Contact Information

Hanoi

We Are Available 24/ 7. Call Now

Sách – [Fact]

Holocaust và Auschwitz – hai khái niệm quen thuộc với những người đam mê lịch sử thế giới hoặc yêu thích chủ đề chiến tranh, nhưng lại khá lạ lẫm với những người không thường xuyên tìm hiểu về các cuộc tàn sát trong lịch sử. Trong Thế chiến thứ II, Holocaust và Auschwitz là hai trại tập trung chứng thực cho tội ác ghê rợn của phát xít Đức đối với người Do Thái. Chúng biến họ thành nô lệ, lao động khổ sai, thí nghiệm y khoa, thậm chí đưa vào lò hơi có khí ngạt cho đến chết. Chính vì vậy, các tác phẩm viết về Holocaust và Auschwitz luôn tạo được ấn tượng trong việc lột tả sự thật nghiệt ngã, mà sau này người ta gọi chung chủ đề này là văn chương Holocaust (The Holocaust). Ở bài viết hôm nay, Love Books Love Life sẽ cùng bạn đọc điểm qua một vài tác phẩm văn chương Holocaust tiêu biểu để hiểu rõ hơn về nạn diệt chủng thảm khốc, cũng như những giá trị nhân văn ẩn phía sau từng con chữ.

⭐️ Đêm – Elie Wiesel

Elie Wiesel – người đã từng đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1986, là một trong những nạn nhân của phát xít Đức, nên cũng khá dễ hiểu khi tiểu thuyết “Đêm” của nhà văn được bình chọn là tác phẩm hay nhất văn chương Holocaust. Cuốn sách là hồi ức của Elie Wiesel dưới góc nhìn của nhân vật chính Moshé, viết về những điều kinh hoàng mà anh đã trải qua tại trại tập trung của Đức quốc xã năm 1944. Đây cũng là nơi mà anh phải chứng kiến cảnh mẹ mình, đứa em út, những người thân của mình bị đưa vào lò thiêu và nhìn cha mình chết dần chết mòn. Ngay đêm đầu tiên, hàng loạt những điều đau đớn nhất cuộc đời Moshé được tác giả ghì chặt trong từng câu chữ: “Sẽ không bao giờ tôi quên được đêm ấy, đêm đầu tiên ở trại, cái đêm dài nhất trong cuộc đời tôi cùng với bảy lần bị giam giữ. Sẽ không bao giờ tôi quên làn khói ấy. Sẽ không bao giờ tôi quên những khuôn mặt bé nhỏ của những đứa trẻ tôi đã nhìn thấy thịt da chúng cuộn dúm lại dưới bầu trời lặng câm”.

Một cuốn tự truyện đầy những ám ảnh, đau đớn. Tác giả kể lại những gì mắt thấy, tai nghe về trại tập trung và lò thiêu người. Đó là một thế giới cuồng loạn, lạnh lẽo, ở đó những người đàn ông vận đồng phục có kỷ luật và học thức lại đến để giết người. Tất cả đàn ông, phụ nữ và trẻ em đều bị sát hại rồi bị ném vào những hố chôn tập thể khổng lồ, những hố chôn do chính người họ đào xới. Sau đó, những đơn vị đặc biệt sẽ đào các xác chết lên để đốt ngay ngoài trời.

Love Books Love Life cho rằng Elie Wiesel như một nhân chứng sống, ông sống sót qua nạn đại diệt chủng ấy để viết nên cuốn sách này, để bóc trần những tội ác của phát xít Đức. “Đêm” là một miền ký ức đau khổ của Wiesel, nhưng cũng là nỗi đau của tất cả người dân Do Thái, cả những người còn sống và những người đã chết đi.

⭐️ Đi tìm lẽ sống – Viktor E. Frankl

Giống như nhiều người Do Thái sinh sống tại Đức và Đông u khi ấy, Frankl đã trải qua khoảng thời gian chịu nhiều khổ ải trong trại tập trung của Đức quốc xã. “Đi tìm lẽ sống” là đúc kết của những chiêm nghiệm sau khi tác giả chứng kiến và trải qua những tháng ngày cầm tù nghiệt ngã.

Cuốn sách được chia thành hai phần: Phần 1 là những trải nghiệm của tác giả trong trại tập trung, phần 2 là giới thiệu sơ lược về các liệu pháp ý nghĩa. Nghe thì có vẻ hơi khô khan nhưng bản chất cuốn này không thuộc thể loại tiểu thuyết mà thiên về kỹ năng sống nhiều hơn. Vì vậy, tác giả không mô tả quá nhiều những màn tra tấn tàn bạo của phát xít Đức lên những người dân Do Thái tội nghiệp hay những trận đói ăn cồn cào. Mà thay vào đó, ông tập trung vào phân tích tâm lý, phản ứng của tù nhân, những đau khổ mà họ nhận được dưới góc nhìn của một nhà tâm thần học. Ông coi đó là một bước đệm trong quá trình đi tìm lẽ sống cũng như các dạng thức để tồn tại của chính bản thân ông và các bạn tù.

“Đi tìm lẽ sống” là một cuốn sách thú vị, đặc biệt ở giọng văn hài hước lạ thường của một con người “trở về từ địa ngục”, nhưng lại khá khó đọc vì thiên về tâm lý học. Để hiểu sâu, ngẫm kỹ cuốn này, Love Books Love Life khuyên độc giả hãy đọc chậm chứ không nên đọc lướt, như vậy mới thấm được ý tứ của nhà văn.

⭐️ Chú bé mang Pyjama sọc – John Boyne

Cuốn sách đưa độc giả đến trại tạm giam dưới góc nhìn của cậu bé Bruno 9 tuổi. Câu chuyện bắt đầu khi Bruno trở về nhà và nhận ra gia đình mình phải chuyển đến một nơi khác vì bố của cậu được thăng chức. Tại đó cậu tìm được một người bạn đặc biệt “phía bên kia hàng rào” tên Shmuel – cậu bé Do Thái ở Ba Lan bị Đức Quốc xã bắt đến trại tập trung. Chúng làm quen và trở nên thân thiết với nhau qua một hàng rào – thứ ngăn cách giữa tự do và cầm tù. Nhưng ở lứa tuổi đó, chúng không thể biết được tình huống chúng đang gặp phải là gì.

Người ta vẫn hay nói trẻ con thường nhìn đời bằng cặp mắt hồn nhiên cùng với suy nghĩ có phần giản đơn để hình tượng hóa những thứ mà chúng thấy. Song Love Books Love Life thấy rằng đôi khi chính điều này lại có phần đáng sợ nếu ta biết được những sự thật sự ẩn sau cái nhìn hồn nhiên đó. Bởi vậy mà xuyên suốt cuốn sách là vô số những chi tiết ẩn dụ, tưởng là đơn giản nhưng lại hết sức sâu cay. Nơi mà gia đình Bruno phải chuyển đến đó chính là trại tập trung Auschwitz (mà cậu gọi là “Ao Tuýt”) của Đức Quốc xã. Lý do mà nhà cậu chuyển đến đây là do cha cậu phải phục vụ cho kế hoạch quân sự trừng phạt những người Do Thái của tên trùm phát xít Adolf Hitler. Tất cả những sự thật này đều được tác giả phủ lên bằng các “từ khóa” đặc biệt dưới góc nhìn của Bruno, và đó cũng chính là cách John Boyne cất lên tiếng nói công bình của mình. Tình bạn nảy nở giữa Bruno và Shmuel bất kể có khác nhau về địa vị, giai cấp và cả dãy hàng rào ngăn cách, là minh chứng sống động nhất cho thấy giữa người và người không hề có khoảng cách. Chúng ta đều bình đẳng như nhau, kể cả cái chết.

? Văn chương Holocaust không có giới hạn

Love Books Love Life đề cập đến ba đầu sách ở đây, là ba góc nhìn khác nhau, với những câu chuyện khác nhau và cách kể hoàn toàn riêng biệt. Chúng mình lựa chọn ba tác phẩm này để thấy được rằng dù ở bất kỳ góc nhìn nào, dù câu chuyện là gì và giọng văn ra sao, tất cả ẩn sâu đằng sau đó vẫn là những niềm đau mà thế chiến thứ II đã để lại cho người Do Thái. Những tác phẩm văn chương Holocaust đã bóc trần tội ác của Đức quốc xã tại các trại tập trung, bóc trần cả nỗi kinh hoàng của những nạn nhân vô tội, từ đó lên án chiến tranh phi nghĩa và cất lên tiếng nói cảm thương cho hơn 6 triệu người đã chết.

Mặc dù ngày nay, chiến tranh đã qua đi, nhưng sẽ không ai có thể trả lại cho người Do Thái những gì họ đã mất, và bù đắp lại cho họ những gì họ xứng đáng được nhận. Văn chương Holocaust xuất hiện để xoa dịu nỗi đau của những người đã nằm xuống, đồng thời để những người đang sống biết được quá khứ kinh hoàng đến dường nào.

Ở đời, người ta vẫn thường hay than thở về sự bạc bẽo của văn chương. Nhưng Love Books Love Life cho rằng, văn chương nếu có bạc bẽo, chỉ là đối với những tác phẩm không mang lại giá trị hiện thực và nhân văn sâu sắc. Những câu chuyện vô giá trị sẽ bị người đời quên đi và phai nhòa dần theo thời gian, ngược lại, những áng văn ý nghĩa sẽ ở lại dẫu thời gian có khắc nghiệt đến thế nào. Đó chính là lý do vì sao văn chương Holocaust luôn sống mãi, nhờ ngọn lửa của lò thiêu người, cũng là ngọn lửa của nỗi đau, sự cảm thông và niềm khát khao công bằng.

? Author: Rosie.
 Editor: Susan.

 Bản quyền nội dung bài viết thuộc về Love Books Love Life. Yêu cầu không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.
 Hãy tôn trọng tác giả bằng cách khi Re-post chú thích ghi nguồn đầy đủ!

“Love Books Love Life – Lắng nghe để sẻ chia”
Share:

Nguyễn Nam

administrator

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *