Contact Information

Hanoi

We Are Available 24/ 7. Call Now

Sách – [Experience]

“Đừng bao giờ đi ăn một mình” của tác giả Keith Ferrazzi, đối với Love Books Love Life là một cuốn sách trúc trắc. Vì bên cạnh những quan điểm chúng mình đồng tình, cũng có nhiều luận điểm chúng mình thấy không hợp lý. Nó có thể khiến bạn gật gù liên tục và thậm chí sẽ được bạn coi là cuốn sách gối đầu giường, nếu bạn là một người hướng ngoại. Một số người thì không như vậy. Và Love Books Love Life mong muốn có cơ hội tranh luận với bạn về một quan điểm chúng mình bác bỏ trong cuốn sách này: “Nói cho cùng, chúng ta ai cũng chỉ có một cuộc sống. Và cuộc sống này lệ thuộc vào người xung quanh ta”.

Tác giả khuyến khích bạn đọc hãy mở rộng mối quan hệ của mình, đây chính là tư tưởng chung của cuốn sách. Ông đặc biệt đề cao tầm quan trọng của sự kết nối, và rằng chỉ kết nối mới đem lại thành công cho chúng ta. Nếu xung quanh bạn là những người thành công, bạn cũng dễ trở nên thành công như họ. Luận điểm Love Books Love Life trích dẫn được nêu trong chương 32, với nội dung tác giả phủ định quan niệm sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống riêng tư. Ông nhận định chúng ta không cần sự chia tách đó vì chìa khóa quan trọng của cuộc đời là mối quan hệ. Keith cho rằng chúng ta nên tối đa hóa cơ hội gặp gỡ, kết bạn để tăng khả năng thành công cho chính mình.

Điều Love Books Love Life ủng hộ không chỉ trong chương 32 mà ở cả cuốn sách là tinh thần của nó. Việc Keith chỉ ra và khẳng định tầm quan trọng của sự kết nối trong thời đại ngày nay. Việc tác giả thuyết phục bạn đọc tin rằng sự giúp đỡ của người khác là một nguồn lực đáng trân quý. Chúng ta nên học cách xây dựng và khai thác những mối quan hệ mà mình có. Nếu bạn tự tách biệt mình ra khỏi mọi người, nhất là những người có thể giúp bạn thì bạn sẽ không thể phát huy hết khả năng. Chúng mình hiểu và đồng tình với một tư duy rất thực tế, thức thời ấy.

Tuy nhiên, đề cao vai trò của sự kết nối không có nghĩa là ta nên đặt nó vào vị trí độc tôn. Nếu đứng ở phương diện là người hướng nội, chúng mình thấy việc tác giả coi trọng sự kết nối đến có phần thần thánh hóa và thực dụng quá mức. Keith công nhận điều mà tất cả chúng ta ai cũng công nhận, rằng mỗi người chỉ có một cuộc sống. Và thứ quý giá duy nhất đó lại để lệ thuộc vào người xung quanh ư?

? Quyền tự quyết

Một là, lệ thuộc vào người khác nghĩa là ta tự đặt mình vào thế bị động, vào vai người không có quyền quyết định bất kỳ vấn đề gì quan trọng. Cuộc đời là một thứ quan trọng đối với mỗi người. Và liệu bạn có chấp nhận để một ai đó không phải bạn quyết định những việc, những điều diễn ra trong cuộc đời “của” bạn không? Chúng ta đang sống trong thời đại mà sự độc lập, tính tự chủ và tiếng nói cá nhân được khích lệ mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Rằng bạn hãy làm chủ sự lựa chọn của mình. Bạn là người duy nhất có quyền định đoạt những thứ liên quan đến cuộc sống của mình. Chúng ta có thể, và nên học hỏi từ những người xung quanh, đặc biệt là những người đi trước có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực mà ta cũng đang theo đuổi. Nhưng lệ thuộc vào người khác ư? Love Books Love Life không nghĩ như vậy.

? Tận dụng hay lợi dụng?

Hai là, theo mạch viết nhìn chung của cả cuốn sách, Love Books Love Life hiểu quan điểm của Keith rằng nếu bạn muốn thành công, bạn phải lệ thuộc vào người khác. Hay nói cách khác, bạn có được thành công hay không là nhờ vào số lượng và chất lượng những mối quan hệ bạn có. Lĩnh vực chủ yếu mà cuốn sách này hướng tới là kinh doanh. Bởi vậy chúng mình cũng không lấy làm lạ về quan điểm khẳng định mối quan hệ là chìa khóa quyết định thành bại của những bộ óc kinh tế. Nhưng như vậy nghĩa là nó chỉ thực sự phù hợp với một bộ phận người đọc nhất định: những người chuyên làm về marketing, business,… Với một bộ phận độc giả khác, đặc biệt là những người có quan niệm về thành công khác hẳn với Keith, họ sẽ thấy quan điểm của ông thật độc hại. Là sử dụng hay thực chất là lợi dụng sự kết nối để thành công? Là phong cách sống hay bản chất là toan tính tối đa lợi ích của chính mình? Và rồi liệu trong sự lệ thuộc ấy, chúng mình hay bạn, chúng ta có còn là chính bản thân nữa không?

? Kết nối với ai?

Ba là, bạn có sẵn sàng đánh đổi, thay vì đưa ra quyết định dựa trên niềm tin vào bản thân, bạn lại trao niềm tin quý giá ấy cho người khác? Bạn có nghĩ bạn sẽ đánh mất sự liên kết với chính bản thân mình? Khi bạn chỉ nghe thấy duy nhất tiếng nói của bản thân trong thế giới nội tâm, bạn thấy cô độc. Khi bạn không còn nghe thấy thâm tâm mình muốn gì vì có nhiều âm thanh xa lạ khác lấn át, bạn chao đảo trong tâm hồn của chính bạn. Love Books Love Life bác bỏ quan điểm lệ thuộc vào người khác vì chúng mình tin rằng, sự kết nối quan trọng nhất của mỗi con người là ta kết nối với chính ta. Ta hiểu sâu sắc mình là ai, mình muốn gì, hành động của mình hướng tới điều gì. Sự kết nối với thế giới khách quan, với những người xung quanh rất quan trọng. Nhưng vai trò của nó là một vũ khí hữu ích, chứ không phải một kẻ độc tài.

Love Books Love Life cho rằng, bất kể sự kết nối nào, cũng nên xuất phát từ sự thực tâm chứ đừng thực dụng. Vì sao bạn muốn thành công? Vì bạn thực sự sẽ hạnh phúc hơn hay chỉ vì bạn khát khao có được sự công nhận và tung hô của người khác? Bạn phải kết nối được với chính mình trước để có thể giải đáp câu hỏi đó. Kết nối với ngọn lửa xanh bên trong bạn trước để xác định đâu là điểm giao nhau giữa đam mê và năng lực của bạn. Không muốn đánh mất mình thì phải hiểu rõ mình. Nếu việc xây dựng và khai thác những mối quan hệ chỉ để thỏa mãn tham vọng và lợi ích thì thật ra là bạn đang lệ thuộc và biến thành con rối của cuộc đời rồi.

? Writers: Susan.
 Editor: Rosie.

 Bản quyền nội dung bài viết thuộc về Love Books Love Life. Yêu cầu không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.
 Hãy tôn trọng tác giả bằng cách khi Re-post chú thích ghi nguồn đầy đủ!

“Love Books Love Life – Lắng nghe để sẻ chia”

Share:

Nguyễn Nam

administrator

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *