Contact Information

Hanoi

We Are Available 24/ 7. Call Now

Đọc – [Số đặc biệt]

(hay phần spin off của “Làm thế nào để đọc sách hiệu quả”)
 
Sau khi hoàn thành bài viết: “Bàn về cách đọc sách hiệu quả” Love Books Love Life thấy nó đã phần nào tháo gỡ được một trong những vấn đề lớn nhất mà chúng ta thường gặp phải khi đọc sách. Tuy nhiên, có vẻ như nó vẫn chưa thực sự làm tròn vai trò của mình. Để ý sẽ thấy bài viết nói rất nhiều về các tips hướng dẫn đọc hiệu quả nhưng chưa làm rõ được cách thức để tạo ra sự hiệu quả, đó chính là Sự Tập Trung. Đây chính là điểm cốt lõi mà Love Books Love Life đã nhận ra trong lần xem lại bài viết và đọc comment của các fan.
 
Có thể hiểu đây là một bài viết mang tính chất “phân tích chuyên sâu cụ thể” nhằm giúp người đọc nắm được thêm những kỹ năng cơ bản cần thiết để thực hiện công việc đọc cũng như nâng cao sự tập trung. Love Books Love Life hiểu sẽ có một số người đã biết nhưng bên cạnh đó cũng có những người chưa biết. Vậy nên trên tinh thần “lá lành đùm lá rách”, người biết nói cho người chưa biết, Love Books Love Life hy vọng các bạn sẽ cùng nhau chia sẻ những kiến thức, tips, giải đáp thắc mắc,… ngay dưới bài viết này để chúng ta có thể cùng nhau nắm được kỹ năng cũng như cải thiện cách đọc sách, giúp cho việc đọc trở nên tốt hơn.
Ok. Let’s start!

I. Phần chung

Tập trung là hành động dồn toàn bộ tâm lực, trí óc để thực hiện một mục tiêu đã được đề ra mà không bị chi phối bởi bất cứ thứ gì diễn ra xung quanh.
Ngoài tập trung thông thường, chúng ta còn có siêu tập trung là cảnh giới cao cấp hơn, nó được chia làm 4 trạng thái sau:

1. Chú tâm

Đây là trạng thái mang lại sự “trải nghiệm tối ưu” cho tâm trí do các mạng thần kinh hoạt động rất đồng bộ với nhau, điều này khiến cho mọi con đường tư duy trong não bộ diễn ra suôn sẻ, nó giải thích tại sao chú tâm lại giúp mọi việc trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nó rất khó để thực hiện bởi hàng loạt những yếu tố bên ngoài (tiếng chuông điện thoại, tiếng gọi cửa, tạp âm,..) làm ảnh hướng tới quá trình. Nhưng chúng ta vẫn có thể cải thiện trạng thái này bằng cách đưa bản thân vào sự thư giãn hay nói cách khác là lơ đãng. Khi đó, bộ não sẽ không bị gò bó trong khuôn khổ “phải tập trung” mà sẽ được “tự nhiên” hơn và những ý tưởng sẽ tự động đến.

2. Kéo giãn thời gian

Thời gian sẽ trôi nhanh hơn khi bạn chú tâm. Vậy nên rất có thể sau một hồi lơ đãng đến khi ngước nhìn đồng hồ bạn sẽ thấy shock khi biết mình đã “mộng mơ” quá lâu mà không làm được gì. Nhưng đừng lo, hãy thử luyện tập trạng thái thứ hai: “Kéo dãn thời gian”. Bằng cách điều khiển toàn bộ cơ thể bao gồm cả bộ não hoạt động chậm lại, nhận thức của bạn cũng theo đó được kéo dài. Nhưng, bạn sẽ không thể thực hiện nó quá lâu vì dù sao đây cũng chỉ là ảo giác đánh lừa não bộ. Bạn phải tận dụng khoảng thời gian quý giá này một cách triệt để và hiệu quả để có được kết quả thực sự tốt. Nói gì thì nói, thời gian cũng không phải vô hạn, chúng ta chỉ đang làm chậm nó đi thôi.

3. Sáng tạo

Ngược lại với chú tâm, sự sáng tạo sẽ đến khi ta lơ đãng. Đây là cách thức tập trung mà tôi thấy thú vị nhất. Nói đơn giản thế này: Đã bao giờ trong lúc tắm, làm việc nhà, nằm bất động hay nghĩ vu vơ mà bất chợt có những suy nghĩ hay ho xảy đến với bạn không? Love Books Love Life cam đoan là có, nếu không nhận thấy có thể do các bạn không để ý. Cốt lõi của sự sáng tạo chính là nằm ở đây: Để bản thân rơi vào trạng thái lơ đãng, không chú tâm chủ đích suy nghĩ mà thả hồn cho bộ não được tự do, ý tưởng sẽ tự động sinh sôi bất chợt trong đầu bạn.
 
Đối với sự sáng tạo, bạn có thể tìm ra những ý tưởng mới bằng cách để tâm trí lơ đãng. Nhưng hãy nhớ quay trở lại đúng lúc để xem xét ý tưởng đó có khả thi hay không bởi “Để quyết định ý tưởng nào hoạt động tốt nhất, trở lại thực tại là điều cần thiết.”

4. Deadline Marathon

Nếu bạn không thích những cách trên thì tốt thôi, lại trở về cách cũ: “Nước đến chân mới nhảy”. Kỳ thực cách làm này không tệ như nhiều người vẫn nghĩ. Nguyên nhân là bộ não chỉ có một số lượng giới hạn sức mạnh để xử lý thế giới xung quanh chúng ta. Nếu bạn thêm những phiền nhiễu có chủ ý vào những gì bạn đang cố gắng tập trung vào (hình ảnh nhấp nháy, đường viền đầy màu sắc, tạp âm nền) nó thực sự có thể giúp bạn tập trung. Điều này là do việc xử lý những phiền nhiễu này đã chiếm hết sức mạnh xử lý của bộ não, không còn chỗ để xử lý các phiền nhiễu bên ngoài khác phức tạp hơn. Vì vậy, thay vì bị phân tâm bởi các yếu tố gây nhiễu lớn, bạn có thể quản lý sự phân tâm của mình ở mức độ thấp hơn, mà vẫn tập trung phần lớn tâm trí vào nhiệm vụ chính của mình.

II. Áp dụng vào thực tế – Đọc sách

4 trạng thái siêu tập trung kể trên là phần mở rộng để giúp các bạn liên hệ được rõ ràng nhất tới thực tế, cụ thể ở đây là việc đọc sách. Trong đọc sách, chúng ta chỉ cần quan tới “chú tâm” và “kéo giãn thời gian”, luyện tập chúng một cách thuần thục. Hai trạng thái còn lại không phù hợp nên có thể cho qua hoặc ứng dụng vào việc khác. Vậy, thêm một câu hỏi đặt ra: “Làm thế nào để đạt được hai trạng thái trên?”

1. Chọn không gian phù hợp

Công việc nào cũng yêu cầu chúng ta phải đặt tâm – sức – trí mỗi khi thực hiện nhưng ít ai biết rằng còn một yếu tố tiên quyết khác quyết định 90% thành công đó là sự hứng thú. Không gian chính là chất xúc tác giúp hình thành sự hứng thú bên trong mỗi người. Nó là niềm cảm hứng để sinh ra những cảm xúc cá nhân. Cảm xúc thúc đẩy động lực khiến công việc chúng ta làm đạt hiệu quả tốt hơn. Thực hiện công việc trong không gian, hoàn cảnh thuận lợi chất lượng thành quả chắc chắn sẽ cao hơn nhiều so với làm việc ở một nơi bản thân không cảm thấy thoải mái phải không nào?
Không gian là một trong những điều kiện hàng đầu quyết định tới chất lượng tập trung của bạn. Không đơn thuần chỉ là nơi yên tĩnh, không ồn ào, nó còn phải là nơi thực sự phù hợp với bản thân. Lấy ví dụ để các bạn dễ hình dung: Mỗi người ai cũng có một nơi mà mình thường xuyên lui tới, có thể là quán cà phê, con phố, cửa tiệm, tầng thượng tòa nhà… Tại sao bạn lại thích nơi đó? Lý do tại sao các bạn chọn nơi đó chính là câu trả lời cho câu hỏi “thế nào là phù hợp”.

2. Cô lập bản thân

Chính xác! Hãy tự nhốt mình vào nơi kín đáo, biệt lập hoàn toàn, loại bỏ toàn bộ những thứ có thể sẽ ảnh hướng tới quá trình đọc sách của chúng ta như tắt chuông các thiết bị điện tử bao gồm: Di động, máy tính, tivi, máy nghe nhạc, đồng hồ,… hoặc đặt chúng ra xa khỏi tầm mắt.
 
Nếu trường hợp không thể ở nơi kín đáo hoàn toàn thì phải có biện pháp phòng ngừa thích hợp, tránh bị ảnh hưởng bởi trong sinh hoạt ắt hẳn sẽ có nhiều lúc không thể tránh khỏi những tác động khách quan như tiếng người gọi, tiếng trẻ em, tiếng khoan, tạp âm ngoài phố,.. Đối với người trong nhà thì nên dặn dò trước để họ không làm phiền, còn các yếu tố khác theo tôi một chiếc tai nghe là lựa chọn thích hợp để xử lý vấn đề.

2. Tự ý thức

Ý thức luôn là yếu tố được đặt lên hàng đầu mỗi khi thực hiện một công việc nào đó. Nó đóng vai trò quan trọng trong việc điều khiển toàn bộ hành vi, nhận thức, tư duy của con người. Rèn luyện ý thức là một việc phải làm thường xuyên để nâng cao sức bền và cải thiện mức độ hiệu quả của bộ não trong xử lý tiếp thu thông tin, khả năng tự “dạy dỗ” bản thân.
 
Hãy luôn tâm niệm rằng “mình phải làm được” thật nhiều lần trong đầu, cố gắng duy trì, phát huy nó. Hãy khơi dậy lý trí mạnh mẽ từ sâu trong bản thân, tuyệt đối không được để những suy nghĩ linh tinh len lỏi vào bộ não. Phải luôn ý thức được rằng mình đang thực hiện công việc chứ không phải đang chơi trò giải trí. Huy động toàn bộ sức mạnh của bộ não vào việc đọc, đọc và chỉ đọc mà thôi.

3. Không lung lay

Gần giống với “tự ý thức”, hãy giữ cho bản thân không nghĩ đến những cám dỗ xung quanh luôn thường trực xuất hiện như: Chơi game, xem điện thoại hay nghĩ vẩn vơ đến nhiều thứ khác. Và điều quan trọng nhất là phải vượt qua được nó. Love Books Love Life biết sẽ không mấy dễ dàng bởi chính tôi cũng phải nỗ lực rất nhiều để thực hiện được việc này. Nhưng không gì là không thể, sự thành công đến phụ thuộc và ý chí và lòng quyết tâm hoàn thành mục tiêu của bạn. Love Books Love Life tin các bạn sẽ làm được!

4. Đặt ra mục tiêu

Đã không dưới một lần chúng ta được nghe về sức mạnh của việc “Đặt ra mục tiêu” rồi phải không? Nó giống như kiểu lập “to do list”. Sự siêu tập trung cũng đến từ hành động này. Bằng cách đặt ra những mục tiêu nhỏ trong quá trình đọc như: Giới hạn số trang, số chương, chia phần,… bạn sẽ có được sự tập trung ngẫu nhiên mà lại vô cùng hiệu quả. Não bộ sẽ tự động thực hiện công việc đó một cách nhanh nhất để hoàn thành nhưng đồng thời bạn cũng cần phải kiểm soát sự nhanh chóng đó bằng cách xử lý kỹ lưỡng phần thông tin được tiếp nhận. Hiểu đơn giản nội dung là “dòng người”, bạn là “kiểm soát viên” và bộ não là “nơi tiếp nhận”. Hơn thế nữa, bạn hoàn toàn có thể vượt chỉ tiêu đã đề ra trước đó với biện pháp này bởi khi tập trung chúng ta làm việc cực kỳ hiệu quả, hiệu quả chúng ta nhận được ở đây đó chính là sự kết nối, nhập tâm, thấu hiểu những nội dung được viết ở trong sách và khi ngoảnh lại thì thật bất ngờ, một khoảng cách rất xa vô tình đã được thiết lập từ những mục tiêu nhỏ ban đầu cho đến thời điểm hiện tại. Thật quá tuyệt vời phải không? Đây chính là cách mà Love Books Love Life thường áp dụng trong mỗi lần đọc của mình vì tính chất độc đáo không mất nhiều công sức của nó. Đúng là mọi thứ cứ để chúng thuận theo tự nhiên là tốt nhất các bạn nhỉ?

5. Tạo ra quy trình

Mỗi người có một cách sinh hoạt, khung giờ thực hiện những công việc riêng khác nhau. Hãy thiết lập một quy trình cụ thể cho từng loại công việc để ổn định nó. Có thể bạn sẽ nghĩ điều này thật nhàm chán và gò bó nhưng hiệu quả mà nó đem lại là không tưởng. Ví dụ đọc sách vào những khung thời gian định sẵn để tạo ra thói quen, sau đó dần dần xây dựng nó thành một quy trình cụ thể và rõ ràng mang tính chiến lược. Quy trình sẽ giúp bạn có được sư “tập trung tự nhiên” bởi lúc này bộ não đã hình thành phản xạ vô điều kiện, bất kể khi nào bạn thực hiện quy trình đó mọi thứ trong đầu bạn sẽ tự động biết chúng phải làm gì. Điều này còn giúp bạn hình thành nhiều kỹ năng khác như: Lên kế hoạch, đặt mục tiêu, lãnh đạo và nhiều thứ khác nữa.

III. Một số phương pháp cải thiện sự tập trung

1. Nghe nhạc

Hãy nghe một vài bản nhạc nhẹ, có lời hay không lời đều được trước khi bắt đầu việc đọc, khuyến nghị của Love Books Love Life là Lofi chill, Beta, Acoustic, à ngoài ra Love Books Love Life cũng hãy nghe của Hà Anh Tuấn nữa. Những giai điệu âm nhạc sẽ kích thích và thanh tẩy bộ não thông thoáng hơn giúp tăng khả năng tập trung bạn qua đó việc tiếp thu xử lý thông tin cũng trở nên hiệu quả.

2. Ngủ đủ giấc

Tất nhiên rồi, sinh hoạt điều độ luôn là yếu tố hàng đầu trong mọi vấn đề, đặc biệt là trong công việc. Bởi vậy, chúng ta cần hết sức chú trọng tới điều này. Và giấc ngủ cũng không nằm ngoài điều đó. Ngủ đủ giấc mang lại rất nhiều ích lợi cho con người. Khoảng thời gian theo tôi tốt nhất để đọc sách là ngay sau khi ngủ dậy vì khi đó bộ não đã sạc đầy năng lượng, sự khỏe khoắn sẽ giúp độ tập trung được đẩy lên cao hơn rất nhiều.

3. Thời gian

Thời gian biểu của mỗi người là khác nhau vậy nên sẽ có sự khác biệt nhất định trong sinh hoạt, hoạt động. Có những người dành cả ngày để ngủ và chơi, đêm mới bắt đầu làm việc nhưng cũng có những người ngược lại,… Vậy nên việc chọn thời gian thích hợp cho việc đọc là điều rất quan trọng ảnh hưởng tới mức độ tập trung cũng như sự tiếp thu của bộ não. Lời khuyên chung là không nên đọc trong khoảng thời gian bị gò bó, thúc ép bởi chúng ta sẽ có xu hướng muốn kết thúc nhanh chóng hoặc không thực sự cảm thấy thoải mái khi thực hiện công việc. Các bạn có thể hiểu đơn giản việc đọc cũng giống như khi ăn cơm, ăn đúng giờ dinh dưỡng từ thức ăn vào cơ thể sẽ chuyển hóa và hấp thu hiệu quả hơn so với ăn trái giờ. Tương tự, đọc sách vào khoảng thời gian phù hợp sẽ giúp bộ não tiếp nhận và xử lý thông tin tốt hơn. Có một điều thú vị ở đây đó là đọc sách không có thời gian cố định như ăn uống mà phụ thuộc hầu hết vào mỗi người tùy theo từng thời điểm.

4. Tinh thần

Hmmm, để xem nào, thực sự khá là khó để cắt nghĩa và diễn đạt một cách trơn tru cho mọi người. Các bạn hiểu đơn giản thế này: Công việc nào cũng đòi hỏi phải duy trì, kiên nhẫn, không phá bỏ quy tắc luật lệ (đặc biệt là những việc đòi hỏi tự kỷ luật bản thân như đọc sách). Ngay từ khi bắt đầu chúng ta đã xác định đây là một công việc sẽ được thực hiện dài hạn và hầu như không có khoảng nghỉ. Sẽ có những lúc chúng ta mệt mỏi, chán nản nhưng vẫn phải cố tiếp tục duy trì (không phải là cố trong vô thức kiểu cho xong nhé). Lúc này, trạng thái tập trung sẽ hiện lên rõ nét nhất. Tinh thần của chúng ta khi làm việc trong lúc hào hứng khác biệt hoàn toàn so với khi làm việc trong lúc phải cố gắng hoàn thành mục tiêu. Các bạn hiểu rồi chứ? Sự tập trung khi buộc phải hoàn thành sẽ thấp hơn khi chúng ta thực hiện một cách tự nhiên. Tôi sẽ không đưa ra bất cứ quan điểm nào can thiệp đến việc đọc của các bạn vào lúc nào hay như thế nào. Điều tôi muốn nói là hãy giữ cho tinh thần luôn ổn định, vui vẻ càng tốt nhưng đừng để tụt cảm xúc hay mệt mỏi bởi chỉ cần ổn định, sự tập trung sẽ giữ được đúng sức mạnh của nó.

IV. Một số kiểu đọc sách thường gặp

Giống như không gian và thời gian, thời điểm đọc cũng có liên quan tới sự tập trung mặc dù nó không được thể hiện rõ ràng nhưng cũng có thể xem như đây là tài liệu tham khảo để chúng ta phần nào đó rút ra được những tips bổ ích từ đó có giải pháp phù hợp để cải thiện mức độ tập trung của bản thân.
Một người có ba kiểu đọc sách, ý tôi ở đây là nói về tâm trạng khi đọc.
 
Cụ thể:
1. Đọc với tâm thế bình thường
Đây là dạng phổ biến. Có nghĩa là đơn thuần chỉ đọc thôi, không có gì đặc biệt.
 
2. Đọc khi đang vui
Đây cũng là một dạng phổ biến. Khi đọc ở giai đoạn này sẽ tiếp thu rất nhanh, hiểu rất mau. Ngước lên ngước xuống nhìn đồng hồ thì đã mấy tiếng trôi qua ???. Sự tập trung lúc này được đẩy lên khá cao và có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên nó không kéo dài quá lâu bởi đây là cảm xúc ngắn hạn nhưng bù lại sự ổn định luôn được đảm bảo và sẽ không phải lo về việc mất tập trung bất chợt bởi bộ não đang đạt được trạng thái thư giãn tốt nhất.
 
3. Đọc trong tâm thế bị kích động hoặc đang buồn bực
Đây là dạng hiếm gặp. Người đọc sách ở giai đoạn này đọc để quên đi nỗi buồn bực khó chịu trong người. Từ đây sinh ra 2 dạng thức:
– Đọc rất chậm, kiểu mơ màng, đọc mà không nhớ mình đang đọc gì, lật trang và load dữ kiện trong tình trạng vô thức (kiểu này là mất tập trung toàn tập).
– Đọc siêu nhanh, tốc độ đọc tỷ lệ thuận với độ tiếp thu. Có thể nói đây là một trong những kiểu đọc nhanh dị nhất. Tương tự như kiểu hai, sự tập trung được đẩy lên rất cao và có chiều hướng gia tăng nhanh chóng. Cần phải lưu ý là chỉ cần một sự việc, hiện tượng nào đó xảy ra làm gián đoạn thì sự tập trung đó sẽ không bao giờ có thể lấy lại được. Có thể nói những người thuộc kiểu này là vô cùng hiếm, nó cũng được cho là một trong những biểu hiện chứng tỏ họ là những người khác biệt, luôn có suy nghĩ đi ngược lại số đông.
Kiểu 1 và 2 thuộc diện phổ thông đồng nghĩa với việc phụ thuộc vào nhiều yếu tố như môi trường, thể loại sách,… Nhưng riêng đối với kiểu 3 dạng thức 2 thì không. Việc đọc khi ấy như một cách để họ giải tỏa ức chế. Giống như một số người khi viết truyện dựa trên cảm xúc rất hay nhưng khi không cảm xúc mất thì không thể viết được, nó khác hoàn toàn với những người viết có kỹ năng chuyên môn. Trong trường hợp này họ có được sự tập trung là do cảm xúc đem lại chứ không phải qua rèn luyện hay tố chất của bản thân.

IV. Phần kết

Theo Love Books Love Life, mấu chốt của sự tập trung một phần nằm ở công việc mà chúng ta đang làm hay nói cách khác là sự hứng thú. Khi có hứng thú, sự tập trung sẽ ngẫu nhiên xảy ra để thỏa mãn nhu cầu, ham muốn của bản thân. Tuy nhiên, không phải công việc nào cũng đem lại sự hứng thú và không phải ai cũng nhận được sự hứng thú từ công việc mà họ làm. Chính vì vậy tập trung cần phải được rèn luyện như một kỹ năng thiết yếu cần có của mỗi người để có thể thích nghi trong mọi điều kiện hoàn cảnh. Kỳ thực, việc cải thiện nó không quá khó khăn nhưng sẽ không dễ dàng với những người kém ý chí nội lực. Nếu có thể nâng cao sự tập trung, chất lượng công việc sẽ hiệu quả hơn rất nhiều và theo một chiều hướng nhất định nào đó, giá trị bản thân chúng ta cũng sẽ vì thế mà thay đổi.
 
Thân ái!
 
? Writer: Nam LB.
 
⚠ Bản quyền nội dung bài viết thuộc về Love Books Love Life. Yêu cầu không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.
⚠ Hãy tôn trọng tác giả bằng cách khi Re-post chú thích ghi nguồn đầy đủ!
 
“Love Books Love Life – Lắng nghe để sẻ chia”
Share:

Nguyễn Nam

administrator

1 Comment

  • Avatar

    binance, 1 Tháng Mười Hai, 2024 @ 10:01 chiều Reply

    Thanks for sharing. I read many of your blog posts, cool, your blog is very good.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *