Sách – [Facts]
Mọi vấn đề của cuộc sống đều mang hai mặt đối lập và luôn tiềm ẩn những rủi ro, bất trắc. Nền công nghiệp xuất bản cũng vậy. Love Books Love Life cho rằng không một ai có thể dám chắc sách của các tác giả nổi tiếng sẽ không thất bại, dù là ở mặt doanh thu, ở hiệu ứng lan tỏa hay ở chất lượng cuốn sách, và ngược lại. Vậy có bao giờ bạn thắc mắc rằng, khi một cuốn sách lâm vào cảnh tuột dốc không phanh thì trách nhiệm sẽ quy về ai hay chưa?
Tác giả
Nếu một cuốn sách thất bại vì chất lượng nội dung kém, hiển nhiên tác giả sẽ là người gánh trách nhiệm này. Bởi chúng ta đều hiểu rằng tác phẩm là đứa con tinh thần của người viết. Người đọc mua sách để đọc nội dung bên trong chứ không chỉ đơn giản là mua về trưng bày. Muốn cuốn sách đó thành công thì bản thân nội dung của nó phải thật sự chất lượng. Nếu tác phẩm thất bại, lỗi trước hết là do bản thân người viết không đáp ứng được nhu cầu của độc giả, không thoả mãn được những gì độc giả kỳ vọng và khao khát được đọc.
Kể cả một tác giả nổi tiếng, đã từng thành công với rất nhiều những tác phẩm hấp dẫn, thì cũng không có một đảm bảo nào cho việc cuốn sách tiếp theo cũng sẽ xuất sắc. Vì ai cũng có những “điểm rơi phong độ”, đều sẽ có những sản phẩm tốt và sản phẩm chưa tốt. Điển hình như tiểu thuyết gia trinh thám tâm lý Nhật Bản Minato Kanae với vết trượt dài “Cảnh ngộ”. So với “Thú tội” hay “Chuộc tội” làm mưa gió trước đó, “Cảnh ngộ” là một cuốn sách có nội dung yếu và hệ thống nhân vật được xây dựng thiếu chặt chẽ. Cách kể truyện không mấy hấp dẫn cùng lối hành văn tương đối lan man khiến “Cảnh ngộ” nhận về vô số review tiêu cực. Mặc dù đây là một cuốn sách có bìa rất đẹp và được truyền thông rất tốt, nhưng độc giả thông minh sẽ không chỉ chọn sách vì những lý do đó. Chất lượng nội dung của sách vẫn là chiếc chìa khóa quan trọng nhất. Nếu không đáp ứng được nó, mọi yếu tố về hình thức hay truyền thông cũng không còn ý nghĩa nữa.
Cũng giống như một bộ phim dù diễn viên có đẹp và giỏi đến cỡ nào, gặp phải kịch bản tệ, không sớm thì muộn cũng thất bại. Một tác phẩm mà nội dung sơ sài, ý tứ lan man, diễn đạt không thoát nghĩa, nhân vật thiếu chiều sâu,… sẽ chẳng mang lại bất kỳ giá trị nào, cũng sẽ chẳng chứa đựng thông điệp gì cho cuộc sống. Người đọc đương nhiên không muốn mất thời gian, tiền bạc vào những tác phẩm như vậy. Bởi lẽ ấy, khi người viết chắc tay thì tác phẩm của họ đã thành công được một nửa chặng đường.
Ban biên tập
Trong quá trình phát hành sách và báo, ban biên tập nắm vai trò vô cùng quan trọng. Từ bản thảo để được in thành sách rồi xuất bản, mọi công việc đều do ban biên tập phụ trách. Họ cùng với người thiết kế lên ý tưởng về kích cỡ cuốn sách, trang trí bìa, kết cấu dàn trang, font chữ, cỡ chữ,… Họ cũng cần kiểm tra kỹ những phần nào cần đề nghị tác giả thêm, bớt, chỉnh sửa,… Ngoài ra, ban biên tập còn phải tỉ mỉ soát xem thông tin trong bài đã đúng sự thật chưa, đúng nhân vật hay tình huống chưa, có lỗi chính tả nào không,… Thậm chí, họ phải sửa lại cách diễn đạt của câu gốc miễn là không làm thay đổi ý. Với cuốn sách cần có ảnh, đội ngũ biên tập sẽ là người tìm nguồn ảnh thô, quyết định vị trí chèn ảnh,… nhằm tối đa hoá hiệu quả của bức ảnh. Quả thực, ban biên tập có vai trò và nhiệm vụ rất quan trọng trong việc hoàn thiện, hiệu chỉnh cho chất lượng nội dung cũng như hình thức của sách. Và nghiễm nhiên vai trò càng lớn, trách nhiệm càng cao.
Nếu dịch chưa tốt, nhiều lỗi chính tả, chữ quá bé, chất lượng ảnh kém,… thì cuốn sách đó sẽ tạo ra sự khó chịu cho người đọc ngay từ “phần nhìn” và họ có thể ngay lập tức chê bai thẳng thừng. Điều này lại kéo theo vô số hệ lụy. Khi mà thời đại của Internet và mạng xã hội đang ngày càng phát triển, chỉ cần một review tiêu cực cũng có thể gây ảnh hưởng đến doanh thu của cuốn sách. Để tránh sự việc đáng tiếc ấy, bộ phận biên tập cần cẩn thận và chỉn chu từ những khâu biên soạn nhỏ nhất.
Đội ngũ truyền thông
Ban truyền thông chính là bộ mặt của một tổ chức, đơn vị, công ty, doanh nghiệp nơi truyền tải thông tin đến các chương trình, công chúng, xã hội. Đây chính là bộ phận sáng tạo phụ trách mọi thao tác truyền thông. Cụ thể ở lĩnh vực xuất bản, đội ngũ truyền thông sẽ cần thiết kế bìa cho sách, lên chiến lược PR để phổ biến các thông tin về sách đến cho độc giả. Trước khi phát hành sách, bộ phận truyền thông phải đảm bảo được đã thiết lập được độ nhận diện cho cuốn sách, đồng thời có một nhóm độc giả chắc chắn sẽ đón đọc nó. Sau khi sách được xuất bản, bộ phận này phải giải quyết câu hỏi: Làm thế nào để lan tỏa và duy trì sức hút của cuốn sách. Và nếu không đạt doanh thu như hoạch định hay có bất kỳ khủng hoảng nào thì đội ngũ truyền thông đến đã phải có kế hoạch dự trù, xử lý.
Sự thành công của một tác phẩm phụ thuộc rất nhiều vào ban truyền thông. Bạn có dám khẳng định mình chưa từng một lần muốn sở hữu một cuốn sách vì đọc review quá hay chưa? Hoặc nếu tham gia một group đọc sách, bạn đã từng một lần thấy cuốn đó có nhiều người đọc, người mua nên mình cũng muốn sở hữu hay không? Những cảm giác, hành động ấy của bạn chính là biểu hiện cho việc đội ngũ truyền thông đã thành công. Vậy thì điều ngược lại, chính là biểu hiện cho sự thất bại.
Một cuốn sách có hay đến đâu nếu không được truyền thông rộng rãi thì cũng chẳng ai dám chắc nó sẽ đạt hiệu ứng tốt. Bộ phận truyền thông là bộ phận chủ chốt để tăng cường độ nhận diện cho sách nói riêng và cho nhà xuất bản nói chung. Nên nếu một cuốn sách thất bại, thì đội ngũ nhân sự này nghiễm nhiên sẽ cần chịu trách nhiệm.
Tính tương đối giữa thành công và thất bại
Vạn sự trên đời đều có tính tương đối. Sự thất bại cũng không ngoại lệ. Một cuốn sách thất bại vào thời điểm này, nhưng cũng có thể sẽ thành công tại thời điểm khác, và ngược lại. Có những cuốn chưa gặp thời nên chưa thể “phất”, có những cuốn từng rất hot nhưng rồi lại mãi đi vào dĩ vãng. Trong cuốn “Nở muộn”, Rich Karlgaard cũng đã từng nói về vấn đề này: Không phải cứ thành công sớm là tốt, không phải cứ thành công muộn là thất bại.
Love Books Love Life lấy ví dụ như tiểu thuyết “Trao em mặt trời” của Jandy Nelson – một cuốn sách “nở muộn” như vậy. Tác phẩm này từng có thời gian đầu không được chú ý, phải giảm giá liên miên ở các hội sách, nhưng sau đó trở thành cú nổ lớn do hiệu ứng domino lan truyền. Nhờ những review tích cực trên mạng xã hội mà “Trao em mặt trời” giống như con tuấn mã trở lại sân đua sau chấn thương. Kết quả là cuốn sách này đã sold out trên mọi sàn thương mại điện tử, chưa rõ ngày tái bản, nhưng còn rất nhiều độc giả mong ngóng cơ hội được sở hữu và đón đọc nó.
Chuyện thất bại thì chẳng ai muốn, nhưng đó là quy tắc của cuộc sống: Giống như việc không phải ai cũng tài giỏi, thành công thì việc xuất bản cũng không thể đảm bảo doanh thu và độ nhận diện cho một cuốn sách bất kỳ nào đó. Khi thất bại, đội ngũ xuất bản cùng bản thân tác giả đều phải xem xét, kiểm điểm, rút kinh nghiệm và xử lý nếu phát sinh khủng hoảng. Đặc biệt, những cuốn sách của tác giả nổi tiếng mà không đạt hiệu ứng tốt, thì càng trở thành bài học đắt giá cho những người làm trong nền công nghiệp nhiều cạnh tranh này.
Tuy nhiên, như Love Books Love Life đã nói ở trên, những cuốn sách thất bại do “chưa gặp thời” thì khả năng nó sẽ thành công trở lại không phải là không thể. Vì vậy, hãy thử mở lòng đón đọc và đánh giá các tác phẩm ở nhiều thể loại, lĩnh vực, của nhiều tác giả và đơn vị xuất bản khác nhau. Biết đâu chính bạn sẽ trở thành viên gạch đầu tiên tạo nên chuỗi domino để góp phần thúc đẩy thành công cho một cuốn sách thì sao?
? Writer: Rosie.
✍ Editor: Nam LB.
⚠ Bản quyền nội dung bài viết thuộc về Love Books Love Life. Yêu cầu không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.
⚠ Hãy tôn trọng tác giả bằng cách khi Re-post chú thích ghi nguồn đầy đủ!
“Love Books Love Life – Lắng nghe để sẻ chia”