Sách – [Review]
“Dặm xanh” – Con đường của sự giải thoát
“Dặm Xanh” – thoáng nghe thì người ta dễ liên tưởng đến một đồng cỏ xanh ngát, rộng lớn, bao la. Nhưng thực chất nó là từ lóng mà nhân vật Paul cùng đồng nghiệp dùng để chỉ con đường lót vải sơn màu xanh, đi từ buồng giam của tử tù rẽ phải đến phòng thi hành án – nơi có chiếc ghế điện “Old Sparky” và những tiếng rên rỉ đầy đau đớn. Stephen King đã lấy tên của con đường này làm tiêu đề cho tác phẩm của mình: “Dặm Xanh” (The Green Mile) – một trong những tiểu thuyết kinh điển của văn học thế giới.
? Con đường đến cái chết
“Dặm Xanh” lấy bối cảnh xã hội miền Nam nước Mỹ đầy loạn lạc, bi quan và tiêu điều trong cuộc khủng hoảng kinh tế những năm 30 của thế kỷ trước. Các sự kiện trong sách chủ yếu diễn ra tại nhà tù tiểu bang ở Cold Mountain và tất cả đều dưới góc nhìn của trưởng trại tử tù Paul Edgecombe. Paul cùng với những nhân viên cấp dưới của mình – Dean, Harry, Brutus và phản diện Percy thực hiện quản giáo phạm nhân bị kết án tử hình và đưa họ đi qua chặng đường “Dặm Xanh” cuối cùng. Nhiều người trong số họ không thích công việc này, họ chán ghét và dằn vặt bản thân bởi cảnh phải thường xuyên thấy tử tù bị hành quyết trên ghế điện. Thậm chí khi miếng bọt biển đặt trên đầu tử tù không được thấm nước, cái mùi ghê rợn của thịt người cháy sẽ ám ảnh người ta đến “5 năm sau”.
Tại phòng giam này, những con người mới xuất hiện và rồi lại ra đi sau khi bước qua Dặm Xanh, mang tới những câu chuyện khác nhau và cả những tình cảm khó ngờ đến. Đó là tình bạn trớ trêu, kỳ lạ giữa tên giết người Delacroix và một chú chuột thông minh hơn bình thường – Mr. Jingles. Đó là tình cảm khăng khít của gia đình Paul và gia đình cai ngục Hal Moores. Đó là tình đồng nghiệp, tình vợ chồng,… và hơn hết, đó còn là tình người. Đẹp hơn cả “tình bạn”, là sự thấu hiểu, cảm thông của các sĩ quan trong phòng giam đối với John Coffey – một người đàn ông da đen khổng lồ, nhem nhuốc và chằng chịt vết sẹo nhưng có tính cách nhút nhát, ít nói trái ngược với vẻ ngoài.
John bị kết án tử hình vì tội cưỡng hiếp và sát hại hai cô bé da trắng. Chi tiết này khiến mình nhớ đến “Giết con chim nhại” của Harper Lee. Nhưng trong “Dặm Xanh”, không có một luật sư da trắng nào đứng lên bào chữa cho John, cho sự vô tội và lòng nhân hậu cao cả của anh. Suốt nửa đầu câu chuyện, John chỉ xuất hiện với một hình hài to đến “thô thiển” nhưng lại sợ bóng tối, đôi khi khóc trong đau khổ và hay nói “Tôi mệt rồi, sếp.” Càng về sau, năng lực siêu nhiên của John mới được đặc tả rõ ràng, đồng thời những bí ẩn và oan ức của anh mới được Paul cùng đồng nghiệp hiểu rõ. Đó cũng chính là lý do mà người đọc không thể cầm được nước mắt khi lật đến trang sách cuối cùng.
? Con đường của sự giải thoát
“Dặm Xanh” là câu chuyện về những con người không cùng sắc tộc, địa vị, hoàn cảnh, trong dãy nhà lao lạnh lẽo như một xã hội thu nhỏ, làm dấy lên những ký ức về một nước Mỹ đáng buồn trong thời kỳ Đại suy thoái. Sự xuất hiện của John như một món quà Chúa mang đến cho nhân loại, nhưng người ta lại coi anh là tên tội đồ, bệnh hoạn chính bởi bề ngoài to lớn, đen đúa, ngờ nghệch của anh. Hình tượng nhân vật người da màu tốt bụng, thật thà, chấp nhận thân phận thấp hèn trong xã hội rất điển hình trong sách và phim Hollywood những năm đầu thế kỷ 20, khi mà những tiến bộ xã hội về quyền bình đẳng bắt đầu diễn ra nhưng chưa triệt để. Đó là lý do John luôn cảm thấy lẻ loi, mệt mỏi và cho rằng sự tồn tại của mình chính là tội ác lớn nhất. “Tôi mệt rồi, sếp. Tôi mệt vì phải đi một mình, cô độc như con chim sẻ trong mưa. Tôi mệt vì không có đồng loại để chỉ đường dẫn lối. Và nhất là, tôi mệt vì người ta cứ mải chơi xấu nhau. Tôi mệt vì những nỗi đau mà mình cảm thụ mỗi ngày. Quá nhiều. Như ngàn vạn mảnh kính vỡ trong đầu tôi vậy… Sếp có hiểu chăng?” – từng lời của John như xé tâm can người đọc. Và đó cũng là lúc chúng ta nhận ra rằng, quãng đường Dặm Xanh mà anh sắp bước qua kia, đối với John, chính là sự giải thoát.
Áp giải tội phạm qua Dặm Xanh, cầu nguyện, đưa lên chiếc ghế điện Old Sparky, đọc lời buộc tội, tiến hành nâng cầu dao điện, tất cả cứ lặp đi lặp lại như một hành trình đưa tử tù đến địa ngục. Nhưng suy cho cùng, tất cả phạm nhân khi vượt qua Dặm Xanh và bước lên chiếc ghế điện, bản thân họ đã rũ bỏ tất cả để tìm đến sự cứu rỗi cho linh hồn của mình. Ở thực tại xã hội này, khi mà con người lợi dụng tình thương để giết người, khi sự giúp đỡ trở thành tội ác, khi kẻ xấu ở khắp mọi nơi và sẵn sàng “gắp lửa bỏ tay người”, thì sự tồn tại của John chỉ mang lại nỗi đau cho anh mà thôi.
“Ai trong chúng ta cũng có cho riêng mình một Dặm Xanh, nhiều người còn mong nó tới sớm hơn”. Stephen King đã lấy hình ảnh Dặm Xanh của trại giam để ẩn dụ cho đoạn đường của mỗi người trước khi chết. Con đường ấy dài hay ngắn là do tự ta cảm nhận. Nhưng ắt hẳn khi bước chân trên Dặm Xanh của cuộc đời mình, khi biết nơi mình sắp bước tới là cái chết, chúng ta đã sẵn sàng gạt bỏ tất cả để về với cát bụi. Đi qua Dặm Xanh, sẽ không còn phiền muộn, nhiễu nhương, bất công và đau khổ. Đi qua Dặm Xanh, sẽ thấy một vùng đất mới hạnh phúc, ấm áp, bình đẳng, bác ái hơn.
“Dặm Xanh” không phải là kết thúc, nó là sự giải thoát. Nếu là bạn, bạn muốn Dặm Xanh của mình dài bao lâu?
? Author: Rosie.
✍ Editor: Nam LB.
⚠ Bản quyền nội dung bài viết thuộc về Love Books Love Life. Yêu cầu không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.
⚠ Hãy tôn trọng tác giả bằng cách khi Re-post chú thích ghi nguồn đầy đủ!
“Love Books Love Life – Lắng nghe để sẻ chia”
1 Comment