Contact Information

Hanoi

We Are Available 24/ 7. Call Now

Đọc – [Experience]

Bạn chắc chắn đã từng nghe ai đó, hoặc có thể chính bạn đã từng nói với người khác rằng: “Tôi rất thích đọc sách nhưng vì bận quá nên không có thời gian đọc”. Đúng là trong những lý do được đưa ra giải thích cho việc một người đọc rất ít sách hoặc thậm chí không đọc là bởi sự bận rộn trong cuộc sống: Công việc, học hành, kế hoạch riêng,… Nhưng có thật sự là như vậy không? Lý do “quá bận” có thỏa đáng để hợp lý hóa việc chúng ta đọc sách mỗi ngày một ít hơn? Hãy cùng Love Books Love Life bàn luận sâu hơn về vấn đề này.

? Nếu muốn sẽ tìm cách, không muốn sẽ tìm lý do

Quỹ thời gian mỗi ngày của cả thế giới là như nhau. Ai cũng chỉ có 24 giờ, không nhiều hơn, không ít hơn. Chắc chắn với nhiều người số lượng thời gian này là không đủ để họ hoàn thành hết những việc muốn làm trong một ngày. Hay nói cách khác, chúng ta luôn rất bận rộn. Bởi vậy, ta phải lựa chọn và sắp xếp thứ tự ưu tiên những việc ta sẽ thực hiện. Giữa cơ số việc không đếm xuể, bạn phải chọn ra những việc bạn muốn làm hơn những việc còn lại. Trong danh sách mới này, bạn tiếp tục chọn ra một số việc mình cần hoàn thành trước.

Vậy câu hỏi đặt ra là: Đọc sách có phải việc bạn muốn làm và cần làm đều đặn mỗi ngày không?

Tùy thuộc vào giá trị của sách đối với riêng cá nhân mỗi người, chúng ta sẽ xếp cho việc đọc một vị trí nhất định trong danh sách công việc ưu tiên của mình. Nếu khẳng định rằng bản thân là người rất thích đọc, chắc chắn bạn sẽ duy trì được việc đọc. Bởi đó là việc bạn “muốn” làm. Còn nếu ngay sau khi quả quyết rằng mình thích đọc, bạn lại lấy lý do bận rộn làm cái cớ thì nghĩa là việc đọc không có giá trị với bạn nhiều như khi biểu lộ bằng lời nói. Bạn “thích” chứ bạn không “muốn” đọc.

Có nguyên nhân, có kết quả thì tất yếu sẽ có giải pháp để giải quyết vấn đề. Một người dù bận thế nào vẫn sẽ chủ động tìm cách sắp xếp công việc để duy trì thói quen đọc mỗi ngày. Dưới đây, Love Books Love Life muốn gợi ý tới bạn – người bận rộn nhưng thực sự muốn duy trì thói quen đọc, một số cách thức để việc đọc của bạn không bị gián đoạn:

? Muốn đọc và Thích đọc – giống nhau hay khác nhau?

Trước hết, bạn hãy làm việc với chính mình để hiểu rõ động cơ và động lực đối với việc đọc sách của bạn là gì. Bởi để duy trì một thói quen, bạn cần bền bỉ. Để bền bỉ, bạn cần một động lực bền vững. Hiểu rõ giá trị của việc đọc đối với bản thân là điều cực kỳ quan trọng quyết định tính liên tục và liền mạch khi đọc sách. Bạn luôn thấy hào hứng và cảm giác được thôi thúc mỗi khi cầm sách lên. Thay vì lo sợ mình đang phung phí thì giờ, bạn cảm thấy thời gian đọc sách là quý giá. Đó là tâm thế mà mình nghĩ rằng những người duy trì thói quen đọc mỗi ngày thường có.

Nếu bạn chỉ thích đọc, việc đọc có thể diễn ra ngắt quãng hoặc không thực hiện trong một khoảng thời gian. Bạn đọc sách khi rảnh rỗi, bởi vậy việc có đọc hàng ngày được hay không với bạn không quá quan trọng. Nhưng khi đã xác định mình muốn đọc, muốn thực hiện nó mỗi ngày, thay vì đợi lúc rảnh mới cầm sách lên, bạn sẽ chủ động dành thời gian cho việc đọc. Đó là sự khác biệt. Điều quan trọng nhất là ta hiểu vì sao mình đọc và sách đem lại cho ta giá trị gì. Từ đó tùy mỗi người sẽ lựa chọn đọc liên tục hay ngắt quãng. Ở đây Love Books Love Life không chê trách những ai đọc ít hay dành ít thời gian để đọc. Mà mình hi vọng trong lý do chính bạn đưa ra, bạn nên thực sự hiểu rõ động cơ cho hành động của mình để nó không trở thành lời biện hộ nhàm tai.

? 20 trang sách/ ngày

Đúng vậy, chỉ 20 trang/ ngày, làm một phép tính nhanh chúng ta sẽ được kết quả khoảng 30 cuốn sách/ năm. Love Books Love Life nhận thấy có nhiều người khi nghe tới số lượng 30 cuốn/ năm đều lắc đầu và cảm thấy đó là điều không thể với quỹ thời gian của họ. Nhưng sự thật là: Tích tiểu thành đại. Bạn không cần phải cố sức đọc quá nhiều, cũng không phải dành ra đến vài tiếng để đọc sách trong một ngày. Không có sự bắt ép nào tồn tại trong việc đọc. Khi bạn tự nguyện và thoải mái đến với sách, bạn mới thực sự đón nhận được giá trị của sách. 20 trang/ ngày rõ ràng là điều khả thi, chỉ khoảng 30 phút/ ngày là chúng ta có thể duy trì được thói quen đọc mà không cảm thấy nặng nề hay ám ảnh. Đây không phải con số cố định, bạn có thể đọc nhiều hơn tùy thuộc vào khả năng của bạn. Khi đặt ra số lượng này, Love Books Love Life chỉ muốn bạn thấy rằng, duy trì đọc sách hàng ngày không khó khăn như bạn nghĩ. Bạn sẽ luôn có thể tận hưởng việc đọc sách của mình. Tuy có nói rằng bận rộn đến mức không có thời gian đọc sách, chắc chắn chúng ta vẫn thường xuyên truy cập vào facebook, instagram hoặc các mạng xã hội khác. Tổng thời gian trong ngày dành cho thế giới ảo đôi khi còn tự khiến bạn giật mình. Bởi vậy một lần nữa mình muốn nhắc lại, nếu muốn chúng ta chắc chắn sẽ tìm được cách giải quyết.

? Sắp xếp công việc, không phải sắp xếp thời gian

Có người đã nói với mình điều này: “Hãy sắp xếp cái mà em có thể kiểm soát. Em không thể kiểm soát được thời gian, nhưng em kiểm soát được công việc”. Ban đầu mình bán tín bán nghi, vì mình đã luôn sống với quan niệm sắp xếp thời gian để làm những việc cần làm chứ không phải ngược lại. Nhưng quả thực thì, khi thay đổi cách suy nghĩ, tập trung vào sắp xếp công việc, mình nhận thấy những kết quả tích cực.

Nếu tư duy rằng ta phải sắp xếp thời gian, rất dễ dàng để nghĩ rằng ta sẽ đọc sách khi rảnh rỗi, khi đã hoàn thành xong các việc quan trọng khác. Và nếu không kịp, ta sẽ bỏ qua việc đọc sách và cho rằng do mình quá bận, mình không có thời gian rảnh. Giống như việc lập ra danh sách những việc ưu tiên, đây cũng là một nút thắt trong suy nghĩ thông thường của nhiều người. Và không chỉ đọc sách, những thói quen khác cũng có thể bị phá vỡ bởi ta cho rằng mình sẽ thực hiện nó khi rảnh. Tác hại của lối tư duy này không chỉ là mức độ hạn hẹp của quỹ thời gian bạn dành cho việc đọc mà lớn hơn, nó ảnh hưởng đến cách bạn vận hành cuộc sống của mình. Bạn sẽ luôn phải chạy theo thời gian, luôn có cảm giác không đủ, không kịp thì giờ để hoàn thành công việc. Hiệu ứng domino lập tức diễn ra khi một công việc không xong, những việc khác cũng chậm tiến độ vì bạn không thể sắp-xếp-thời-gian như ý. Khi đó, đương nhiên là những việc bạn dự định sẽ làm khi rảnh rỗi sẽ tự khắc chuyển vào kho lưu trữ vô thời hạn.

Bởi vậy, Love Books Love Life khuyên bạn đừng đợi thời gian đến rồi mới làm việc, hoặc đừng để dành việc đến một khoảng thời gian cụ thể rồi mới làm, cũng như đừng đợi khi rảnh mới đọc sách. Bạn có thể không làm chủ được khối lượng công việc phải làm, nhưng bạn nắm quyền sắp xếp và thực hiện nó.

Bản chất của việc đọc sách không phải gây áp lực hay mệt mỏi cho người đọc. Theo kết quả nghiên cứu của Đại học Surrey (Anh) thì đọc sách trước khi đi ngủ còn giúp mọi người giảm đến 68% mức độ stress. Hoặc nếu có thể đọc vào buổi sáng sau khi ngủ dậy thì khả năng tập trung trong ngày của chúng ta cũng sẽ tăng lên và được cải thiện hơn. Nghĩa là, sách mang đến những tác động tích cực cho người đọc. Bởi vậy, chúng ta có tiếp nhận được điều đó hay không tùy thuộc vào cách thức đọc và suy nghĩ về việc đọc của mỗi người.

Love Books Love Life hi vọng những thông tin trong phạm vi bài viết này có thể giúp các bạn dần hiểu rõ hơn giá trị của việc đọc sách và có thể ứng dụng những cách thức chúng mình đã gợi ý để duy trì thói quen đọc như một cách thức tận hưởng cuộc sống. Chúc các bạn có trải nghiệm đọc sách vui!

? Writer: Susan
 Editor: Rosie

 Bản quyền nội dung bài viết thuộc về Love Books Love Life. Yêu cầu không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.
 Hãy tôn trọng tác giả bằng cách khi Re-post chú thích ghi nguồn đầy đủ!

“Love Books Love Life – Lắng nghe để sẻ chia”

Share:

Nguyễn Nam

administrator

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *