Contact Information

Hanoi

We Are Available 24/ 7. Call Now

Đọc – [Số đặc biệt]

Trong nhiều năm trời, mình đã miệt mài đi tìm hiểu lý do cho việc: “Tại sao có những người lại không thích đọc sách?” Tất cả chúng ta đều có chung một khát khao đó là tìm hiểu kho tàng tri thức nhân loại, mong muốn tinh thông mọi thứ nhưng phải chăng sách không phải là “nơi”, là “đối tượng” phù hợp để chúng ta muốn học hỏi và kết nối? Phải chăng chúng ta sợ sách? Có cả ngàn lý do quay vòng vòng trong đầu mỗi khi nghĩ đến điều này.

Bằng sự trải nghiệm, tiếp xúc và gặp gỡ nhiều người ở mọi lứa tuổi trong các môi trường khác nhau. Đến bây giờ, mình đã phần nào hiểu được lý do tại sao “Chúng ta lại không thích đọc sách?”. Và các bạn biết không, thật thú vị khi mình được lắng nghe những quan điểm từ họ. Quá trình tìm hiểu đã giúp mình học hỏi được nhiều điều. Một trong số đó là: “À, thì ra có một bộ phận người không suy nghĩ về sách như đại đa số vẫn nhìn nhận, họ có một tư duy khác biệt hoàn toàn”.

Trong khuôn khổ bài viết, mình sẽ trình bày nội dung theo cách mà mình nhìn nhận dựa trên trải nghiệm của bản thân. Ngoài ra, để theo dõi nội dung tốt hơn, các bạn có thể ghé đọc bài viết trên website được đính kèm link bên dưới nhé.

Ấy, còn điều cuối cùng mình muốn mọi người lưu ý:
“Bỏ qua yếu tố định dạng trong content. Chủ đề lần này khai thác góc nhìn đơn thuần về những lý do không thích đọc sách dựa trên phần ý thức của mỗi người.”

Ok, không dài dòng nữa!

Let’s play!

I. NGUYÊN NHÂN KHÁCH QUAN

Đầu tiên, hãy cùng đến với nguyên nhân khách quan, khi mỗi người có cả tá lý do để bào chữa cho việc không thích đọc?

Ví dụ:
“Mấy cái này xem trên tivi đầy”
“Ui giời, bây giờ lên mạng tìm cái gì chả có, gõ mấy phát là xong”.
“Tôi bận. Thôi từ từ đã”

Chúng ta luôn muốn sống trong vùng an toàn, chính vì vậy mà ngại bắt đầu với những thứ mới mẻ. Có thể với nhiều người, việc khởi đầu một công việc mới đem lại cho họ sự trải nghiệm, kiến thức thú vị và bổ ích. Nhưng ở chiều ngược lại, số lượng thích hưởng thụ, an nhàn, dễ dàng chấp nhận và thỏa mãn thực tại có vẻ như cũng nhiều không kém.

Chúng ta đều biết rằng, con người khi sinh ra và lớn lên bị chi phối và chịu ảnh hưởng rất nhiều từ 3 yếu tố: “Xã hội, môi trường sống, nền tảng giáo dục”. Nhưng không vì thế mà lấy đó là lý do bào chữa cho việc không đọc sách. Một đồng xu luôn có hai mặt và sự việc này cũng vậy, chúng ta không thể đổ lỗi việc chưa thích đọc sách bởi: “Tại tôi sinh ra ở nơi không được tốt, tôi không được cái nọ cái kia nên tầm nhìn hạn hẹp blah blah,…”, đó chỉ là yếu tố phụ, yếu tố chính vẫn là do ý thức bản thân mỗi người, và đây cũng là “mặt” tiếp theo của vấn đề.

Có thể nói, môi trường sống, nền tảng giáo dục, xã hội là những nguyên nhân khách quan dẫn đến việc chúng ta không thích đọc, điều này tạm chấp nhận được nhưng như mình đã nói, chúng ta không thể đổ tại hoàn cảnh để bao biện cho tính cách và lối suy nghĩ của cá nhân. Đôi khi, những yếu tố chủ quan mới là nguyên nhân cốt lõi của mọi vấn đề. Trong trường hợp này, những nguyên nhân này chính điều mình muốn đề cập.

II. NGUYÊN NHÂN CHỦ QUAN

Có lẽ cách diễn đạt dưới đây sẽ khiến một vài người cảm thấy tự ái, nhưng đó là sự thật mà mình muốn chia sẻ. Bắt đầu từ câu chuyện mà chính mình đã trải qua trước nhé.

Không biết theo các bạn định nghĩa “khác người” là như thế nào? Nhưng đối với những người bạn trong lớp Đại học hồi trước của mình, định nghĩa đó có nghĩa là “ham đọc sách”. Nghe kỳ lạ lắm phải không, nhưng đó là sự thật. Không hiểu tại vì đâu, cứ mỗi lần đọc sách trên lớp, chúng nó lại chỉ trỏ bàn tán này nọ, rồi hỏi đủ thứ câu linh tinh (kiểu chế giễu), nhìn mình bằng ánh mắt đầy khó hiểu.

Đó là câu chuyện thứ nhất.

Câu chuyện thứ hai còn đáng sợ hơn. Trong một lần nói chuyện cùng đám bạn, có đứa trong nhóm hỏi:

– “N, sao cậu thích đọc sách thế?”

Mình cũng vô tư trả lời:
– “Vì đọc sách giúp tớ hiểu biết thêm được nhiều thứ, nó khiến tâm hồn mỗi người trở nên thanh thoát hơn.”

Câu chuyện đáng ra nên dừng lại ở đây thôi nếu như không có câu hồi âm tiếp theo:

– “Tớ thấy đọc sách là một việc không cần thiết và vô bổ, mọi thứ trong sách đều phi thực tế và không giúp ích gì cho cuộc sống, đi học hỏi thực tế không phải tốt hơn sao? Thời gian đọc sách thà đi làm việc khác còn hơn”.

Các bạn không thể hiểu cảm xúc lúc đó của mình đâu. Nó giống một sự xúc phạm tới tất cả những thứ liên quan đến sách, bản chất công việc và bản thân những người đọc. Mình đã phải kiềm chế lắm mới không quát nó tư duy thật nông cạn, cố để cười một cách nhẫn nhịn bởi mình biết rằng lối suy nghĩ như vậy thì không thể cải tổ được, có nói gì đi nữa thì họ cũng chẳng bao giờ hiểu.

Hai ví dụ trên có lẽ là minh họa rõ nét nhất cho lý do không thích đọc sách ở 1 số bộ phận người. Thì ra, nguyên nhân không phải là không thích đơn thuần, mà do cách họ nhìn nhận vấn đề dẫn đến tư duy sai lệch ngay từ đầu. Vô tình, những điều đó hằn sâu vào tiềm thức, dẫn tới hàng loạt những lý do sau đây mà khi nghe, hẳn nhiều người sẽ cảm thấy rất ngạc nhiên.

NGUYÊN NHÂN SỐ 1: CHÚNG TA ĐANG HIỂU LẦM BẢN CHẤT CỦA VIỆC ĐỌC

Người Việt Nam có lối tư duy mà theo mình, đã trở thành “định nghĩa bất khả”, đó là: “Tất cả những gì được viết trong sách vở chỉ là lý thuyết, không cần đọc quá nhiều, học hỏi bên ngoài tốt hơn”. Câu này có phần không sai, đúng là việc chúng ta va chạm, thực hành bên ngoài tốt hơn việc chỉ học lý thuyết suông. Nhưng không thể vin vào lý do đó để đánh đồng việc đọc sách giống vậy.

Đọc sách là quá trình thu nạp, sàng lọc kiến thức để từ đó, tư duy vận dụng vào thực tế bởi nếu không có lý thuyết sẽ khó để thực hành. Chính vì thế, nó đóng vai trò cốt cán cho mọi thành tựu con người đạt được. Việc một số người hiểu sai điều này là vô cùng nguy hiểm, vì đó là cái sai từ bản chất. Đây là một trong nhiều nguyên nhân chủ quan dẫn đến việc chúng ta có cái nhìn lệch lạc về những nội dung có trong sách và bản chất thật sự của việc đọc.

Chắc hẳn ở đây nhiều bạn đã từng nghe câu: “Những người hay nói triết lý là những người sống chẳng ra gì”. Các bạn nghĩ sao về ý nghĩa câu nói đó? Một cơ số người cho rằng những người hay đọc sách thường sẽ nói triết lý văn vở để dạy đời, “nói được mà không làm được”.

Đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Phân tích kỹ, chúng ta sẽ thấy có hai dạng người như sau:
 

  • Dạng thứ nhất, họ là những người hiểu biết, am tường, thấu hiểu sự việc. Họ nói triết lý nhằm mục đích muốn truyền tải thông tin bổ ích tới mọi người, giúp chúng ta nhận thức được vấn đề một cách thấu đạt nhất. Và họ chỉ nói những điều này với những người thực sự muốn nghe, muốn tìm hiểu, có đạo đức, tư duy chuẩn, góc nhìn đa chiều.
  • Dạng thứ hai chiếm nhiều hơn, họ có thể là những người trẻ, có tính sĩ diện cao, người “thùng rỗng kêu to” hay bất kỳ ai. Họ nói đạo lý như một cách để khoe mẽ, chứng tỏ bản thân mình hiểu biết, trải đời, ra oai với thiên hạ. Đây mới đúng là dạng “chẳng ra gì” như mọi người nói.

Vậy, điều mình muốn nói ở đây là gì? Đó là đừng đánh đồng mọi thứ với nhau, mỗi người cần có cái đầu lạnh để sáng suốt nhìn nhận vấn đề. Tách bạch ý nghĩa trong câu nói để tránh sự hiểu nhầm không đáng có cho những lý do trên.

Tiểu kết cho luận điểm 1: Theo cách nghĩ tiêu cực nhất, những người không thích đọc sách đang cố tình hiểu sai bản chất sự việc. Họ muốn chối bỏ và bảo thủ với định kiến tư duy đọc sách là dạy đời, để thể hiện bản thân,… Và cũng bởi, cốt lõi của những người không thích đọc sách là họ không muốn thay đổi hành động, thiên kiến trước kia vì cái “tôi” cao ngút trời.

NGUYÊN NHÂN SỐ 2: CHÚNG TA CHƯA SẴN SÀNG

Như mình đã nói trong phần đầu, thế giới chúng ta đang sống có quá nhiều thứ chi phối và cám dỗ gấp hàng vạn lần sách, chính vì thế mà việc đọc vốn đã không được ưa thích này càng trở nên khó khăn hơn.

Liệu bao nhiêu người dám từ bỏ một ván game để đọc sách trong vòng 30 phút đồng hồ? Bao nhiêu bạn sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền để mua sách thay vì shopping quần áo, ăn uống,…

Với mỗi người, hẳn đây là 1 câu hỏi không dễ trả lời!

Có một trích dẫn mình thấy rất tâm đắc trong cuốn sách: “Bước chậm lại giữa thế gian vội vã” của Đại Đức Hae Min, đó là:

“Khi uống một ly cà phê giá năm nghìn won ta không thấy ngại ngần gì, nhưng lại chần chừ khi mua một cuốn sách có giá chỉ gấp khoảng hai, ba lần một ly cà phê.”

Đến đây, câu hỏi được đặt ra: “Tại sao chúng ta lại không thể làm điều đó?” Có vẻ như, đây lại là một bài toán liên quan đến cách suy nghĩ, lập luận của con người. Có lẽ cần một khoảng thời gian dài để thay đổi, để chúng ta định hình lại lối nghĩ đã cũ mòn đó.

NGUYÊN NHÂN SỐ 3: CHÚNG TA CÓ QUÁ NHIỀU VIỆC

Con người dành 8h để ngủ, 8h để làm việc chốn công sở, thời gian còn lại phân bổ đều cho nhiều việc vặt khác như: Ăn uống, nấu cơm, tập gym, việc riêng, ngủ, giải trí (chơi game, lướt web, xem tivi,…),… Có lẽ, 24h/ ngày là không đủ khi mà khối lượng công việc ngày càng nhiều đòi hỏi tốc độ xử lý của con người phải nhanh nhạy hơn. Đây cũng được xem như lý do khách quan ảnh hưởng tới việc đọc sách.

Nhưng khoan, nếu chúng ta có giải trí bằng chơi game, xem tivi hay hàng tỷ thứ linh tinh khác, vậy tại sao lại không dành một khoảng nhỏ thời gian cho việc đọc? Kỳ thực, đó cũng là một cách xả stress vô cùng hữu hiệu.

Ví dụ nếu thích thưởng thức thể loại hành động, kinh dị. Bạn có thể lựa chọn những cuốn tiểu thuyết trinh thám, nơi sẽ đưa trí tưởng tượng bạn vào hiện trường vụ án đẫm máu, bạo lực. Hay nếu đam mê khoa học, những cuốn sách khoa học giả tượng sẽ du hành bạn tới miền đất mới, nơi các sinh vật kỳ bí tồn tại, nơi có nền công nghệ hiện đại vượt bậc được phát minh trong tương lai.

Nếu có điểm chưa đáp ứng được nhu cầu giải trí cao thì có chăng, là tất cả chỉ được biểu hiện trên trang giấy. Vì thế, nó không đủ sinh động để chiếm cảm tình của mọi người, giống như video, game hay các hoạt động thú vị khác.

NGUYÊN NHÂN SỐ 4: CHÚNG TA QUÁ LƯỜI

Mình hiểu cảm giác của một người khi bắt đầu cầm cuốn sách và đọc những dòng chữ đầu tiên, bởi mình cũng đã từng như thế. Quả thật không dễ dàng gì. Việc đọc lại đòi hỏi ở con người ta một sự kiên trì nhất định, đa số chúng ta lại đang thiếu điều đó, đặc biệt là những người trẻ. Chúng ta quá lười trong mọi việc, vậy nên để đọc một cuốn sách trong 30’, thậm chí 10’ thôi đó cũng là cả một sự cố gắng đáng khen ngợi.

Song nói đi cũng phải nói lại, theo mình, căn nguyên của bệnh lười đó là do chúng ta không tìm được sự hứng thú với công việc. Thử nghĩ mà xem, nếu được làm một công việc đúng với sở thích, chắc chắn ta sẽ hào hứng hơn so với việc phải làm một công việc mình không thích đúng không? Nhưng cuộc sống đôi khi không cho chúng ta quyền chọn lựa và chúng ta vẫn phải làm những thứ mà bản thân không mong muốn. (Ví dụ như mình cực kỳ ghét việc phải dậy sớm nhưng vì phải đi làm nên đành chấp nhận phải ra khỏi giường vào lúc 5h, khi trời còn chưa sáng tỏ). Nói vậy để các bạn hiểu rằng chúng ta phải thay đổi nếu muốn trở nên tốt hơn và hòa nhập với sự phát triển của của cuộc sống, sự lười biếng cần phải được chấm dứt bằng mọi giá, dù không cảm thấy thích thú đi chăng nữa thì chúng ta vẫn phải thực hiện, vẫn phải làm vì đó là những điều cần thiết cho cuộc sống của chính mình.

III. CHÚNG TA CÓ DÁM THAY ĐỔI?

Sẽ là một câu hỏi khó với nhiều người bởi chúng ta vẫn chưa thực sự sẵn sàng. Vượt qua giới hạn chủ đề bài viết mình muốn nói những thứ xa hơn. Việc đọc chỉ là một bước nhỏ trong vô vàn bước khởi đầu để chúng ta dấn thân vào cuộc hành trình đầy thử thách, nơi mà ở đó tất cả sẽ được tôi luyện để trở nên mạnh mẽ, tài giỏi hơn. Thử thách luôn ở xung quanh và việc rèn luyện thì diễn ra hàng giờ hàng ngày trên mỗi bước đường chúng ta qua. Sẵn sàng từ bỏ thói quen, tư duy cũ để làm mới bản thân, chúng ta có dám? Câu trả lời sẽ là: “Yes, we can do it!” Chỉ bằng cách đó chúng ta mới có thể vượt ra biển lớn, tạo nên “thành trì” vững chắc cho riêng mình, biến bản thân trở thành những công dân tri thức vĩ đại của thế giới, để hòa nhập vào dòng chảy vô tận của vũ trụ bao la.

IV. ĐIỂM GIAO NHAU

Khi tìm hiểu: “Tại sao một số người không thích đọc sách?” mình bỗng thoáng nghĩ mình một vấn đề khác mà theo mình có nét khá tương đồng, đó là: “Phải chăng với tư duy như vậy, họ không coi trọng sách? Suy nghĩ rộng ra thì hai chủ đề này thật sự giống nhau. Vậy, sự liên quan ở đây là gì?

Bắt đầu từ sơ đồ đơn giản này nhé:

  • Không thích đọc vì không thấy hứng thú, không tìm được ý nghĩa trong sách -> Không coi trọng sách.
  • Không coi trọng sách vì nghĩ nó chỉ là thứ công cụ người ta dùng để dạy đời, không thực tế -> Không thích đọc sách.

Thấy không? Điểm đáng lưu tâm ở đây là dù cho có hai kiểu giải thích khác nhau, nhưng sơ đồ này vẫn bổ trợ lẫn nhau về nội dung và hàm ý. Giống như khi chúng ta ghét một người thì mức độ tôn trọng họ cũng tỷ lệ thuận với sự ghét đó, kiểu vậy.

Tất nhiên, mình không đánh đồng hai vấn đề này với nhau. Người không thích đọc đơn giản vì họ không thích, người không coi trọng sách nên không thích đọc và ngược lại. Có nhiều đối tượng để chúng ta nhìn nhận nhưng như mình đã nói, hai vấn đề này thực sự có liên quan và bổ trợ cho nhau.

V. CÁNH CỬA MANG TÊN HY VỌNG

Sẽ cần một khoảng thời gian rất dài để chúng ta làm quen dần với việc đọc. Ở nước ta hiện đã có chủ trương đưa bộ môn Đọc Sách vào chương trình giáo dục phổ thông, mặc dù hơi muộn vì nhiều nước trên thế giới đã phát triển môn này từ rất lâu. Nhưng dẫu sao có còn hơn không. Tuy chưa đủ lớn nhưng nó cho thấy phần nào sự thay đổi trong nhận thức của các nhà lãnh đạo, để giúp công dân đất nước được tiếp cận với “việc làm” mà vốn dĩ từ lâu đã “phải làm”.

Ở một diễn biến khác, hàng loạt các bạn trẻ đã sáng lập ra những tổ chức, phong trào, hội nhóm về sách,… Sự bùng nổ mạnh mẽ này diễn ra nhiều và đạt được những kết quả vô cùng đáng kinh ngạc, hàng nghìn cuốn sách đã được trao đi khắp mọi nơi, liên kết với các nhà xuất bản để cho ra event, hoạt động ý nghĩa (tặng sách, viết sách,…),…và nhiều hơn thế nữa. Thậm chí, những Workshop cũng được tổ chức thường xuyên hơn. Ví dụ như workshop sách: “Xu hướng văn hoá Đọc trong thời đại 4.0” được dự án Love Books Love Life tổ chức hồi tháng 9 vừa qua.

Về phía các nhà xuất bản, họ cũng tích cực cho phát hành những ấn phẩm đặc sắc, bổ ích, nhà cung cấp cũng chẳng kém khi hàng loạt ưu đãi giảm giá, săn sách rẻ được tung ra thường xuyên.

Không thể không kể đến các hội sách lớn nhỏ được các đơn vị, nhà tài trợ, chính quyền tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng, phát triển. Một thị trường tưởng chừng như ảm đạm, tẻ nhạt không có chỗ đứng bỗng chốc phát triển một cách thần tốc kèm theo đó là doanh thu cũng tăng vọt đóng góp vào nền kinh tế đất nước. Hơn bất kỳ điều gì, chính chúng ta – thế hệ tri thức, công dân thế kỷ XXI đã, đang đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển vượt bậc này.

Cuối cùng, với tư cách là độc giả, chúng ta có quyền đòi hỏi, nâng cao nhu cầu để các nhà xuất bản, đơn vị cung cấp hoàn thiện mình hơn. Đó không chỉ là lợi ích cá nhân mà còn là lợi ích tập thể cho thị trường sách, ngành xuất bản và xa hơn nữa là sự phát triển tri thức của cả quốc gia.

Xem thêm: Giá thắt lưng Burberry chính hãng là bao nhiêu?

Cộng đồng mọt sách hẳn sẽ rất vui mừng vì cuối cùng, khoảng cách ranh giới khái niệm đọc sách đang dần được thu hẹp. Đây cũng là lúc những bộ não được xích lại gần nhau hơn. Well, đối với mình đây là tín hiệu lạc quan, khoảng thời gian tuyệt vời kể từ khi bắt đầu “làm bạn” với sách. Đúng vậy, tất cả đều cần thời gian để hoàn thiện và phát triển, nhưng hơn hết, chính sự nhiệt thành, lòng quyết tâm và cởi mở là yếu tố cần thiết, là “mảnh ghép vàng” để điều đó được phát huy một cách tích cực, đúng đắn và mạnh mẽ nhất.

Writers: Nam LB.

Bản quyền nội dung bài viết thuộc về Love Books Love Life. Yêu cầu không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.
Hãy tôn trọng tác giả bằng cách khi Re-post chú thích ghi nguồn đầy đủ!”

“Love Books Love Life – Lắng nghe để sẻ chia”

Share:

Nguyễn Nam

administrator

1 Comment

  • Avatar

    binance, 27 Tháng Hai, 2025 @ 12:44 chiều Reply

    Thanks for sharing. I read many of your blog posts, cool, your blog is very good.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *