Sách – [Fact]
Đôi dòng tóm tắt
Còn truyện ngắn “Bến quê” viết về nhân vật tên Nhĩ. Nhĩ là người đàn ông từng đi nhiều vùng đất nhưng cuối đời lại bị cột chặt vào giường bệnh. Nhìn sang bãi bồi bên kia sông nơi bến quê quen thuộc, anh mới nhận ra vẻ đẹp bình dị, gần gũi của quê mình. Cũng khi trên giường bệnh, anh mới cảm nhận được nỗi vất vả, tình thương, đức hi sinh của vợ mình. Nhĩ khát khao đặt chân lên bãi bờ bên kia sông nhưng bệnh tật không cho phép, anh nhờ đứa con trai đi. Đứa con không hiểu ước muốn của cha, nó miễn cưỡng đi và bị hút vào trò chơi hấp dẫn trên đường làm lỡ chuyến đò ngang duy nhất trong ngày. Từ đó, Nhĩ chiêm nghiệm được cái quy luật đầy nghịch lý “con người ta khó tránh được cái vòng vèo, chùng chình, phải dứt ra khỏi nó để hướng tới những giá trị đích thực của cuộc sống”.
Khi nỗi khổ đau cũng là cái đẹp
Love Books Love Life nhận thấy nỗi khổ đau mà Nguyễn Quang Sáng bày ra trước chúng ta qua “Chiếc lược ngà” là một tình cảm vốn là chân lý bỗng trở thành nghịch lý, một quy luật vốn đã quá rành rọt lại ẩn chứa những góc khuất không ngờ, một tình phụ tử ruột thịt lại bị hiện thực từ chối. Bi kịch của nhân vật anh Sáu là 8 năm ròng nơi trận mạc ấp ủ ước muốn được nghe một tiếng “ba” yêu thương từ đứa con gái nhưng ngày sum họp nó lại nhất quyết khước từ. Bi kịch của nhân vật bé Thu là 8 năm ròng thiếu vắng bàn tay cha, ấp ủ một tiếng “ba” thiêng liêng, tôn thờ một người ba của quá khứ mà lỡ làm nát tan trái tim người ba thực sự. Chưa bao giờ một tiếng gọi thân thuộc lại trở nên khó khăn đến thế. Chưa bao giờ, tình thân của những con người ruột thịt dành cho nhau hoá ra cũng là một sự cất giấu. Anh Sáu không ngừng nhận về những tổn thương chỉ mong con bé chấp nhận mình. Bé Thu không ngừng bảo vệ người cha lý tưởng của nó khỏi những thương tổn mà nó cho là do người đàn ông mặt thẹo gây ra. Con người như lạc lối trong mê cung của định mệnh, càng tìm càng không thấy, càng gần mà hoá lại càng xa.
Ban đầu là cái nhìn xa lạ rồi vụt chạy, sau là những lần đối đáp cố để Thu gọi anh Sáu một tiếng ba nhưng không thành, để đỉnh điểm đẩy lên là cái đánh vào mông con của anh Sáu vì quá nóng giận. Mâu thuẫn tưởng như không thể hoá giải. Theo Love Books Love Life, niềm đau mà Nguyễn Quang Sáng gợi lên ấy, có chăng là niềm đau chung mà con người phải gánh chịu trong thời chiến. Những con người bị tàn phá bởi chiến tranh nhưng tâm hồn chưa từng thay đổi. Nhưng chỉ vì chiến tranh mà tình thân vốn có bỗng trở nên xa lạ, và để tìm lại được phải trải qua một chặng đường dài. Con người ta để đi từ cái chết về với sự sống đã là một hành trình tưởng như chẳng thể khó khăn hơn. Thế mà hành trình tìm lại tình thân, có lẽ nó còn đớn đau hơn bội phần.
Và rồi đến khi tìm ra nhau, thì định mệnh nghiệt ngã lại cướp họ khỏi nhau một lần nữa. Tiếng ba đầu tiên bé Thu cất lên khiến anh vừa xúc động, vừa đau đến rụng rời. Ngày anh Sáu về, con bé nhìn anh kêu thét lên làm trái tim anh tan nát. Ngày anh Sáu đi nó lại thét lên một lần nữa, lần này, là làm nát tan trái tim của tất thảy mọi người. Ngày anh về con bé một mực chối từ. Ngày anh đi nó lại dùng hết hơi sức mình mà gồng lên níu giữ. Trái tim bé bỏng của nó phập phồng một tình thương mãnh liệt. Tâm hồn non nớt của nó ngân lên những rung cảm không cất thành lời. Rung cảm của niềm vui sướng, của niềm ân hận hay nỗi sợ hãi, hay là tất cả vì dường như tâm hồn trẻ dại ấy linh cảm được, nó phải níu giữ một thứ nó có thể lại mất đi. Con người bỗng trở nên mong manh đến vô cùng mong manh. Và cuộc đời, có lẽ chưa bao giờ nghiệt ngã đến thế.
Còn đối với “Bến quê” của Nguyễn Minh Châu, Love Books Love Life thấy rằng nhà văn đã để cho nhân vật ngụp lặn trong chính nỗi đau khổ mà bản thân gây nên. Nhĩ có thể nói là người đã đi hết khắp mọi hang cùng ngõ hẹp trên thế gian. Nhưng nghịch lý mà đến cuối đời anh mới nhận ra, chính là cái bãi bồi bên kia sông, cái nơi mà anh cho là thân thuộc như da thịt, như hơi thở, lại là nơi anh chưa hề đi tới. Dù chưa bao giờ đặt chân đến, nhưng anh có cảm nhận về nó rất rõ nét, “cái màu vàng thau xen lẫn với màu xanh non”, sự vận động của cánh buồm sang bên này sông, và tưởng tượng ra hình ảnh “mình trong tấm áo màu trứng sáo và chiếc mũ rộng vành, như một nhà thám hiểm đang chậm rãi đặt từng bước chân lên cái mặt đất dấp dính phù sa”. Ta thấy anh như đang căng mình ra để cố thu nhặt về tất cả những gì còn có thể, giống như một sự cứu vãn trong tuyệt vọng, sự cố sức của một ánh nến sắp tàn.
Nhĩ có lẽ trách bản thân nhiều, vì không nhận ra vẻ đẹp kia sớm hơn, vì đã bỏ lỡ quá nhiều thứ, trong đó, có cả người vợ thương yêu anh. Anh sống với vợ suốt một đời người, thế mà đến cuối đời, anh mới nhận ra vẻ đẹp ấy. Anh chưa từng để ý những bước chân cô đi trên bậc thang, những lời dặn dò con dịu dàng thân thuộc, từng cử chỉ hành động, anh chưa từng để ý kĩ đến thế. Đó là một bất hạnh, khi con người ta không còn quá nhiều thời gian, nhưng lại bỏ qua quá nhiều điều. Nhĩ vẫn luôn giữ cái dáng vẻ trầm ngâm ấy, nhưng tâm của anh chăng có bình thản như cách anh biểu hiện. Hay nó giằng xé, nó dữ dội, nó tiếc nuối? Vì đã ngỡ mình có tất cả, nhưng thực ra lại chẳng có gì. Ngỡ rằng chẳng còn gì mình chưa biết, nhưng ngờ đâu lại đánh rơi mất quá nhiều. Nó có cao sang đâu. Chỉ là tình yêu của một người vợ với chồng thôi. Chỉ là cái chốn bình yên bé nhỏ ở một góc khuất của trái đất nhưng thân thuộc thôi. Quen thân thế cơ mà! Gần gũi thế cơ mà! Cớ sao không nhìn thấy? Có lẽ cứ là những gì lớn lao, Nhĩ sẽ chẳng cắn dứt nhiều đến thế. Có lẽ cứ là một thứ gì đó khó chạm với, Nhĩ sẽ dễ dàng thoả hiệp với lòng mình. Nhưng vì nó là những điều anh đáng ra phải nhận thấy từ rất lâu, nhưng mãi đến khi không còn hơi sức nữa mới chợt sực tỉnh nên con người ấy, tâm hồn ấy, mới đau đáu những nỗi niềm, để rồi phải bật ra thành lời với vợ: “Suốt đời anh chỉ làm em khổ, mà em thì cứ nín thinh”. Nhĩ xa xót, Nhĩ nhận ra cái vô nghĩa trong một đời người, cái rỗng tuếch nơi những kỳ quan tưởng như không gì sánh bằng anh đã đặt chân qua. Hiện thực có tàn nhẫn. Nhưng dẫu sao những nhà văn vẫn lựa chọn để nhân vật của mình đối diện với nó, để con người nhận ra, mình được và mất những gì, để con người nhìn thấy nỗi khổ đau không chỉ ở một người, và để con người nhìn thấu bản chất thực sự của cuộc đời.
Văn chương mở ra cánh cửa niềm tin sống, khát vọng yêu
Đối với truyện ngắn “Chiếc lược ngà”, Nguyễn Quang Sáng đã chỉ cho chúng ta thấy rõ điều này khi tình phụ tử của cha con anh Sáu trở thành bất tử. Không ai phủ nhận chiến tranh đau thương, tàn nhẫn. Không ai phủ nhận vết tích chiến tranh để lại là vô cùng lớn. Không ai phủ nhận chiến tranh có thể bắt những con người yêu thương nhau phải rời xa nhau mãi mãi. Nhưng từ những đau thương mà chiến tranh để lại, Nguyễn Quang Sáng lại nâng niu và để một mầm xanh mọc lên, mầm xanh của tình yêu, của niềm tin vào một cuộc sống thời chiến. Cái mầm xanh ấy được gieo xuống khi giọt nước mắt trào ra nơi khoé mắt anh Sáu khoảnh khắc bé Thu gọi anh một tiếng “ba”. Giọt nước mắt đầu tiên rơi xuống sau 8 năm ròng chất chồng những nhớ thương, sau 3 ngày tưởng như đau đớn nhất của cuộc đời. Giọt nước mắt ấy là kết tinh của tình yêu, niềm thương, nỗi nhớ, của sự hi sinh, của nỗi niềm một người cha luôn canh cánh một tình phụ tử chưa trọn. Nó chứa đựng cả đắng cay, tủi cực anh Sáu dồn nén bấy lâu. Nó cất giấu cả niềm hạnh phúc anh Sáu không thốt thành lời. Sự kết tinh của bi kịch và hạnh phúc ấy, là sự bất diệt của một tình phụ tử mãi trường tồn. Và cả lời hứa “Ba đi rồi ba về với con”, lời hứa mà đến cả người nói ra cũng cảm thấy rõ sự mong manh của nó, lời hứa chắc nịch nhưng lại có cảm giác chỉ cần chạm nhẹ là nó sẽ mãi biến đi. Nhưng dù có được thực hiện hay không, thì nó cũng là niềm tin, là điểm tựa mà những con người ấy chọn để dựa vào, để thêm khát vọng sống. Chi tiết chiếc lược ngà anh Sáu trao tay anh Ba trước lúc hi sinh càng khẳng định rõ hơn sức mạnh của con người, vượt lên tất thảy ranh giới dù là cái chết. Rõ ràng, cha con họ đã chiến thắng, chiến thắng cái chết và sự chia lìa. Không một thế lực nào có thể phai mờ đi tình phụ tử mãnh liệt trong họ và chiếc lược ngà kia, chính là minh chứng thiêng liêng nhất.
Còn ở “Bến quê”, Love Books Love Life nhận ra niềm tin và tình yêu cuộc sống mà Nguyễn Minh Châu gieo vào người đọc chính là những hành động tưởng chừng là sự cứu vãn trong vô vọng của Nhĩ trước nghịch cảnh. Cái “mong muốn được đi Thành phố Hồ Chí Minh một chuyến của Nhĩ” khi đến nhúc nhích trên giường còn khó khăn có phải chỉ là câu nói đùa mà Liên (vợ Nhĩ) cho là thế, hay thực chất lại ẩn chứa một ước muốn bù đắp và được bù đắp? Bởi vẻ đẹp của Liên khiến Nhĩ nhận ra hạnh phúc giản dị và nhỏ bé đến không ngờ. Nó luôn hiện diện xung quanh ta, thôi thúc Nhĩ phải làm một điều gì đó. Một cái gì đó lớn đến mức trở thành khát vọng bù đắp cho những tủi cực Liên đã âm thầm giữ lấy, và để Nhĩ nhận được sự bù đắp cho sự vô tâm đến vô tình của anh. Và ta giật mình trước “cánh tay gầy guộc ra phía ngoài cửa sổ khoát khoát” của Nhĩ. Ta nhận ra đó không chỉ là lời nhắc nhở anh con trai đang mải mê với trận cờ mà còn dội vào trong mỗi chúng ta một bài học và triết lý sống sâu sắc, thức tỉnh mỗi con người về cái vòng vèo chùng chình của cuộc đời, về giá trị đích thực của cuộc sống. Dường như con người ta cứ càng bị dồn đẩy lại càng thêm tin yêu, càng tuyệt vọng lại càng thêm khát vọng. Các tác giả đã chứng minh, con người dám sống sâu trong khổ đau để thấm thía hơn bao giờ hết tình yêu cuộc đời, để nhận ra bản chất cuộc đời, để càng thêm trân quý những giá trị đích thực của cuộc đời. Hay nói như Thạch Lam, văn học đã đem đến cho chúng ta “những bài học trông nhìn và thưởng thức”.
Những cây bút tài năng
Bên cạnh cái tài, các nhà văn đặc biệt còn có cái tâm, ấy là bản chất giàu xúc cảm. Những tâm hồn luôn vì con người và hướng tới con người. Những tấm lòng luôn rộng mở, đón nhận những âm vang của đời sống, để ý và quan tâm sâu sắc tới tất cả những chuyển biến xung quanh, vươn tới sự đồng cảm, sẻ chia với bao cuộc đời khác. Quả thực, bao nhiêu tình yêu cũng như nỗi đau đớn hết sức nhạy cảm trong tâm hồn người nghệ sĩ là bấy nhiêu chất men thực sự của sáng tạo nghệ thuật. Chính bởi thế mà qua lăng kính của các tác giả, văn học có khả năng to lớn và kì diệu trong việc tác động vào nhận thức, tư tưởng, tình cảm của con người.
? Writers: Susan.
✍ Editor: Nam LB.
⚠ Bản quyền nội dung bài viết thuộc về Love Books Love Life. Yêu cầu không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.
⚠ Hãy tôn trọng tác giả bằng cách khi Re-post chú thích ghi nguồn đầy đủ!
“Love Books Love Life – Lắng nghe để sẻ chia”