Contact Information

Hanoi

We Are Available 24/ 7. Call Now

Sách – [Fact]

Note: Đây là một bài viết tương đối hay của blogger T. K. Marnell về nghệ thuật kể chuyện dưới sự so sánh giữa hai nền văn hóa phương Đông và phương Tây. Tác giả có đưa ra nhiều ví dụ nhưng chủ yếu những ví dụ này thuộc về lĩnh vực điện ảnh. Tuy nhiên, nhận thấy sự đặc sắc trong nội dung bài viết, cũng như sự tương đồng giữa điện ảnh và văn học nên chúng mình đã quyết định chuyển ngữ bài viết gốc của tác giả và gửi đến các bạn độc giả yêu quý của Love Books Love Life.

————————–—–

Hành trình tìm kiếm những tác phẩm fantasy phương Tây được viết tại châu Á của tôi tiếp tục với một kết quả đáng thất vọng. Tôi đã tìm được một vài đầu sách có nét tương đồng với thứ mình đang tìm kiếm, nhưng chưa có cái nào thực sự giống những gì tôi đang mong đợi. Có quá ít sự lựa chọn. Vậy đâu là lý do?

1. Các nhà xuất bản tâm niệm rằng tiểu thuyết châu Á không bán được. Nó không có bối cảnh hấp dẫn. Tất cả những gì hấp dẫn đều nằm ở nước Mỹ và khu vực quần đảo Anh. Tôi rất ít khi bắt gặp những cuốn tiểu thuyết bắt nguồn từ những lục địa ngoài Bắc Mỹ và châu u, và khi tôi tìm thấy chúng, chúng chính là của hiếm, thứ làm nổi bật sự rùng rợn của sự sống bên ngoài “Thế giới thứ nhất”. Nếu tất cả những gì tôi biết về châu Á đều nhờ vào “Phúc Lạc Hội” (The Joy Luck Club) hay “Hồi ức của một Geisha” (Memoirs of a Geisha) thì tôi sẽ nghĩ rằng đàn ông châu Á giống chủng người Neanderthal chẳng bao giờ biết đến hạnh phúc, còn phụ nữ nếu không là gái mại dâm thì cũng sẽ kết hôn trước cả tuổi dậy thì.

2. Người ta không viết tiểu thuyết ở châu Á vì đơn giản, người ta không viết tiểu thuyết ở đây. Người ta viết những tác phẩm lãng mạn vì họ mê Nora Roberts, hay người ta viết fantasy vì họ ngưỡng mộ Ursula Le Guin và Lloyd Alexander. Chỉ những ai giống tôi, thích truyện tranh Nhật Bản và phim Hàn Quốc, thì mới nghĩ đến chuyện viết tiểu thuyết lấy bối cảnh Á Đông.

3. Những khác biệt về văn hóa khiến việc nhận diện những nhân vật chính trong tác phẩm Á Đông khó hơn so với phương Tây, và đây là lý do chủ yếu.

☑️ Sự khác biệt về triết lý

Các tôn giáo và triết lý Á Đông rất đa dạng và phức tạp, nhưng với mục đích của bài viết này, tôi sẽ lấy biểu tượng âm dương làm đại diện.

Biểu tượng này đại diện cho âm (đen) và dương (trắng). m đại diện cho sự thụ động, tiêu cực, bóng tối, nữ tính, nước, v.v … Dương đại diện cho sự năng động, tích cực, ánh sáng, nam tính, lửa, v.v … Điểm chính của biểu tượng này là những thành phần dường như đối nghịch nhau lại là cấu thành của một thể thống nhất. m dương bổ sung cho nhau và phối hợp với nhau một cách hài hòa.

Người Mỹ thường hiểu sai biểu tượng âm dương. Chúng tôi nghĩ rằng màu trắng có nghĩa là “tốt” và màu đen có nghĩa là “xấu xa”. Tôi biết tôi đã từng nghĩ như vậy khi là một đứa trẻ. Tôi chẳng hiểu gì khi mẹ tôi giải thích rằng âm dương nên cân bằng. Các lực lượng tích cực có nên lúc nào cũng đánh bại các lực lượng tiêu cực? Liệu có nên để ánh sáng lấn át bóng tối mãi mãi?

Tôi nghĩ rằng điều này minh họa sự khác biệt thiết yếu giữa các nền văn hóa của chúng ta: văn hóa phương Tây là chủ nghĩa cá nhân và lý tưởng hóa chiến thắng. Các nền văn hóa Á Đông mang tính tập thể và lý tưởng hóa sự hài hòa.

Những câu chuyện của người Mỹ thường về anh hùng chính nghĩa đánh bại kẻ tâm thần tàn bạo. Chúng tôi làm phim về Superman vs Lex Luther, Indiana Jones vs Nazis, Clarice Starling vs. Buffalo Bill. Chúng tôi không thích những nơi “tranh sáng tranh tối”. Ngay cả trong Chiến tranh giữa các vì sao, khi các nhân vật phục vụ cho “sự cân bằng của Lực lượng”, chúng tôi thực sự mong đợi Jedi sẽ giết Sith và sau đó mọi người có thể sống hạnh phúc mãi mãi.

Ngược lại, những nhân vật phản diện trong tiểu thuyết Á Đông về cơ bản là những người tốt đưa ra những lựa chọn sai lầm, và họ sửa sai sau khi các anh hùng có một bài phát biểu chân thành về tầm quan trọng của tình bạn. Trong Mobile Suit Gundam Wing (1995), các nhân vật phản diện là một nhóm chuyên đi chấm dứt chiến tranh và đoàn kết mọi người lại trong hòa bình. Trong Công chúa Mononoke của Miyazaki (1997), không có nhân vật phản diện. Tác phẩm này nói về việc giải quyết xung đột giữa con người và thiên nhiên, chứ không phải nói về người này tốt hay người kia xấu.

☑️ Sự khác biệt trong nhận thức

Con người trong các xã hội khác nhau, chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể, có cách xử lý thông tin theo những cách hơi khác nhau.

Người phương Tây có xu hướng suy nghĩ từ vi mô đến vĩ mô, trong khi người Á Đông có xu hướng ngược lại. Người phương Tây coi một tổng thể chỉ là sự tổng hợp của các bộ phận của nó, trong khi người Á Đông coi các bộ phận là thành phần cấu tạo nên tổng thể.

Bạn có thể thấy sự khác biệt được minh họa rõ rệt trong nghệ thuật truyền thống. Nghệ thuật phương Tây tập trung vào từng người hoặc vật thể ở phía trước, và phần còn lại của thế giới thì ở đằng sau. Nghệ thuật châu Á tập trung vào thế giới rộng lớn có núi, có cây, có sông, với hình ảnh con người xuất hiện điểm xuyết trong đó.

Bạn cũng có thể thấy sự khác biệt trong cách kể chuyện. Những câu chuyện hiện đại của người Mỹ thường được kể theo quan điểm của một cá nhân, và họ nói về những anh hùng nhận nhiệm vụ và rồi thay đổi cả sự sống. Chúng tôi mong đợi, chúng tôi yêu cầu. Chúng tôi cảm thấy khó chịu bởi những anh hùng phản kháng lại mong đợi đó, những người không thể chèo lái câu chuyện của riêng họ.

Trong tiểu thuyết Á Đông, nhân vật chính thường là nạn nhân của số phận. Các tác giả đưa ra các góc nhìn của nhiều nhân vật. Họ không cho rằng một anh hùng duy nhất có thể sửa chữa cả một thế giới hỗn độn. Nhân vật chính chịu đựng, tiếp tục chịu đựng, chịu đựng thêm một chút nữa, và rồi họ chết.

☑️ Sự khác biệt trong kỳ vọng

Có một quy tắc bất thành văn trong cách kể chuyện của phương Tây, đó là nhân vật chính thì không thể chết. Chúng tôi tiêu diệt những kẻ ác, chúng tôi giết những nhân vật phụ, và chúng tôi đặc biệt muốn giết những nhân vật mang vai trò cố vấn (Obi Wan, Mufasa, và bác Ben của Người Nhện), nhưng chúng tôi không giết chết những nhân vật chính. Người Mỹ rất khó chịu khi các nhà văn giết người anh hùng. Chúng tôi muốn tin rằng mình có thể kiểm soát vũ trụ với đủ lòng can đảm và sự hiểu biết, và rằng chỉ những người yếu đuối, ngu ngốc, không thể sống và không quan trọng mới là phàm nhân.

Nhưng trong những tác phẩm châu Á, không ai an toàn cả. Không ai. Những chiến binh hung dữ, những nàng công chúa xinh đẹp, những người đồng hành trong truyện tranh, những đứa trẻ đáng yêu, những chú cún và mèo con … tất cả đều là nạn nhân tiềm năng. Đừng dại dột nghĩ rằng mọi người sẽ hạnh phúc bởi vì bạn đang xem một bộ phim hài Trung Quốc nhẹ nhàng hoặc một bộ phim hoạt hình vui nhộn của Nhật Bản. Các nhân vật bạn yêu đều sẽ chết.

Những câu chuyện tình yêu Á Đông thường buồn vui lẫn lộn, đầy nỗi buồn, khao khát và hối tiếc. Những bộ phim tình cảm Nhật Bản thường có hai người đắm say trên ranh giới của một mối quan hệ mà không công khai bày tỏ tình cảm, và sau đó một trong số họ chết. Trong tiểu thuyết kiếm hiệp, người anh hùng và tình yêu của anh ấy/cô ấy hầu như không thể đến được với nhau. Họ có thể bị ngăn cách bởi cái chết, như trong Ngọa hổ tàng long (2000) và Lan Lăng Vương (2013). Hoặc họ có thể bị chia tách khi người anh hùng quyết định trở thành một nhà sư, như trong bộ phim truyền hình Tiên kiếm kỳ hiệp 3 (2009) và trong bộ phim đầu tay của Jet Li, Thiếu Lâm Tự (1982).

Đối với người Mỹ, đây là những kết thúc đen tối và đáng thất vọng. Chúng tôi muốn tình yêu có thể chinh phục tất cả. Chúng tôi muốn những nụ hôn vô tư trong mưa và những lời hứa mãi mãi bên nhau.

☑️ Sự khác biệt về quy tắc ứng xử

Bởi vì các xã hội tập thể luôn ưu tiên sự ổn định của gia đình hơn hạnh phúc của cá nhân, trong các nền văn hóa Đông Á truyền thống, lòng hiếu thảo được đặt lên hàng đầu.

Khi các nhà văn phương Tây muốn miêu tả các nhân vật tốt, chúng tôi sẽ cho thấy họ dũng cảm và hào phóng như thế nào. Người anh hùng đó sẽ giải cứu một chú chó con bị bỏ rơi, giúp đỡ một phụ nữ lớn tuổi qua đường hoặc bảo vệ một nạn nhân bất lực trước một số tên côn đồ.

Khi các nhà văn Đông Á muốn miêu tả các nhân vật tốt, họ sẽ cho thấy những nhân vật tận tụy và tôn trọng người lớn tuổi như thế nào. Các nhà biên kịch đặc biệt thích làm cho các nhân vật chính của họ cúi đầu trước những anh chị lớn, cha mẹ, ông bà và những người có vai vế cao hơn khác.

Ví dụ, trong bộ phim gia đình Hàn Quốc Cuộc sống tươi đẹp (2010), một người mẹ đã xông vào nhà người con trai đồng tính của mình, Kyung-soo, để hét lên rằng anh ta là một kẻ hư hỏng, ghê tởm đã hủy hoại cuộc sống của gia đình mình một cách ích kỷ khi thú nhận mình đồng tính. Kyung-soo chộp lấy cơ hội đó và tuyên bố anh không còn là con trai cô nữa. Bạn trai của anh ta cảm thấy kinh hoàng khi cho rằng Kyung-soo đã đối xử với mẹ mình rất thiếu tôn trọng. Anh ta giảng giải rằng họ cũng đã sai khi gây đau khổ cho bậc cha mẹ và anh ta nhanh chóng đưa Kyung-soo lên máy bay về nhà để làm lành với người lớn.

Cách hành xử như vậy làm người phương Tây tức giận. Họ sẽ xem các bộ phim truyền hình Hàn Quốc về chủ đề mẹ chồng – nàng dâu và giận dữ thốt lên, “Tại sao cô gái này không tự mình đứng lên? Tại sao cô ấy không nói với chồng rằng mẹ anh ta khó chịu như thế nào? Người chồng liệu có dám thách thức cha mẹ và rời khỏi nhà không?”

Đây là một ví dụ kinh điển về sự bất hòa trong văn hóa. Những gì khán giả Mỹ cho là bằng chứng của sự yếu đuối và trẻ con thì khán giả châu Á lại xem đó là biểu tượng của sức mạnh và sự trưởng thành. Một người phụ nữ có khả năng chịu đựng những lời lăng mạ của mẹ chồng mà vẫn có thể vui vẻ cho thấy cô ấy có phẩm chất đạo đức tốt. Cô ấy có sức mạnh để giữ khiêm tốn và lịch sự ngay cả khi bị khiêu khích.

Một trong những nhân vật nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc là Đế Thuấn. Theo truyền thuyết, khi còn nhỏ, gia đình đã buộc ông phải làm những việc nguy hiểm và cho ông những thứ thức ăn và quần áo rất tồi tệ. Tuy nhiên, ông vẫn đối xử với cha mẹ mình bằng sự tôn trọng và không bao giờ phàn nàn. Khi Đế Nghiêu trao cho ông một vị trí trong triều đình và gả hai công chúa làm vợ, mẹ kế và anh trai cùng cha khác mẹ của ông đã cố gắng giết ông nhiều lần. Đế Thuấn đã khéo léo phá hỏng những nỗ lực của họ, hết lòng tha thứ cho họ và thưởng cho người anh trai đã cố giết mình một vị trí trong cung. Ấn tượng bởi sự khiêm nhường và lòng hiếu thảo của Đế Thuấn, Đế Nghiêu đã chọn ông là người kế vị.

Khán giả phương Tây sẽ thấy câu chuyện này thật nực cười. Chúng tôi coi trọng sự độc lập và thần tượng sự nổi loạn. Những người anh hùng hư cấu của chúng tôi là những người như Robin Hood. Chúng tôi ngưỡng mộ những kẻ bất hảo có thể làm rung chuyển mọi thứ và thách thức giới cầm quyền.

Vì vậy, ngay cả những người hâm mộ cuồng nhiệt nhất của phim truyền hình Hàn Quốc và phim hoạt hình Nhật Bản cũng thường bối rối và thất vọng vì hình ảnh những người anh hùng ngoan ngoãn quá mức. Chúng tôi muốn các nhân vật chính của chúng tôi là những nhà cách mạng thông minh, không phải là những đứa con hiếu thảo.

? Source: T. K. Marnell
? Translator: Danoh
 Editor: Hoang Vy

 Bản quyền nội dung bài viết thuộc về Love Books Love Life. Yêu cầu không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.

 Hãy tôn trọng tác giả bằng cách khi Re-post chú thích ghi nguồn đầy đủ!”
“Love Books Love Life – Lắng nghe để sẻ chia”

Share:

Nguyễn Nam

administrator

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *