Contact Information

Hanoi

We Are Available 24/ 7. Call Now

Viết – [Tips]

Đọc và viết là hai hành động song hành, luôn gắn liền với nhau và bổ trợ cho nhau trong quá trình tích luỹ và ghi nhớ. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ điều ấy. Hoặc nếu có hiểu, cũng chưa hẳn đã biết cách làm sao để kết hợp hai kỹ năng ấy song song. Vậy thì, đừng ngừng đọc ở đây, vì phía dưới bài viết này, Love Books Love Life sẽ đưa ra rất nhiều giải pháp hữu ích cho bạn!

Lợi ích của việc ghi chép lại khi đọc

Vì sao chúng ta nên ghi chép khi đọc sách?
Thứ nhất, ghi chép sẽ giúp ta dễ dàng tìm kiếm lại thông tin. Giả sử bạn muốn tìm lại một chi tiết rất hay trong sách mà bạn đã lỡ quên. Cách duy nhất là bạn phải nhớ được số trang hoặc chương có chứa chi tiết đó. Nhưng nếu bạn không nhớ thì sao? Mở từng trang sách và dò từng dòng chữ để tìm? Điều này có thể chấp nhận với cuốn sách 100, 200 trang. Vậy nếu cuốn sách đó dày hơn 1000 trang thì bạn định tìm bằng cách nào? Việc lật từng trang để kiếm là bất khả thi. Khả năng ghi nhớ của con người có giới hạn, đặc biệt là tiểu tiết như số trang, số chương. Love Books Love Life nghĩ rằng bạn cố gắng nhớ lại chi tiết ấy còn dễ hơn. Tuy nhiên, khi bạn ghi lại vài dòng note: “Chi tiết … trang …”, mọi thứ trở nên giản đơn hơn nhiều. Thời gian tìm kiếm sẽ được rút ngắn lại. Và bạn sẽ không chỉ đọc được những câu trích dẫn hay ý tưởng từ quyển sách đó, mà còn có cả những ghi chép về suy nghĩ, nhận xét của bạn vào thời điểm bạn đọc nó.
 
Thứ hai, ghi chép khiến bạn nhớ lâu và nhớ nhiều hơn. Ngay từ thời còn đi học, Love Books Love Life dám chắc rằng ai trong số chúng ta cùng từng một lần được nghe câu: “Một lần ghi là một lần nhớ” từ thầy cô giáo. Và sự thật là nó luôn đúng. Trong quá trình ghi chép, bạn sẽ chọn lọc thông tin quan trọng để viết ra. Khi làm như vậy là bạn đang đọc lại thông tin đó một lần nữa. Đọc hai lần luôn tốt hơn là một lần. Ngoài ra, bạn còn có thể bổ sung thêm những thông tin mà bạn biết cho ý vừa ghi, tổ chức lại cấu trúc thông tin để giúp cho việc xem lại dễ dàng hơn. Nhờ vậy, bạn sẽ có ký ức về việc bạn đã từng đọc qua cuốn sách đó.
 
Thứ ba, ghi chép khi đọc giúp bạn tập trung và hiểu sâu hơn về sách. Đôi khi trong quá trình đọc, bạn dễ rơi vào trạng thái đọc trên mặt chữ, tức là đọc nhưng không thật sự hiểu. Vì vậy, bạn khó có thể hiểu kỹ hoặc lĩnh hội được những ý tưởng, hàm ý của tác giả truyền tải trong sách. Nhưng khi ghi chép, bạn có thời gian để thấu hiểu về những ý niệm, thông điệp sâu sắc ấy một cách kỹ càng hơn. Song song với đó, bạn hình thành một tư duy phản biện khi đặt ra những thắc mắc, những quan điểm riêng của bản thân về chủ đề mà tác giả đang bàn tới. Bạn càng nghĩ về nó nhiều, bạn càng nhớ đến nó lâu.
 
Thứ tư, việc ghi chép giúp bạn rèn được khả năng viết lách. Nếu bạn ghi chép đủ nhiều, dần dần bạn sẽ hình thành được khả năng tóm tắt cho bản thân, ban đầu chỉ là tóm tắt một câu, một đoạn, dần dần sẽ là cả một chương hoặc cả một quyển sách. Kế đến là kỹ năng review, đây là kỹ năng cao cấp nhất mà một người đọc sách nên hướng đến. Nhờ vào khả năng tóm tắt tốt, cùng với những ý tưởng bạn đã ghi chép lại sẽ giúp bạn có một cái nhìn tổng quát về cả quyển sách bạn đã đọc. Từ đó, giúp bạn có thể đánh giá được quyển sách mà bạn đã đọc. Thoạt đầu chỉ đơn giản là những đánh giá dựa trên cảm xúc của bản thân bạn: thích hoặc không thích. Tiến xa hơn nữa bạn còn có thể đúc kết được những bài học đáng giá trong quyển sách để truyền tải thông điệp đó đến mọi người. Nếu được mọi người đón nhận bạn cũng có thể trở thành một reviewer để phát triển sự nghiệp trong tương lai, còn nếu không thì đó cũng được xem là một kỹ năng đáng giá, giúp ích cho công việc của bạn sau này.

Lợi ích của việc đọc lại ghi chép

Vì sao chúng ta cần đọc lại những gì đã ghi chép?
Đọc lại ghi chép giúp bạn nhớ lại một lần nữa những gì đã viết. Đây là quá trình bạn đang từ tâm thế một người viết chuyển sang vị trí của người đọc. Việc đọc lại ghi chép của chính mình giống như bạn đang đọc lại cuốn sách đó một lần nữa nhưng dưới dạng ngắn gọn và dễ hiểu hơn. Những thông tin quan trọng được bạn chắt lọc, chép ra, đọc lại có nghĩa là bạn đã đọc nó ít nhất ba lần. Và đọc ba lần hiển nhiên sẽ nhớ lâu hơn việc chỉ đọc một lần rồi quên hết. Không chỉ vậy, quá trình đọc lại giống như bạn đang “tiêu hóa” dần dần nội dung cuốn sách. Điều này giúp bạn hiểu cặn kẽ hơn về sách, tức bổ sung cho quá trình tích lũy của bạn. Đây mới chính là những kiến thức thực sự là của bạn, thuộc về bạn chứ không phải của tác giả. Và khi ấy việc đọc sách của bạn mới có ý nghĩa.
 
Đọc lại ghi chép cũng khiến bạn cải thiện kỹ năng viết. Như Love Books love Life đã nói ở trên, đọc lại những gì bạn đã viết là bạn đặt bản thân ở vị trí người đọc. Khi đó, bạn sẽ “soi” được những khuyết điểm của mình mà lúc viết bạn sẽ không nhận ra, như lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp, diễn đạt, hành văn,… Đặc biệt đối với những bạn thường xuyên viết review sách thì việc đọc lại và sửa chữa sẽ nâng cao kỹ năng viết lách của bạn lên một cách trông thấy.

Kết hợp đọc và ghi chép

Nếu bạn đang đọc sách giấy, hãy cầm bút trên tay. Nếu bạn đang đọc trên điện thoại, Kindle thì bạn có thể sử dụng tính năng highlight (làm nổi bật/đánh dấu). Bất cứ khi nào đang đọc mà phát hiện có một thông tin thú vị thì bạn hãy tô đậm, đặt một dấu hoa thị cạnh nó hoặc dùng highlight để đánh dấu. Tiếp tục như vậy cho đến khi đọc hết cuốn sách.
 
Việc ghi chép trong khi đọc sách không phải việc bạn sẽ chép lại tất cả những gì bạn đọc. Hãy đánh dấu những ý chính, những quan điểm của tác giả mà bạn thấy hay, một câu trích dẫn ý nghĩa hoặc một đoạn văn nào đó bạn cảm thấy hợp ý mình là được. Bạn có thể ghi chép bằng sổ tay, những tờ giấy ghi chú nhỏ hoặc có thể là ghi hoặc đánh dấu trực tiếp vào sách, tùy vào sở thích mỗi người.
 
Sau khi gạch highlight xong, bạn cần chọn lọc để tìm ra các thông tin quan trọng nhất và thu hẹp lại bản tóm tắt. Tốt nhất là nên giới hạn từ 3 đến 5 trang. Tại sao lại ít như vậy? Bởi vì nhiều khả năng bạn sẽ đọc lại một tài liệu 3 trang hơn là một tài liệu dài tận 20 trang. Bạn hoàn toàn có thể thu nạp phần hay nhất của gần như mọi cuốn sách phi hư cấu có kết cấu rõ ràng chỉ trong 3 đến 5 trang giấy. Tất nhiên, cũng có một vài ngoại lệ như sách lịch sử, sách khoa học hay sách tài liệu biên soạn.
 
Nếu không chắt lọc nội dung thì có thể bạn sẽ ghi chép lại cả những phần thừa hoặc nhiều ví dụ, đoạn dẫn mà truyền đạt cùng một ý nghĩa. Bạn không cần phải viết nguyên văn những gì tác giả đã trình bày. Mục tiêu chung của việc đọc một cuốn sách phi hư cấu đó là chắt lọc các bài học. Viết theo giọng văn của bạn sẽ giúp bạn dễ hiểu và dễ nhớ hơn.
 
Một cách hay Love Books Love Life muốn chỉ cho các bạn, đó là cuối những ghi chép, hãy ghi thêm một dòng gồm tên sách, số trang hoặc số chương để sau này khi bạn có điều gì cần xem lại có thể nhanh chóng tìm lại được vị trí của những trang sách đó.
 
Ở bước cuối cùng, sau khi đọc hết một quyển sách, hãy xem lại một lần nữa những ghi chép của bản thân và bắt đầu viết review cho quyển sách đó. Bạn có thể thoải mái chia sẻ những suy nghĩ, đánh giá của bản thân, những điều thích và không thích ở quyển sách. Sau đó, bạn có thể chia sẻ bài review đó trên Facebook, Instagram, chia sẻ với một người bạn thân hoặc đơn giản bạn lưu nó vào máy tình hoặc một cuốn sổ tay để sau này có thể xem lại những gì bạn đã viết.
 
Tất cả những điều này sẽ giúp bạn có thể dễ dàng ghi nhớ được những gì bạn đã đọc, tập cho bạn thói quen chia sẻ ý kiến bản thân, thói quen ghi chép và biết đâu sẽ khai sáng cho bản thân bạn con đường để trở thành một tác giả.
 
? Writer: Rosie.
✍ Editor: Nam LB.
 
⚠ Bản quyền nội dung bài viết thuộc về Love Books Love Life. Yêu cầu không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.
⚠ Hãy tôn trọng tác giả bằng cách khi Re-post chú thích ghi nguồn đầy đủ!
“Love Books Love Life – Lắng nghe để sẻ chia”
Share:

Nguyễn Nam

administrator

1 Comment

  • Avatar

    tlovertonet, 23 Tháng Mười Một, 2024 @ 5:19 chiều Reply

    Merely wanna remark on few general things, The website style and design is perfect, the content material is real great. “Art for art’s sake makes no more sense than gin for gin’s sake.” by W. Somerset Maugham.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *