Contact Information

Hanoi

We Are Available 24/ 7. Call Now

Đọc – [Tips Top]

Tuần trước, Love Books Love Life đã có bài viết về việc đọc sách nhanh và những thông tin cần biết về nó. Sau khi các bạn đã có cách hiểu đúng đắn về khái niệm này, Love Books Love Life sẽ cung cấp những mẹo nhỏ nhằm giúp các bạn có thể tăng tốc độ đọc của bản thân nhiều hơn.

Những phương pháp này không cần thiết phải áp dụng đối với sách văn học (fiction), bởi thể loại này cần đọc và cảm nhận, đừng quá chú trọng về số lượng mà cố gắng đẩy nhanh tốc độ đọc nhé!

Ngược lại, đối với sách khoa học, kinh tế, lịch sử,… (non-fiction), chúng ta nên có cho mình kỹ năng đọc nhanh, đương nhiên phải đi kèm với hiệu quả. Hãy thử các phương pháp sau:

1. Tăng khẩu độ của mắt

Một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến chúng ta đọc chậm như rùa bò, đó là do đọc từng chữ một. Thực tế, một người không luyện tập gì cũng có thể đọc được 3-5 chữ trong một lần nhìn. Nếu có thêm sự luyện tập, con số có thể lên đến 10 chữ trong mỗi lần nhìn.

Tuy nhiên, khi một thói quen đã ăn sâu bám rễ rồi thì khó mà từ bỏ nó ngay được. Bạn cần thời gian và công cụ để loại bỏ thói quen đọc từng chữ một trước: hãy sử dụng vật dẫn. Khi tra từ điển, chúng ta thường dùng ngón tay hoặc là bút, dò theo từng dòng để tìm từ cho nhanh, vậy hãy làm tương tự khi đọc sách. Hãy chỉ tay (hoặc bút) vào một chữ ở khoảng 1/4 dòng và cố đọc các chữ xung quanh, rồi đưa bút “nhảy cóc” tới chữ tiếp theo ở khoảng giữa. Cứ thế tiếp tục cho đến khi đã quen với cách đọc mới này.

Ngoài ra có một cách khác nữa buộc mắt phải đọc nhiều chữ hơn. Nếu bạn đọc bằng máy tính hoặc điện thoại (ví dụ như bài viết này), hãy thu nhỏ văn bản lại. Khi đó bạn hãy tưởng tượng có một đường kẻ màu đỏ ở giữa màn hình, và tập đọc từ trên xuống dưới. Tất nhiên là chỉ thu nhỏ đến cỡ chữ mà bạn vẫn có thể đọc được dễ dàng nhé!

2. Đánh dấu những từ khóa quan trọng

Rất nhiều người kỳ vọng vào việc không chỉ đọc sách nhanh mà còn nhớ lâu. Như Love Books Love Life đã nói, việc này vô cùng khó, đòi hỏi bạn phải dành thời gian và công sức khổ luyện. Nhất là với những cuốn sách học thuật như giáo trình, sách khoa học, … thường thì chúng ta không thể hiểu toàn bộ nội dung sách chỉ sau lần đọc đầu tiên. Do đó, sau khi hoàn thành mỗi trang sách, hãy đánh dấu lại những từ khóa mà bạn thấy quan trọng. Việc làm này sẽ giúp các lần đọc lại sẽ nhanh hơn, tiết kiệm thời gian hơn mà vẫn tăng khả năng hiểu của bạn hơn.

Về mặt khoa học, não bộ bị ấn tượng bởi màu sắc, nên việc bôi màu cho từ khóa không chỉ làm nó nổi bật, mà còn tiết kiệm thời gian khi đọc lại. Vì lúc ấy bộ não sẽ không phải bận tâm tới các từ thừa mà chỉ tập trung kết nối các từ khóa. Cách này có thể gây khó khăn với những ai không muốn “bôi bẩn” sách. Cách khắc phục là bạn có thể photo cuốn sách đó ra rồi mới đánh dấu từ khóa. Nếu bạn sử dụng sách điện tử thì phương pháp này lại vô cùng hợp lý và khả thi.

3. Loại bỏ giọng đọc thầm trong đầu bạn

Khi đọc, chúng ta không phát âm ra miệng, nhưng trong đầu vẫn luôn có một “giọng đọc’’. Đây chính là một trong những tác nhân khiến bạn mất tập trung và buồn ngủ khi đọc sách. Suy cho cùng, bản chất của cách đọc sách nhanh là bạn giúp cho bộ não hiểu thông tin được đưa vào một cách nhanh nhất. Mà ngôn ngữ tư duy của bộ não là hình ảnh, nên muốn đọc nhanh hơn bạn cần tập thói quen nhìn vào chữ là kết nối ngay tới hình ảnh. Vậy phải làm thế nào? Có một số cách sau đây bạn có thể tham khảo:

Hình dung lại những gì mình vừa đọc.

Sau khi đọc một đoạn nào đó, bạn hãy dừng lại một chút để hình dung lại những gì vừa đọc thành hình ảnh rõ ràng trong đầu. Cách này vừa giúp cho mắt được nghỉ ngơi, vừa giúp khởi động bán cầu não phải, phụ trách hình ảnh. Không chỉ áp dụng cho từng đoạn, sau khi đọc từng phần, từng trang, từng chương, bạn cũng nên làm như vậy. Đây cũng là một cách để giúp ôn tập lại những gì vừa đọc, từ đó nâng cao hiệu quả của việc ghi nhớ. Bản thân Love Books Love Life đã trải nghiệm việc này khá nhiều lần, và thực sự nó giúp ích khá nhiều. Mỗi khi đọc, đặc biệt là những cuốn tiểu thuyết, những đoạn tả cảnh là những đoạn được hình dung nhiều nhất trong đầu và khi đã đọc xong rồi, chúng ta sẽ vẫn nhớ bối cảnh của câu chuyện ra sao. Một mẹo nhỏ đó là bạn hãy liên tưởng ngay đến những khung cảnh quen thuộc hoặc ít nhất bạn đã nhìn thấy, điều này giúp bạn ghi nhớ rất nhanh.

Xây dựng từ điển hình ảnh cho từ khóa

Chắc hẳn bạn vẫn nhớ những từ khóa mà Love Books Love Life đề cập ở trên. Bây giờ, việc cần làm là gán nó đến những hình ảnh cụ thể. Cách làm này tuy mất công một chút ban đầu, song nó chắc chắn sẽ giúp bạn đọc nhanh hơn, ghi nhớ lâu hơn. Đơn giản là khi khoanh tròn từ khóa, bạn có thể vẽ vào ngay cạnh một hình ảnh hoặc ký hiệu đơn giản để minh họa cho từ khóa ấy. Dần dần, bạn sẽ xây dựng cho mình một “từ điển hình ảnh”, để mỗi lần nhìn vào từ đó là trong đầu sẽ lập tức bật ra hình ảnh tương ứng thay cho giọng đọc thầm.

4. Đặt câu hỏi trước khi đọc

Chúng ta tìm đến sách khi chúng ta có một sự tò mò hay hứng thú nhất định. Ví dụ như mong muốn hiểu cách nền kinh tế vận hành ra sao thì tìm đọc những cuốn sách viết về kinh tế học. Mặc dù Google bây giờ sẽ cho kết quả rất nhanh cho mỗi lần tìm kiếm, nhưng những kiến thức, thông tin mà sách mang lại vẫn có phần an toàn và đáng tin cậy hơn. Vậy thì đây chính là một trong những cách giúp bạn đọc nhanh hơn mà vẫn đảm bảo hiệu quả. Trước khi tìm đọc một tài liệu, cuốn sách nào đó, bạn phải có sẵn trong đầu một câu hỏi cần tìm lời giải. Nhờ đó, “bộ lọc thông tin” của bạn sẽ mạnh hơn. Bạn sẽ bỏ qua được những thông tin không cần thiết để nhanh chóng tìm đến đúng những thông tin cần thiết giúp trả lời câu hỏi ban đầu.

5. Tra cứu mục lục trước khi đọc nội dung

Sau khi đã có cho mình một câu hỏi trong đầu, bạn hãy tìm kiếm xem liệu câu hỏi của mình sẽ được giải đáp ở đâu trong cuốn sách, thông qua việc tra cứu mục lục. Chẳng hạn một cuốn sách viết về cách các nền kinh tế vận hành, nhưng bạn đang quan tâm rằng sau một cuộc khủng hoảng thì nền kinh tế sẽ hồi phục bằng cách nào và ra sao. Vậy thì lúc này, nhờ vào việc đọc trước mục lục mà bạn biết được rằng trong khoảng 150 trang đầu tiên, tác giả sẽ nói về cuộc Đại suy thoái ở nước Mỹ bắt đầu từ những năm 1930. Khi ấy, bạn sẽ biết câu trả lời mình cần tìm nằm ở đâu rồi.

Nhìn chung, kỹ năng đọc sách nhanh, hiệu quả luôn là điều nhiều người mong muốn có được. Giống như bao kỹ năng khác, một điều quan trọng là bạn phải luyện tập thường xuyên và luôn tập trung khi thực hiện. Với những chia sẻ trên, Love Books Love Life chúc các bạn sớm rèn luyện được khả năng đọc nhanh!

? Reference: Fususu, Oxii.
? Writers: Danoh
✍ Editor: Hoang Vy

⚠ Bản quyền nội dung bài viết thuộc về Love Books Love Life. Yêu cầu không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.
⚠ Hãy tôn trọng tác giả bằng cách khi Re-post chú thích ghi nguồn đầy đủ!”

“Love Books Love Life – Lắng nghe để sẻ chia”

Share:

Nguyễn Nam

administrator

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *