nhiều diễn đàn, hội nhóm về sách, đọc vô số bài post của các mọt sách, điểm chung là hầu hết tại đó các bạn chỉ nêu ra được cách bảo quản sách sau khi mua về mà ít chú trọng tới việc chuẩn bị, xử lý chúng trước khi mua về. Sự chuẩn bị ở đây có nghĩa là “xây nhà cho sách”. Dù chúng ta có bọc sách kỹ đến đâu, có áp dụng bao nhiêu phương pháp bảo quản về sau tốt đến thế nào đi chăng nữa nhưng nếu không có được một “ngôi nhà tử tế” cho chúng thì cũng trở nên vô nghĩa. Vâng, hàm ý đằng sau sự ẩn dụ cho tất cả cụm từ hình tượng hóa đó, thứ Love Books Love Life muốn nói đến đó chính là: Giá chứa sách.
Từng chứng kiến nhiều người đặt sách ở những nơi không thuận lợi cho sách dẫn đến việc chất lượng bị ảnh hưởng ít nhiều, Love Books Love Life thực sự không vui. Có thể họ không đam mê đến mức trân trọng chúng như những người khác nhưng theo Love Books Love Life, khi chúng ta sở hữu bất cứ món đồ nào thì cũng nên đặt vào đó sự cẩn thận, kỹ lưỡng và trân trọng. Sách cũng vậy, đặt sách ở dưới đất, nhét bừa vào tủ và mặc cho mối, kiến, mọt gặm nhấm đến tàn tạ, bụi bám dày đặc, nhàu nát cả quyển hay vứt lung tung trên sàn nhà, sofa,.. Đó là những việc chúng ta không nên làm, nhất là đối với thứ giúp bản thân có thêm tri thức như sách vở. Hãy coi các đồ vật như chính bản thân mình, giữ gìn cẩn thận, đặt ở nơi sạch sẽ, ngăn nắp vì suy cho cùng chính chúng ta là người sử dụng những thứ đó, chúng định hình một phần bản chất của chúng ta, không tôn trọng chúng chẳng phải không tôn trọng chính bản thân hay sao?
Vậy nên điều đầu tiên chúng mình vẫn thường nói với các bạn khi họ hỏi bảo quản sách như thế nào đó chính là: “Hãy làm giá sách thật tốt.” Muốn to nhỏ, đẹp xấu thế nào cũng được nhưng nhất định phải có nơi để đặt sách vào và quan trọng phải được đặt ở nơi hợp lý. Có thể các bạn không biết nhưng ngoài việc giúp sách được “toàn vẹn” hơn thì giá sách còn giúp cho chất lượng của cuốn sách được cải thiện đáng kể nếu được sử dụng một cách hợp lý.
- Lưu ý khi làm giá sách:
Xây giá sách cách tường khoảng từ 5 – 10cm hoặc nếu đã xây sát tường hãy đặt một miếng xốp to ngăn giữa Tường và Giá. Tại sao phải làm vậy? Đó là vì tường hấp thu độ ẩm, nồm từ không khí (do đặc điểm khí hậu Việt Nam mang tính nhiệt đới). Kết quả sách sẽ bị: Cong, nhăn, ố vàng (kiểu lốm đốm chứ không phải vàng đều do thời gian). Chính vì vậy cần tạo khoảng cách giữa giá và tường giúp hạn chế tối đa việc sách bị nhiễm ẩm (cong, nhăn), nóng (ố vàng).
Tip 2: Chọn áo cho sách
Có “nhà” rồi thì phải sắm sửa “quần áo” đúng không nào. Bọc sách là một “truyền thống” của mọt sách nói riêng và dân sưu tầm sách nói chung. Đây là công việc khá mệt mỏi và tốn thời gian nhưng lại đem đến cho chúng ta một trải nghiệm thú vị và hay ho, nó cũng là công việc quan trọng trước khi bạn bắt đầu công cuộc chăm sóc “ đứa con cưng” của mình. Còn gì tuyệt vời hơn khi được tận tay chăm sóc từng cuốn sách phải không nào?
Hãy tưởng tượng sách là cơ thể và bọc là chiếc áo. Bởi sách cũng cần được “thở” nên các bạn hãy chú ý chọn những loại bọc có tính đàn hồi tốt, dầy dạn, có lỗ thoát khí ở hai bên mép bọc giúp sách không bị “ngạt” khi được bọc bởi nếu bọc kín mít hoàn toàn sẽ khiến sách nhanh bị vàng và chất lượng giảm rất nhanh, đó cũng là lý do vì sao chúng ta không nên bọc sách bằng những chiếc túi zip đựng thực phẩm bởi nó không có lỗ thoát hơi, chưa kể đến tính thẩm mỹ cũng không cao như những chiếc bọc chuyên dụng.
Tip 3: Cách bọc sách
Một quy tắc chung đó là xếp sách vào bọc theo hướng ngược nhau đối với 2 quyển trở lên. Có nghĩa là các bạn xoay ngược quyển sách (không phải ngược đầu đâu nhé) để cho chúng đan xen lẫn nhau (gáy – giấy – gáy – giấy). Điều này sẽ làm cho quyển sách của bạn không bị ép cong khi bọc sách nhờ sự phân bố trọng lượng và lực đều giữa các cuốn sách với nhau. Với truyện tranh thì các bạn nên chọn loại bọc nhỏ (5 quyển/1), tính thẩm mỹ cao hơn và tiện lợi hơn so với bọc 10 quyển/1. Với truyện chữ tầm 200 – 300 trang thì nên bọc 2 – 3 quyển/1 (với loại bọc nhỏ). Tất nhiên đây chỉ là những con số đại khái còn chúng ta có thể linh hoạt trong việc bọc. Nhưng một lưu ý chung là hãy cố gắng bọc sao cho quyển sách của bạn trông căng nét, không thừa quá nhiều bọc để khi bày lên giá sách trông sẽ đẹp hơn.
Tip 4: Phụ kiện đi kèm
1. Gói hút ẩm:
Các bạn hãy luôn nhớ rằng phải luôn có một gói hút ẩm trong từng bộ truyện mà bạn bọc nhé. Công năng của nó lợi ích cực kỳ luôn: Giảm ố vàng cho giấy, chống việc sách bị ẩm dù đã có lỗ thoát khí. Ở nơi có thời tiết nồm, nóng ẩm như Việt Nam thì gói hút ẩm quả là một phụ kiện tuyệt vời cho tủ sách nhà bạn.
2. Băng phiến:
Băng phiến là trợ thủ đắc lực, một vũ khí lợi hại để chống lại sự “xâm lăng” đến từ bên ngoài, đó là: Kiến, mối, mọt, gián,… những kẻ thù của sách. Mùi hương của băng phiến sẽ xua đuổi côn trùng, tạo ra lớp bảo vệ vô hình đảm bảo cho những cuốn sách của bạn luôn được an toàn. Các bạn hãy đặt chúng ở các góc, hốc của giá, tủ sách, nếu có điều kiện có thể đặt luôn vào trong lớp bọc cũng được. Nhưng tôi không khuyến khích bạn dùng quá nhiều vì dù sao băng phiến cũng được làm từ chất hóa học, không tốt cho sức khỏe con người.
Tip 5: Xếp sách lên giá sao cho đúng?
Thật sự thì việc xếp sách lên trên giá cũng là cả một nghệ thuật. Xếp làm sao phải vừa đảm bảo tính thẩm mỹ mà không ảnh hưởng đến chất lượng sách lại không bị tốn diện tích. Qủa là một bài toán đau đầu phải không nào?
Thói quen của rất nhiều người là xếp sách theo chiều dọc bởi những tiện ích mà nó mang lại như tiết kiệm diện tích, đẹp mắt, dễ nhìn, dễ lấy. Nhưng điểm xấu của nó là khiến cho chất lượng sách của bạn giảm đi đáng kể bởi chính việc dựng sách thẳng như thế khiến cho phần đế của sách vốn đã yếu nhanh bị hỏng.
Lời khuyên của Love Books Love Life là các bạn nên đặt ngang cuốn sách. Điều này tuy có nhiều điểm bất lợi như chiếm diện tích, khó lấy, không đẹp bằng xếp dọc nhưng bù lại chất lượng sách sẽ tốt hơn rất rất nhiều. Khi đặt ngang cuốn sách các bạn có thể chồng chúng lên nhau thoải mái mà không sợ trọng lượng của chúng làm cong cấu trúc sách như khi đặt dọc.
- Lưu ý:
Không bao giờ được đặt sách bất quy tắc. Nghĩa là đặt quyển lớn lên trên quyển bé bởi việc đó sẽ làm cho quyển lớn bị hỏng form rất nhanh. Hãy đặt theo thứ tự từ lớn đến bé.
Nếu vẫn muốn đặt sách dọc thì các bạn tuyệt đối không được để bất cứ thứ gì lên trên nó nữa bởi đó chính là liều thuốc độc chết người dành cho cuốn sách của bạn. Lý do thì tôi đã nêu ở trên. Và các bạn hãy cố gắng xếp sách thật sát vào nhau, có nghĩa là hãy tạo ra một lực ép vừa đủ khi các bạn xếp chúng từ đầu đến cuối giá sách. Đó chính là cách để giữ form sách của bạn không bị cong và đổ, nói ngắn gọn là giúp chúng ổn định hơn.
Trên đây là tất cả những cách giúp các bạn bảo quản sách một cách tốt nhất do Love Books Love Life sưu tầm cũng như tổng hợp lại dựa trên kinh nghiệm đọc sách và tìm hiểu lâu năm. Bạn nào có những cách giữ sách khác tốt hơn hãy comment xuống phía dưới cho các mọt cùng biết nhé! 😉
“Love Books Love Life – Lắng nghe để sẻ chia”