Contact Information

Hanoi

We Are Available 24/ 7. Call Now

Đọc – [Experience]

“Tôi chẳng có gì nhiều để chuyện trò với ai mà chỉ lủi thủi với những cuốn sách của mình. Tôi thường nhắm nghiền mắt lại, chạm tay vào một cuốn sách quen thuộc rồi rút lấy hương vị của nó vào sâu thẳm lòng mình. Thế là đủ để tôi hạnh phúc…”
(Trích Rừng Na Uy – Haruki Murakami)

——————————————————–

Ngay từ thời tiểu học, tôi tin rằng mỗi đứa trẻ đều rất sung sướng khi nghe cô giáo thông báo: “Tiết sinh hoạt hôm nay chúng ta sẽ đọc sách ở phòng thư viện”. Tức là, ngay từ lúc bé chúng ta đã rất hứng thú với những con chữ (không nằm trong sách giáo khoa), thích đến phòng thư viện vì không phải học tiết đó? Không phải, vốn tiết sinh hoạt là đã không phải học gì rồi, vậy tại sao tôi và lũ trẻ ngày đó lại vui thích đến vậy? Vì thích những bức tranh trong cuốn truyện, thích không gian chất đầy sách ấy hay là một nguyên nhân sâu xa nào hơn mà ở cái tuổi đó tôi chưa thể tự định hình và cắt nghĩa.

Khi lớn lên rồi, tôi tự hỏi bản thân, tại sao mình đọc sách? Vì những lời khuyên hay khẩu hiệu cho việc nên đọc sách như: “Đọc sách để trở nên thông minh hơn”? Nghe cũng bùi tai, tôi không muốn bị cho là kẻ ngu ngốc. Hay: “Hãy đọc sách, sách sẽ mang tới cho bạn những chân trời kiến thức mới”? Tôi không chắc bản thân thật sự bị ảnh hưởng bởi những khẩu hiệu đó. Nhưng ắt hẳn phải có những giá trị nằm đâu đó mà tôi phải tìm ra để lý giải việc tại sao mình đọc.

? Đọc để học những điều mới

Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng “Việc đọc rất quan trọng. Nếu bạn biết cách đọc, cả thế giới sẽ mở ra cho bạn”. Bạn hãy thử tưởng tượng rằng liệu cuộc đời mình có cơ hội được nói chuyện với Bill Gates, Richard Branson hay Stephen Hawking,… rồi nhờ họ tư vấn? Chà, quả là khó khăn, nhưng ta hoàn toàn có thể học được cách suy nghĩ, những chiến lược, hay hiểu hơn về những thất bại xương máu của những người thành đạt này thông qua sách. Không những thế, sách còn có thể đưa bạn đi xuyên không gian tới những vùng đất, lãnh thổ, quốc gia mà bạn chưa bao giờ đặt chân tới để tìm hiểu về phong tục tập quán của họ, hay xuyên thời gian về những nền văn minh cổ đại, cho ta hiểu biết hơn về văn hóa nhân loại.

Thời trung học, có một thời gian tôi mê tít những thứ thuộc về lịch sử, về thời kì mà các quốc gia còn đang trong quá trình khai phá và mở rộng lãnh thổ, tôi tìm đọc về nền văn hóa Phục Hưng, về Kim tự tháp Ai Cập, vân vân và mây mây những thứ tôi cho không phải là trong thế giới hiện đại. Nếu không có sách thì chẳng thể nào tôi biết thêm được những điều mới mẻ đó, nhưng biết thêm để làm gì? Tôi của lúc đó chắc chắn sẽ trả lời rằng “Để vênh với đứa bạn cùng bàn ngồi nghe tôi kể chuyện”.

? Đọc để tìm ý tưởng và cảm hứng

Bỏ qua chuyện đọc chỉ để vênh váo với đứa cùng bàn mà rất dễ một ngày nào đó nó sẽ biết nhiều hơn tôi hoặc ngay thời điểm nào đó trong quá khứ nó đã cho mặt tôi tiếp xúc với đất thì Sách là trợ thủ đắc lực trong việc giúp ta có thêm những ý tưởng và cảm hứng làm việc. Nếu hồi bé bạn có cả tỉ những suy nghĩ bay bổng trong đầu thì tôi tin rằng lớn lên bạn vẫn sẽ bay bổng nhưng chỉ còn bay bổng với những điều bạn cảm thấy mang tính chất giải trí (ví dụ như mẫu bạn trai trong tương lai, ăn gì, chơi gì, mặc gì cho hợp). Khi dính vào công việc là bạn quay như chong chóng với deadline và trách nhiệm, bạn có thể tự nhìn thấy sự mệt mỏi của mình trong gương và dẹp mấy cái suy nghĩ mơ mộng đi từ lúc nào. Những khi bạn cảm thấy cạn kiệt ý tưởng trong công việc, hoặc bị gò bó, rập khuôn, thì việc đọc sách sẽ vỗ về tâm hồn bạn, để nó tiếp tục được bay cao, bay xa hơn nữa.

? Đọc cho vui

Bên cạnh những lợi ích cao cả mà sách mang lại cho con người, sách đôi khi cũng mang tính giải trí. Việc đọc sách, nhiều lúc là để cho vui. Tin tôi đi, giữa hàng ngàn những thú vui khác trong cuộc sống hiện đại này mà bạn chọn đọc sách…cho vui thì cũng là một điều đáng mừng. Vào một buổi sáng cuối tuần mùa thu nào đó, trời nắng nhẹ, ngồi bên cửa sổ, với một tách trà, gió hiu hiu, dựa lưng vào gối mềm và đọc sách, chà, cảm giác này đúng là cũng không tệ. Hoặc không cần phải đợi thu hay đông gì cả, đọc sách… để buồn ngủ cũng là một lợi ích không thể chối cãi, và đôi khi tôi cũng hay dùng phương pháp này.

? Đọc để thoát khỏi thực tại

Về chuyện thoát khỏi thực tại, tất nhiên chúng ta không cần khổ sở trùm kín chăn đọc câu thần chú “Lumos maxima” (bùa ánh sáng) như Harry Potter để đọc sách khi không được bật đèn ban đêm ở nhà dì và dượng trong kì nghỉ hè, để nhớ và chờ đợi thời gian được tới Hogwarts. Nhưng cũng không phải tự nhiên mà câu nói của Watanabe Toru trong Rừng Na Uy lại được đặt ở đầu bài viết. Vì chẳng phải ai cũng luôn có một người thân, một người bạn tri kỷ luôn bên cạnh mà trút bầu tâm sự. Hoặc kể cả có thì bạn cũng chẳng thể lôi hết ruột gan, những điều trăn trở của mình để mà nói, những chuyện buồn khổ hay vui mừng, người đến rồi đi, nhưng những con chữ và sách thì vẫn luôn ở đó bên cạnh bạn.

Đừng vội cho rằng việc đọc sách để thoát khỏi thực tại là hèn nhát, nó chỉ giống như bạn có một khu vườn nhỏ, sau mỗi ngày làm việc bạn chỉ muốn nhanh chóng về nhà để chăm sóc chúng và đắm chìm vào đó mà làm dịu đi những khó khăn một ngày phải đối mặt. Đọc sách với tôi giống như đi đến một địa điểm mới mẻ nào đó bằng xe bus, tạm quên đi những điều mệt mỏi, bạn sẽ tập trung vào cảnh vật mới ở trên đường, là trạm dừng chân, là nơi bạn tìm kiếm cho chuyến xe tiếp theo cần phải lên để tới được nơi mình cần.

? Writer: Phương Đốm.
✍ Editor: Mia.

⚠ Bản quyền nội dung bài viết thuộc về Love Books Love Life. Yêu cầu không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.
⚠ Hãy tôn trọng tác giả bằng cách khi Re-post chú thích ghi nguồn đầy đủ!

“Love Books Love Life – Lắng nghe để sẻ chia”

Share:

Nguyễn Nam

administrator

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *