Contact Information

Hanoi

We Are Available 24/ 7. Call Now

Sách – [Experience]

Bất kỳ ai trong số chúng ta cũng đã từng có lúc trải qua một ngày thật dài với thời gian biểu không còn một chỗ trống. Công việc dường như đang vắt kiệt dần sức lực của bạn và bạn hoàn toàn mệt mỏi. Những lúc như vậy, thật quý giá nếu như có vài lời hỏi thăm từ bạn bè, vài lời động viên từ người thân. Chỉ chừng ấy sự xoa dịu cũng khiến ta cảm thấy nhẹ nhõm hơn, vơi bớt nỗi lòng hơn, sẵn sàng đón một ngày tiếp theo cũng vất vả không kém.

Tuy nhiên, trong “Mặc kệ thiên hạ, sống như người Nhật”, Mari Tamagawa lại viết: “Khi mệt mỏi đừng có cố gắng tìm kiếm sự xoa dịu.”

? Khi mệt mỏi, đừng tìm kiếm sự xoa dịu?

Luận điểm này được Mari Tamagawa đưa ra ở chương II, khi tác giả đang muốn chứng minh rằng xoa dịu chỉ là nhất thời, xoa dịu chỉ khiến ta nặng nề hơn. Ở luận điểm này, Tamagawa có đưa ra một vài lập luận rằng “Sự xoa dịu chỉ có thể giúp bạn thư thả được trong phút chốc nhưng không có nghĩa sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề” hay “trên thực tế, không bệnh nhân nào đến khám ở chỗ tôi có thể hồi phục hay xóa bỏ lo âu chỉ dựa vào sự xoa dịu.” Ý của tác giả ở đây là phủ định gần như hoàn toàn vai trò của sự xoa dịu, cũng như khuyên mọi người nên dừng tìm kiếm sự xoa dịu mỗi khi mệt mỏi.

Tiếp theo đó, tác giả khẳng định nếu như bạn tìm kiếm sự xoa dịu thì bạn có thể sẽ bị “nghiện” và lần khủng hoảng tiếp theo, bạn lại muốn được xoa dịu nhiều hơn. “Đau khổ và mong muốn được xoa dịu là một vòng tuần hoàn vô tận. Nhiều mối bận tâm ập đến bủa vây => cố gắng tìm kiếm sự xoa dịu để giải tỏa stress => khủng hoảng vì không giải quyết được hiện thực => tiếp tục mong muốn được xoa dịu nhiều hơn.”

Ngoài ra, Mari Tamagawa cũng cho rằng xoa dịu là “bẫy rập” vì sau khi được xoa dịu, vấn đề của bạn không biết mất mà bạn còn lấn sâu hơn vào mê cung của chính mình. Cuối cùng, tác giả “chốt sổ” chắc nịch rằng “Hãy nhớ rằng, càng cảm thấy khổ sở, bạn càng không được tìm đến sự xoa dịu.”

Đó là lý do vì sao “Mặc kệ thiên hạ, sống như người Nhật” là một trong những cuốn DNF (Do Not Finish – không đọc hết) của mình và mình thật sự không thích nó. Về cách lên luận điểm và cách triển khai các lập luận, quả thực là nhiều lỗ hổng, vòng vo và có nhiều chỗ mình muốn bác bỏ. Luận điểm trên chính là một điển hình.

? Nếu bạn mệt và cần được xoa dịu, thì cứ làm thôi!

Thật ra ý của tác giả cũng có cái đúng. Mari Tamagawa muốn truyền đạt rằng không phải lúc nào xoa dịu cũng là biện pháp hay. Khi bạn thất bại, bạn khủng hoảng, bạn cần có những giải pháp tốt hơn, đầu tư vào bản thân hơn và cần rắn rỏi, kiên cường hơn thay vì chỉ tìm kiếm sự an ủi, vỗ về. Tác giả người Nhật muốn độc giả của mình không trở thành một con sâu mít ướt, phụ thuộc vào lời động viên, an ủi của người khác giống như một vài người lính bà từng chữa trị trong quân đội, mà muốn họ độc lập, mạnh mẽ hơn.

Nhưng đây là mình đang cố hiểu ý của tác giả theo cách tích cực nhất, theo nghĩa sáng nhất có thể, vì mình không phải đứa ai bảo gì thì sẽ nghe nấy hay đọc gì thì sẽ học theo. Thế còn với những bạn ít tuổi hơn, còn non hơn, kĩ năng sống kém hơn và suy nghĩ đơn giản hơn, nếu họ đọc những điều mà Mari Tamagawa viết, họ sẽ thế nào?

Theo báo cáo của WHO, 10-20% trẻ em và vị thành niên đang mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Một nghiên cứu được thực hiện tại các tỉnh miền Bắc trên trẻ vị thành niên (2012) sử dụng thang đo Youth Self Report (YSR) cho kết quả đáng báo động khi so sánh kết quả nghiên cứu với các quốc gia khác, thấy rằng Việt Nam xếp cao nhất trong số các quốc gia được nghiên cứu, nghiên cứu kết luận được 18% trẻ trong nghiên cứu gặp ít nhất một trong tám triệu chứng về rối nhiễu tâm lý được đề cập trong thang đo YSR: Lo âu/trầm cảm, Thu mình/trầm cảm, Bệnh tâm thể, Vấn đề xã hội, Vấn đề suy nghĩ, Vấn đề chú ý, Hành vi hung tính, Phá bỏ quy tắc.

Đây chỉ là một trong rất ít số liệu về stress ở trẻ em và trẻ ở tuổi vị thành niên mà mình đọc được. Chưa kể trong cuộc sống sinh hoạt, nhiều bạn còn gặp nhiều áp lực nhỏ, dần dần dồn nén lại thành áp lực lớn hơn, gây nên stress ở dạng nhẹ. Điều chúng ta quan tâm ở đây là, những bạn nhỏ này đã biết cách đầu tư cho bản thân để cứng rắn, mạnh mẽ hơn như Mari Tamagawa nói không? Hay chúng đơn giản chỉ cần sự quan tâm của mọi người xung quanh, sự vỗ về, an ủi từ những người thân yêu nhất? Trong những trường hợp như vậy, sự xoa dịu có xấu và tệ như Tamagawa nói?

Nếu như học theo điều tác giả người Nhật viết, thì khi gặp khủng hoảng, bạn không tâm sự với người khác, không tìm kiếm một lời lo lắng, hỏi han. Mà thay vào đó, bạn thu mình vào, suy nghĩ nhiều hơn, cố vực dậy bản thân để trở nên kiên cường, rắn rỏi hơn. Ồ, mình không muốn nói nó giáo điều nhưng thực sự luận điểm này của Tamagawa chỉ là lý thuyết suông thôi, xin đừng một ai học theo cả, rồi bạn sẽ càng ngày càng sa vào vực thẳm của lo âu, sợ hãi và tuyệt vọng mất.

Nếu bạn mệt và cần được xoa dịu, thì hãy cứ làm thôi! Chẳng một ai cấm được nhu cầu muốn được an ủi, vỗ về của bạn cả. Được động viên, bạn sẽ ngừng dằn vặt và chán ghét bản thân nữa đúng không? Được an ủi, bạn thấy nhẹ nhàng và yêu đời hơn một chút đúng không? Được hỏi thăm, bạn hiểu được mình không vô dụng và kém cỏi như bạn nghĩ đúng không? Ôi, vậy thì hà cớ gì sau khi đọc vài dòng phiến diện trong một cuốn sách, bạn lại phải ngừng tìm kiếm sự xoa dịu cơ chứ?

Bạn thân yêu à, một ngày 24 tiếng, ai trong số chúng ta chẳng có những lúc đuối sức và buồn rầu. Nhưng bạn bè của chúng ta vẫn ở đó, gia đình của chúng ta vẫn ở đó, vẫn luôn dang rộng vòng tay để đón bạn về sau ngày dài mệt mỏi. Bạn có thể khóc, kêu than, họ sẽ chẳng bao giờ trách móc bạn. Những người yêu thương bạn sẽ luôn biết cách để trở thành hậu phương của bạn, để khi bạn kiếm tìm một lời xoa dịu, họ sẽ cho bạn những lời xoa dịu chân thành nhất. Hãy mở lòng ra để thấy rằng không phải cứ tỏ ra mạnh mẽ, kiên cường đã là tốt. Đó chỉ là gồng, là gượng ép. Đừng giấu diếm những tâm sự của bạn, đừng che lấp những nỗi niềm của bản thân. Việc bạn chia sẻ và được người khác lắng nghe, an ủi, cho lời khuyên sẽ tốt hơn nhiều so với việc bạn thu mình lại và giữ một thế giới riêng cho mình.

Đọc sách là tốt. Tiếp thu từ sách là tốt. Nhưng bạn cần có tiếp thu chọn lọc và tư duy phản biện lại những điều bạn không thấy nó đúng. Như nhận định của Mari Tamagawa, bản chất nó không hoàn toàn sai, chỉ là cách lập luận của tác giả quá tiêu cực và không phù hợp với chúng ta – những con người hàng ngày đều phải chịu đủ áp lực công việc, tài chính, học hành,… Con người mặc dù đứng đầu chuỗi thức ăn nhưng bản chất bên trong vẫn luôn đa sầu đa cảm và yếu đuối trước hàng trăm sức ép từ ngoại cảnh. Vậy nếu như bạn cần được xoa dịu, hãy tìm đến người thân của mình. Nếu cảm thấy vẫn không đủ, hãy tìm đến các bác sĩ tâm lý có năng lực và uy tín. Không việc gì bạn phải gồng mình để tỏ ra mạnh mẽ. Cho ai xem đây?

Bạn phải yêu bản thân mình trước đã.

? Author: Rosie.
 Editor: Nam LB.

 Bản quyền nội dung bài viết thuộc về Love Books Love Life. Yêu cầu không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.
 Hãy tôn trọng tác giả bằng cách khi Re-post chú thích ghi nguồn đầy đủ!

“Love Books Love Life – Lắng nghe để sẻ chia”

Share:

Nguyễn Nam

administrator

1 Comment

  • Avatar

    conta da binance, 5 Tháng Mười Hai, 2024 @ 3:08 chiều Reply

    Thank you for your sharing. I am worried that I lack creative ideas. It is your article that makes me full of hope. Thank you. But, I have a question, can you help me?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *