Viết – [Experience]
Thế giới được tạo nên bởi từng nét riêng biệt khó lẫn. Sự độc đáo của mỗi cá nhân đã tạo nên cuộc sống tràn đầy màu sắc. Sẽ luôn có nhiều góc nhìn khác nhau, nhiều vấn đề cần được lên tiếng để đại diện cho một bộ phận. Bởi khi bạn viết, nhiều khả năng đó còn là câu chuyện của bao người đồng cảnh ngộ. Sự độc đáo bạn mang tới đồng thời đại diện một gam màu tạo nên thế giới. Chính vì vậy mà giọng văn riêng của mỗi cá nhân là cần thiết và xứng đáng được nhìn nhận.
Nhưng nếu bạn cũng không biết giọng văn của mình thì sao? Thậm chí, bạn còn không chắc mình có “phong cách cá nhân” hay không?
Love Books Love Life sẽ đồng hành cùng bạn, bạn hiền ạ.
Đa số khi viết lách, mọi người không nghĩ tới “giọng văn”. Chúng ta chỉ viết bằng cách ghép các từ ngữ sao cho chúng tạo nên nội dung một cách mềm mại. Bạn viết với mục đích tạo nên một thông điệp, hoàn toàn không ý thức về cách diễn đạt độc đáo thuộc về riêng mình. Nhưng chắc hẳn bạn cũng đã từng bắt gặp đâu đó một hoặc một vài tác giả với giọng văn khiến bạn ấn tượng, thậm chí thích thú. Lần đầu tiên Love Books Love Life ghi nhớ giọng văn của ai đó là qua bài “Một món quà của lúa non: Cốm” do Thạch Lam chắp bút, bởi sự nhẹ nhàng, trau chuốt trong ngôn từ của ông. Có bao giờ bạn mong muốn mình cũng có được sự độc đáo như vậy? Một nét đặc biệt khiến bạn được nhận biết giữa muôn vàn cây bút. Song mặt khác, bạn cảm nhận được áp lực xã hội. Khi bạn tự nhủ mình nên viết theo cách quen thuộc, để được chấp nhận. Viết về những điều phổ biến, để được đồng tình. Song tận trong thâm tâm, ai cũng mong muốn định nghĩa bản thân, bạn hiền ạ. Bạn có thể mất nhiều thời gian viết liên tục nhưng rồi vẫn băn khoăn liệu mình có giọng văn riêng hay không?
Sự thực là, bạn vốn dĩ đã có rồi. Điều cần làm là mở rộng đôi mắt, gạt bỏ sự lo lắng, áp lực bao quanh, bao dung cả nét tốt lẫn nét xấu để trung thực với bản thân. Dần dần bạn sẽ tiến tới gần hơn tới chính mình.
CÂU HỎI KHÔNG PHẢI LÀ “BẠN CÓ GIỌNG VĂN RIÊNG HAY KHÔNG?” MÀ LÀ “LIỆU BẠN CÓ BIẾT MÌNH CÓ GIỌNG VĂN RIÊNG?”
Hãy khắc ghi: Bạn đã có giọng văn của mình rồi. Bạn cần học về chúng, để chúng được bộc lộ rõ ràng hơn mà thôi. Điều này gần như song hành với quá trình bạn tìm kiếm chính mình vậy. Love Books Love Life hy vọng những chia sẻ sau sẽ giúp ích cho bạn trên con đường ấy.
?1. Biết mình là ai và lên tiếng cho điều gì
Viết lách là để xây dựng và truyền tải thông điệp. Ý tưởng này phụ thuộc rất nhiều vào thế giới quan, nhân sinh quan của người viết, là câu trả lời cho câu hỏi “Bạn là ai” không chỉ với tư cách là tác giả mà còn là con người. Điều bạn yêu, điều bạn tin tưởng, điều bạn được truyền cảm hứng, điều bạn được tác động, điều bạn sợ hãi… đều là bạn. Thấu hiểu bản thân sẽ giúp bạn tự tin, hạn chế tâm lý che giấu điều mình muốn lên tiếng và tìm ra cách tốt nhất để truyền tải chúng. “Tôi viết vì không biết mình nghĩ gì cho tới khi tôi đọc điều mình muốn nói” – Flannery O’Connor đã nói vậy khi bàn về viết lách.
Việc bạn là ai tác động tới phong cách viết của bạn thế nào? Nếu bạn sinh ra và lớn lên tại nông thôn, nơi đồng ruộng, bờ đê là địa điểm quen thuộc, những kỳ nghỉ của gia đình đơn giản là leo lên ngọn núi gần nhà,… thông điệp của bạn sẽ phảng phất những hình ảnh đó. Nếu bạn sinh ra và lớn lên tại thành thị, phố xá đông đúc, phương tiện giao thông công cộng phổ biến, công viên là địa điểm vui chơi mỗi hè,… hình ảnh này có thể xuất hiện trong bài viết của bạn. Chính điều này tạo nên sự khác biệt. Hay thậm chí, phong cách sử dụng ngôn từ mang tính đời thường hay lịch sự, từ địa phương,… đều tới từ nơi con người bạn hình thành.
? 2. Biết mình muốn xây dựng giọng văn như thế nào?
Bạn có thể hy vọng tìm được giọng văn của mình, thực ra chúng vốn dĩ tồn tại rồi. Việc bạn cần là xác định đồng thời điều chỉnh lại (nếu cần thiết). Mường tượng ra giọng văn của bản thân và người bạn muốn trở thành, sau đó trau dồi kỹ năng của mình theo hướng đã định.
Lên một danh sách những tiêu chí bạn mong muốn giọng văn của mình có được: Có thể là phong cách (đời thường, nhẹ nhàng, trau chuốt,…), thủ pháp (mang tính phân tích, so sánh hay nghệ thuật), thiên về nghị luận hay biểu cảm, biểu đạt trực tiếp hay gián tiếp,… Ví dụ như nhà văn Kim Lân trong tác phẩm “Làng” hay “Vợ nhặt” đều miêu tả nổi bật quang cảnh nông thôn Việt Nam, xây dựng đoạn đối thoại với từ ngữ gần gũi, đậm tính dân dã, khẩu ngữ. “Số Đỏ” của Vũ Trọng Phụng lại nổi tiếng bởi nội dung độc đáo, giọng văn đầy nét hài hước, châm biếm. Danh sách tiêu chí sẽ giúp bạn nhận ra bạn cần làm gì để tôn lên giọng văn cá nhân trong câu chuyện của mình. Ngoài ra, trong trường hợp bạn đang viết một cách tùy hứng, danh sách này sẽ là kim chỉ nam định hướng lại để tránh bạn “đi lạc”
Đương nhiên, quá trình lên danh sách không phải một sớm một chiều là có thể hoàn thành. Đặc biệt là khi bạn chưa nhận biết được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân. Nếu bạn là một người có khả năng phân tích tốt thì giọng văn biểu cảm rõ ràng không thích hợp. Ban đầu hãy lên tiêu chí dựa theo những cảm nhận hiện có rồi liên tục đánh giá lại trong quá trình viết lách. Love Books Love Life tin rằng qua sự thử nghiệm bạn mới biết được điều mình cần và nên làm.
? 3. Chú ý tới những người ảnh hưởng tới giọng văn của bạn
Giọng văn của bạn không tự nhiên xuất hiện, chúng chịu ảnh hưởng trước nhất từ người thân, gần gũi nhất là cha mẹ, bạn bè, đồng nghiệp sau đó có thể là tác giả bạn yêu mến. Hãy chú ý một chút tới từ vựng, cấu trúc câu văn khi tiếp xúc, bạn sẽ học hỏi được rất nhiều. Love Books Love Life thấy điều này không chỉ giúp bạn trong cách diễn đạt mà còn là việc bạn áp dụng linh hoạt giọng văn trong hoàn cảnh cụ thể. Viết báo, viết văn và viết content là khác nhau. Bạn viết văn là để chấm theo barem điểm, viết content là cho khách hàng và viết báo nhằm cung cấp thông tin một cách chính xác, khách quan.
Là một người viết lách, bạn nên tìm tới những tác giả mà bạn đánh giá cao sáng tác của họ, để học hỏi. Họ đã làm điều đó thế nào? Tại sao bạn lại hứng thú với bài viết của họ? Nhưng đừng quên trả lời họ ảnh hưởng ra sao tới giọng văn của bạn. Giọng nói bạn nghe trong tâm trí, ngôn ngữ bạn sử dụng, không phải chỉ là giọng văn của bạn hay ngôn ngữ của bạn. Chúng thuộc về tập thể. Đó là ý nghĩa trong sự xuất hiện của ngôn ngữ: Để kết nối. Bạn lên tiếng qua ngôn ngữ, ngôn ngữ qua bạn mà được biểu đạt, và con người thấu hiểu lẫn nhau.
? 4. Phương thức của Jerry Jenkins
Tiểu thuyết gia Jerry Jenkins có một bài tập nho nhỏ giúp bạn tìm ra giọng văn của mình. Rất dễ và đơn giản lại cho kết quả tức thì.
Jerry nói rằng bạn sẽ tìm thấy phong cách viết khi kết hợp ba “nguyên liệu” này:
Điều tuyệt nhất từng xảy đến với bạn.
Người quan trọng nhất mà bạn đã kể điều trên.
Cách bạn kể câu chuyện cho người đó.
Khi bạn tràn ngập hứng khởi, các ngôn từ sẽ xô đẩy, trực chờ trào ra. Đó là khi giọng văn của bạn xuất hiện. Bạn không áp lực phải diễn tả sao cho chuyên nghiệp hay bất kỳ tính chất bắt buộc nào. Bạn đang vô cùng thoải mái, không gắng gượng, hoàn toàn tự nhiên. Đây là lúc bạn phải lắng nghe âm thanh của bản thân. Bạn sẽ nhận ra phong cách từ ngữ, cách diễn đạt, cấu trúc câu mình sử dụng.
? 5. Viết, viết và viết!
Quan trọng nhất, viết lách có thể giúp bạn tìm ra phong cách cá nhân, khi ngôn từ hiện lên trang giấy luôn giúp ta có cơ sở xác định tốt hơn. Hãy làm chúng thường xuyên, thử nghiệm nhiều cách diễn đạt nhất có thể. Viết nhân vật dựa trên bản thân, hoặc ngược lại. Điều này giúp bạn có những góc nhìn đa chiều, gia tăng cảm nhận nội tâm. Tập trung viết, không quá bận tâm các yếu tố như biên tập, phân tích chuyên sâu, và phải trung thực. Viết về nhiều khía cạnh tốt, xấu, điều bạn băn khoăn,.. Đi tìm giọng văn cá nhân cũng như định nghĩa về bản thân vậy, bạn sẽ không tìm thấy chỉ sau một đêm, nhưng ngày qua ngày, nhất định sẽ có sự khác biệt.
Thế giới được tạo nên bởi những cá thể, chúng ta tạo nên tính đa dạng trong cộng đồng bởi hình ảnh cá nhân. Là người viết lách, giọng văn chính là công cụ mạnh nhất. Chính vì vậy mà Love Books Love Life cần bạn khám phá, trau dồi, để viết nên thông điệp cần truyền tải. Và đừng quên, giọng văn cá nhân vốn dĩ đã tồn tại trong bạn rồi!
? Writers: Thu Ròm.
⚠ Bản quyền nội dung bài viết thuộc về Love Books Love Life. Yêu cầu không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.
⚠ Hãy tôn trọng tác giả bằng cách khi Re-post chú thích ghi nguồn đầy đủ!”
“Love Books Love Life – Lắng nghe để sẻ chia”
1 Comment