Sách – [Fact]
Ý thức nữ quyền trong văn học Việt Nam
⏳ Vai trò của nữ giới trong cái nhìn lịch sử
Chúng ta hẳn không còn xa lạ gì với những tương truyền xưa, rằng Eva được sinh từ xương sườn của Adam và cũng chính Eva đã dụ dỗ Adam ăn trộm trái cấm. Nhiều quan điểm dựa vào đó để nhận định vai trò của nữ giới lệ thuộc và bị chi phối bởi nam quyền, đồng thời coi nữ giới là nguồn gốc sinh ra tội lỗi. Trong sử thi Iliad của Homer, phụ nữ cùng với nô lệ bị coi là phần thưởng cho kẻ thắng trận. Hay chuyện về những nàng cô chúa của nước yếu thế được gả sang nước khác hùng mạnh hơn như một sự trao đổi để duy trì hòa bình. Trong cả văn hóa Khổng giáo (tiêu biểu là Trung Hoa và Việt Nam) cũng đặc biệt chú trọng đến vai trò áp chế của đàn ông so với đàn bà. Biểu hiện điển hình nhất chính là đạo tam tòng với 3 con đường phải theo: tại gia tòng phụ (lúc ở nhà thì theo cha), xuất giá tòng phu (lúc lấy chồng thì phải theo chồng), phu tử tòng tử (lúc chồng chết thì thờ chồng nuôi con).
Sơ lược lại một cách ngắn gọn những điểm nổi bật kể trên, Love Books Love Life muốn cung cấp tới bạn, nhất là những ai chưa biết về chủ đề này, cái nhìn ban đầu bao quát nhất về vị trí của nữ giới nhìn chung. Tuy dưới các góc độ lịch sử và quan niệm khác nhau, nhưng điểm đồng nhất là người phụ nữ luôn ở thế thấp hơn so với đàn ông trong xã hội.
⏳ Từ văn học dân gian
Love Books Love Life sẽ gợi lại trong bạn kí ức về những bài ca dao, dân ca có lẽ bạn đã biết từ nhiều năm trước. Bóng hình người phụ nữ trong các câu hát than thân, đối với Love Books Love Life vẫn là một hình ảnh không hề phai nhạt. Trong xã hội phong kiến, vào thời điểm “trọng nam khinh nữ” đương thịnh, đàn ông lên ngôi trong khi phụ nữ lại chịu muôn nỗi thiệt thòi. Hình ảnh người con gái lấy chồng xa nhà trông về quê mẹ, ngày xuất giá cũng là ngày dứt bỏ sau lưng nơi chôn nhau cắt rốn: “Chiều chiều ra đứng ngõ sau/ Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”. Những câu hát truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác đã trở thành mô-típ trong văn học dân gian: “Thân em như…” – “Thân em như hạt mưa sa”, “Thân em như tấm lụa đào”, “Thân em như trái bần trôi”.
Tác giả dân gian giàu có và phong phú trong cách lựa chọn hình ảnh, nhưng tựu chung lại đều để tô đậm thêm cuộc sống lênh đênh, chìm nổi, chịu ràng buộc, phụ thuộc của người phụ nữ. Từ “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” đến “xuất giá tòng phu”, suốt một đời họ sống kiếp tầm gửi buồn thương. Quả thực số phận của người phụ nữ phản chiếu qua giai đoạn văn học này, phần lớn đều như dòng nước mắt chảy xuôi chiều thời gian. Để ngày nay ta ngược dòng tìm lại, ngẫm suy mà thấm thía.
⏳ Qua văn học trung đại
Bắt đầu từ thế kỷ X, văn học trung đại ghi dấu sự chuyển mình đầu tiên. Bên cạnh những tác giả nam viết rất hay về người phụ nữ như: Nguyễn Du, Nguyễn Dữ,…những nữ tác giả tài hoa cũng dần xuất hiện: Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương,… Trong đó, Hồ Xuân Hương là nữ sĩ khiến Love Books Love Life ấn tượng nhất. Hình ảnh người phụ nữ trong trang thơ Hồ Xuân Hương được đặc tả bằng những nét vẽ hoàn mĩ, tràn đầy sức sống: “Thân em vừa trắng lại vừa tròn”. Tinh thần nổi loạn và phản kháng nổi bật trong giọng điệu: “Chém cha cái kiếp lấy chồng chung/ Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng”. Bà thậm chí còn buông lời mỉa mai những cậu chàng quen thói chòng ghẹo gái làng: “Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ?/ Lại đây chị dạy làm thơ”. Thử hỏi, có người phụ nữ nào khi ấy dám mạnh mẽ thể hiện cái tôi ngạo nghễ như bà? Cuộc đời người phụ nữ đương thời được Hồ Xuân Hương tạo hình qua từng áng thơ, có đẹp đẽ tươi sáng, và có cả những bất hạnh sầu thương.
Có lúc chúng mình nghĩ Hồ Xuân Hương là một bông hoa quý nở nhầm thời. Bởi lẽ ở trong xã hội lúc bấy giờ, tài sắc như vậy nhưng nữ sĩ cũng đâu tránh được vòng xoay số phận bất hạnh tương tự những người đàn bà khác. Dẫu có là bông hoa quý với sắc vóc, tài năng, phẩm hạnh, người phụ nữ trong văn học trung đại vẫn cách hạnh phúc một đoạn đường dài. Trong vòng cương tỏa của tư tưởng nam quyền, những khúc tự tình của Bà Chúa thơ Nôm vẫn chủ yếu là tiếng than thân trách phận. “Ví đây đổi phận làm trai được/ Thì sự anh hùng há bấy nhiêu” – Là tiếng lòng của riêng Hồ Xuân Hương hay cũng chính là ao ước của phái nữ nói chung? Đàn ông vẫn giữ vị trí ưu thế. Thế nhưng, Love Books Love Life nghĩ rằng, không có chặng đường nào lại không cần đến người mở đường. Hồ Xuân Hương và những nữ sĩ cùng thời chính là những người tiên phong cho hành trình người phụ nữ dần đứng lên, cất tiếng nói thể hiện cái tôi, hành động một cách mạnh mẽ và bền bỉ để chứng tỏ vị thế của riêng mình.
⏳ Đến văn học hiện đại
Bước sang xã hội hiện đại, khi dân trí được nâng cao, phụ nữ bắt đầu được đi học và tiếp xúc với tri thức thì cán cân công bằng về giới dần được hiện thực hóa. Love Books Love Life sẽ không đề cập tới giai đoạn văn học hiện thực phê phán với những nhân vật nữ thường là nạn nhân của sự nghèo đói và dốt nát (Chị Dậu – Tắt đèn, Từ – Đời thừa). Bởi lẽ vì coi trọng việc thể hiện xung đột giai cấp nên nhìn chung, ở giai đoạn này, các nhà văn tập trung miêu tả sự tha hóa và méo mó của nhân cách nhiều hơn là vấn đề giới tính.
Phải đến sau năm 1945, với một hoàn cảnh xã hội chuyển mình sang giai đoạn mới, đội ngũ các tác giả nữ cầm bút trở nên đông đảo hơn và tài năng của họ cũng được thừa nhận rộng rãi hơn. Trong nhiều tác phẩm, người phụ nữ được hình dung như những anh hùng tiêu biểu cho vẻ đẹp của thời đại như chị Út Tịch (Người mẹ cầm súng – Nguyễn Thi), Nguyệt (Mảnh trăng cuối rừng – Nguyễn Minh Châu), chị Trần Thị Lý (Người con gái Việt Nam – Tố Hữu),… Sự thay đổi tư duy và sự mở rộng của tinh thần dân chủ xã hội khiến cho nữ giới có điều kiện tự do cất cao tiếng nói của mình với tư cách là chủ thể độc lập. Đồng thời bản thân nữ giới cũng đã có những thay đổi lớn về nhận thức, học vấn, điều kiện tự chủ kinh tế,…
Văn học sau 1986 là giai đoạn chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các nữ tác giả đến mức có người cho rằng đây là thời kỳ “âm thịnh dương suy” với sự góp mặt của những cây bút tài hoa như: Lê Minh Khuê, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Thị Thu Huệ… và gần đây là Vi Thùy Linh, Đỗ Hoàng Diệu, Nguyễn Ngọc Tư… Những cây bút này đã đem đến cho văn đàn những tiếng nói mới mẻ, buộc các nhà văn và các nhà phê bình nam giới phải thừa nhận tài năng của họ.
⏳ Nhìn lại và suy ngẫm
Quả thực, nhìn lại xuyên suốt một dòng thời gian, tuy không thể cặn kẽ phân tích và đánh giá chuyên sâu mọi thời kì, nhưng Love Books Love Life thực sự ngưỡng mộ hành trình mà những người phụ nữ đã trải qua. Từ hình tượng nhân vật, đối tượng phản ánh của văn học đến những nữ danh tác rất tài năng, tất cả đều cùng chuyển mình qua mỗi giai đoạn lịch sử, cùng bền bỉ thể hiện ý thức nữ quyền và khẳng định giá trị của phái nữ. Dù có là nỗi đau, niềm bất hạnh trải dài hay vẻ đẹp, cốt cách rạng ngời, đó đều là sự hiện diện không thể thiếu, là những đóng góp vô giá không thể thay thế đối với văn học Việt Nam.
? Reference: Bài viết của PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp trên diễn đàn Phê bình văn học
? Writer: Susan
✍ Editor: Rosie
⚠ Bản quyền nội dung bài viết thuộc về Love Books Love Life. Yêu cầu không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.
⚠ Hãy tôn trọng tác giả bằng cách khi Re-post chú thích ghi nguồn đầy đủ!
“Love Books Love Life – Lắng nghe để sẻ chia”