Viết – [Experience]
Mình là freelance, điều đó có nghĩa mình được trả tiền để thức dậy và viết mỗi ngày
Trở thành một người viết lách, bạn chắc chắn được hưởng vài đặc quyền. Song cũng có bao góc khó, góc tối, những góc cạnh ai cũng trải qua mà ngại chia sẻ.
? 1. Viết lách có thể cảm thấy rất cô đơn và tách biệt
Thật tuyệt khi có thể tự quản lý lịch trình, làm việc khi mặc đồ ngủ, mặt khác, viết lách cũng trở thành một trải nghiệm đơn độc. Thường thì chỉ có mình và cái bàn phím. Thi thoảng mình ước rằng có một văn phòng thực sự vì có thể nhìn thấy con người và nói chuyện cùng họ.
Mình đã từng vật lộn khi là người viết lách mà lại phát triển trong xã hội cần sự kết nối. Sao có thể làm được cả hai? Bản thân mình vẫn đang trong quá trình hình dung điều đó. Minh chỉ mong rằng có thể dạy người khác viết như cách mình vẫn viết. Và học hỏi khi có nhiều dịp tiếp xúc, hợp tác với các tư liệu viết lách. Do đó mà mình dành kết nối là một phần quan trọng trong ngày.
Mình cố gắng gọi ít nhất 3 người bạn thân nhất mỗi tuần, có các cuộc đối thoại chất lượng với họ để vượt qua sự trống rỗng, tách biệt. Những giây phút này đã thúc đẩy mình tiếp tục chiến đấu. Ngoài ra, mình cũng thử viết các bài phỏng vấn để học hỏi từ người khác nhiều hơn. Với tư cách là người viết lách, chúng ta cần kết nối nghiêm túc với mọi người. Đây không phải là phần chính trong công việc, nên đôi lúc trở nên khó khăn.
? 2. Sự thiếu tự tin thường len lỏi trong tâm trí khi mình muốn viết điều gì đó mới mẻ, khác biệt
Hiện tại mình đang thực hiện một dự án về các vở kịch nhiều kỳ. Khác với những gì từng làm, dự án sáng tạo này dựa hoàn toàn vào trí tưởng tượng cá nhân. Đôi lúc thức giấc và chỉ muốn tập trung viết tập tiếp theo nhưng tâm trí thì cản trở. Cuối cùng thì mình cứ ngồi trên ghế mà đọc cả ngày.
Với Blog các nhân, đó cũng là một thử thách để đốc thúc bản thân viết những nội dung mới mẻ, sáng tạo. Mình luôn đau đáu về một ý tưởng nhưng sau đó thì cũng giải tán. Mấy suy nghĩ “Sẽ chẳng ai hiểu đâu” hay “Mình là ai mà viết được chủ đề đó chứ?” vẫn hoài bám lấy. Thay vì gạt phăng mọi thứ và cứ viết đi thì mình để nỗi sợ ngăn cản việc đặt bút trên trang giấy.
May mắn là sau khi học được cách tin tưởng bản thân, mình đã vượt qua được cảm giác khó chịu này để sáng tạo những nội dung độc đáo. Điều này thực sự vô cùng tuyệt vời.
? 3. Thật dễ dàng rơi vào cái bẫy của việc “học hỏi” thay vì bắt tay vào làm
Đã bao giờ bạn có một ý tưởng hay ho cho blog, dự án hay email rồi nghĩ rằng “Để mình xem xem “cách làm đúng” để thực hiện là gì?”. Kế tiếp bạn sẽ rơi vào ma trận Internet, đọc hết tất cả các hướng dẫn để có được bài đăng thành công. 6 giờ sau bạn trở về thế giới thực và nhận ra mình không sẽ không bao giờ đặt bút nữa bởi cảm hứng cạn sạch.
Không may là các nhà marketing trên mạng biết nỗi sợ của bạn, họ biết bạn muốn làm “đúng”. Nên họ đều chia sẻ kinh nghiệm để giúp bạn tiết kiệm thời gian, công sức. Song đi theo lối của ai đó là cách tuyệt vời để tách rời con đường của chính mình, gia nhập cộng đồng ai cũng như ai.
Khi mới bắt đầu viết blog, mình muốn giúp người khác tìm thấy tiếng nói riêng. Sau đó, vô tình, mình lăn vào làn sóng của những cá nhân dạy người khác viết blog. Rất dễ đi theo đám đông thay vì tự đào sâu mà giữ lấy điều bạn thực sự muốn viết.
Dòng cuối: Nếu bạn có dòng chảy của sự ham hiểu biết bên trong trái tim, hãy để nó thúc bạn về phía trước. Đừng đánh mất bản sắc vào “điều tuyệt nhất” của người khác. Điều tuyệt nhất của người khác chưa chắc đã là điều tốt nhất cho bạn.
? 4. Thi thoảng mình tự hỏi việc viết lách này có ý nghĩa gì không
Tất cả thành viên trong gia đình minh đều cống hiến cho những chuyên ngành hữu ích. Cha là luật sư hôn nhân người luôn đưa ra lời khuyên tận tình cho khách hàng. Mẹ là nhà hoạt động xã hội với các gia đình hơn 40 năm, chị gái mình cũng là nhà hoạt động năng nổ với giới trẻ. Chồng mình là bác sĩ.
Mình là thành viên duy nhất không làm việc trực tiếp với ai hàng ngày. Do vậy mà đôi lúc băn khoăn liệu việc viết lách có quan trọng không. Mình muốn tạo nên ảnh hưởng với công việc này. Dẫu ham thích và viết tốt, thi thoảng bản thân vẫn phân vân như vậy có đủ.
Tuy nhiên mình đã đọc một bài blog giúp thế giới quan thay đổi. Mình ngấu nghiến cuốn tiểu thuyết khiến mình đặt câu hỏi về các giá trị niềm tin. Hoặc nghe podcast truyền hy vọng lẫn động lực. Tất cả giúp mình nhớ rằng điều mình làm có ý nghĩa, kể cả khi chưa nhìn thấy tác động của nó ngay lúc này.
Một điều khác cho mục đích công việc này là kể cả khi không ai đọc bài viết của mình thì viết, chính nó giúp mình biến đổi và dạy tác giả điều gì đó. Nhất là khi viết nội dung với sự chân thành pha nét độc đáo. Nếu viết lách tác động lên mình, đó đã là một ý nghĩa rồi.
? 5. Bạn không thể là tác giả mà không trải qua sự từ chối
Bất kể thể loại nào đang theo đuổi, bạn sẽ đối mặt với sự từ chối một giai đoạn nào đó. Mình từng có bản thảo bị gạch thẳng thừng. Khách hàng biên tập và thay đổi hoàn toàn nội dung mình gây dựng. Mỗi khi gửi mail trong danh sách, vài người lại unsubcribe.
Bài viết mình từng đọc, kể cả tốt nhất, đều nhận vài nhận xét tiêu cực trên Goodreads. Các bài viết hoạt động sôi nổi nhất, khiêu khích nhất luôn có người phàn nàn bên dưới.
Trở thành người viết lách giúp mình trở nên cứng cỏi hơn trước lời đàm tiếu và đối phó cảm giác bị khước từ, mặc dù chẳng dễ dàng gì. Mặt khác, càng bị từ chối nhiều, mình càng nhận ra điều đó không đáng sợ nữa. Viết lách không phải con người mình, họ không thích tác phẩm, không có nghĩa họ ghét luôn tác giả. Mà kể cả họ không thích thì cũng chẳng sao. Chú cún của mình vẫn luôn yêu mình, dù có ra sao.
Trở nên thoải mái với việc bị từ chối cũng khiến mình đón nhận rủi ro tốt hơn – cả trong công việc lẫn cuộc sống. Đời mình nhờ vậy trở nên phong phú hơn.
? 6. Là người viết lách cần khả năng tự kỷ luật gắt gao
Mình có thể nằm ườn xem TV với đống quà vặt mỗi ngày, bởi đâu có sếp đốc thúc. Song đồng nghĩa với việc phải tự động viên bản thân nhấc người ngồi xuống làm việc. Nếu có deadline thì ổn, hoặc không, thật dễ để trì hoãn mọi thứ. Việc dọn dẹp căn bếp hấp dẫn hơn là làm dự án xuất bản. Thi thoảng, mình muốn nghe podcast rồi mộng mơ về sự nghiệp viết lách huy hoàng hơn là thực sự đặt bút. Đôi lúc, mình buông bản thân khỏi sự gò ép. Tuy vậy, đa số thời gian mình vẫn làm việc kể cả khi không ai đốc thúc, đó là sự lựa chọn. Hay còn là sức mạnh của sự tự nhận thức.
? 7. Quá dễ để không có tư cách trở thành người viết lách
Mình đã làm nghiệp viết cả đời rồi, thậm chí theo đuổi cả tấm bằng. Nhưng thi thoảng vẫn nghĩ “Mình đã đủ tư cách để trở thành một tác giả chưa?” “Mình có đủ khả năng giúp người khác luyện viết hay không?”
Mình tự tin với khả năng ngoáy bút. Song cũng quen nhiều người tìm mọi cách để chối bỏ tư cách trở thành tác giả. Họ nói “Chà, mình viết blog, nhưng không hẳn là tác giả” hay “Mình chưa xuất bản ấn phẩm nào nên không phải tác giả đâu”.
Không như những lĩnh vực khác cần bằng cấp, bạn có thể gắn thêm vài chức danh đầu tên của mình, chẳng có bằng cấp cụ thể nào để trở thành tác giả cả. Nghĩa là bạn có tư cách trở thành tác giả theo nhiều định nghĩa. Hãy tự tin tuyên bố “Mình là một tác giả”. Và đúng bạn là như thể, kể cả khi chỉ trong câu chuyện của riêng bạn mà thôi.
? 8. Mặc cho mọi khó khăn, mình vẫn là người viết lách
Chân thành mà nói, mình không cưỡng lại được. Như thể luôn có giọng nói bên trong thúc mình phải viết. Nếu không động bút trong thời gian dài thì sẽ có cảm giác không thoải mái. Trở thành người viết lách là một phần của mình, như việc sinh ra là con gái cùng mái đầu xoăn vậy.
Mình chia sẻ những điều khó khăn, trần trụi trên khi bởi vài lý do:
1. Mình muốn dọn dẹp đống hỗn độn, cho bản thân không gian viết với sự sáng sủa và có chiều sâu hơn.
2. Mình tin rằng những góc khuất cũng quan trọng như những tia sáng của cùng một vấn đề vậy.
3. Mình nghĩ bạn cũng trải qua những điều tương tự. Nếu thế, chúng ta sẽ vượt qua mọi thứ cùng nhau.
Sau đây là vài điều gửi tới mình của tương lai.
Hoàn toàn bình thường nếu cậu cảm thấy cô đơn, trống rỗng, bị từ chối và nản lòng khi theo nghiệp viết lách.
Điều giữ cậu đi tiếp, hơn tất thảy mọi thứ, chính là tiếng nói nội tâm của cậu, tiếng nói khôi hài, đầy đam mê sáng tạo ấy đang thầm thì “Mình có ý tưởng này”. Dỏng tai lên, giọng nói của bạn muốn được lắng nghe.
?Source: danielauslan
?Translator: Thu Ròm
⚠ Bản quyền nội dung bài viết thuộc về Love Books Love Life. Yêu cầu không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.
⚠ Hãy tôn trọng tác giả bằng cách khi Re-post chú thích ghi nguồn đầy đủ!”
“Love Books Love Life – Lắng nghe để sẻ chia”