Đọc – [Experience]
Một người bạn của Love Books Love Life đã từng có cơ hội được tới thăm quan một đơn vị xuất bản tư nhân nổi tiếng tại Việt Nam, giao lưu với những “bậc thầy phù thủy” đằng sau những tựa sách bán chạy nhất của công ty. Buổi nói chuyện xoay quanh lĩnh vực xuất bản đã đưa mình đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác, nhưng điều khiến bạn ấy ấn tượng nhất là câu hỏi cuối chương trình mà chị biên tập viên đưa ra: “Những ai ở đây đọc hơn 10 cuốn sách trong 1 năm?” Rất nhiều những cánh tay tự tin giơ lên. Bạn ấy cũng là một trong số đó, tự hào và đắc ý khi bản thân không hề kém cạnh với những người khác. Đến câu hỏi thứ hai: “Những ai ở đây đã đọc 1 cuốn sách hơn 10 lần?”. Lần này, chỉ có 1 cánh tay rụt rè giơ lên. Và kỳ lạ thay, điều đó đã thực sự thu hút sự chú ý của người đặt câu hỏi.
Điều đó thực sự khiến chúng mình không khỏi suy nghĩ về chuyện đọc sách. Bởi bao lâu nay, lợi ích của việc đọc nhiều sách ai cũng biết. Ai ai cũng khuyến khích nên đọc càng nhiều càng tốt. Mọi người thường ấn tượng với những người đọc nhiều sách, vì nghĩ rằng họ thông thái, hiểu biết sâu rộng, mà hiếm ai thực sự để tâm đến những tri thức, những bài học tâm đắc mà họ chiêm nghiệm được từ cuốn sách. Có bao giờ bạn từng thử nghĩ ở một khía cạnh khác, đọc sách quá nhiều cũng gây hại tương tự như việc không đọc một cuốn nào không? Dù đã từng nghĩ đến điều đó hay không thì hãy cứ đọc bài viết này để cùng Love Books Love Life tìm hiểu thêm nhé!
? Sách không phải là món đồ trang trí
Các phương tiện truyền thông đại chúng đã tiêm nhiễm vào đầu chúng ta quá nhiều về chuyện đọc sách cũng như văn hóa đọc, rằng hãy đọc thật nhiều để tích lũy tri thức, phát triển bản thân và được người khác tôn trọng. Những điều này không hẳn đã sai, nhưng vô hình chung lại khiến ta trở thành “kẻ cuồng sách”, mua sách một cách vô tội vạ mà không đụng tới hoặc đọc một cách hời hợt rồi xếp lên trên kệ để trang trí. Với sự phát triển của các kênh phân phối thương mại điện tử, việc mua sách càng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Vào đợt mùa xuân hoặc cuối năm, các sự kiện xả kho, hội chợ sách diễn ra với tần suất dày đặc, kèm theo những ưu đãi đặc biệt hấp dẫn đối với các mọt sách. Thừa nhận với Love Books Love Life đi, bạn hẳn đã từng ở trong tình trạng số lượng sách mua về nhiều hơn hẳn so với tốc độ đọc của mình phải không nào.
Hiện tượng này diễn ra phổ biến đến mức trong tiếng Nhật có hẳn một từ dành cho nó: “Tsundoku”. Tsundoku là những chồng sách để đấy mà không được động tới. Trên Goodreads, một trang web đánh giá sách tương đối nổi tiếng, nơi chủ sở hữu của các “Tsundoku” tụ tập lại thành “Hội những người giấu tên nghiện mua sách” để chia sẻ nỗi khổ của thói quen mua sắm kỳ lạ này. Một số người còn kể rằng, họ thậm chí còn phải giấu diếm gia đình mua sách để thỏa mãn cơn nghiện. Love Books Love Life cũng biết rằng, không chỉ ở Nhật, mà ngay cả ở Việt Nam, nhiều bạn cũng thường xuyên mắc bệnh “viêm màng túi” vì sách, nhỉ?
Love Books Love Life phải thú nhận rằng nhiều khi cũng không thể cầm lòng được trước những kệ sách đầy ắp, được sắp xếp một cách gọn gàng và tinh tươm. Còn gì hơn khi ngoài giờ làm việc căng thẳng, được về nhà, tắm rửa sạch sẽ, và dành cho bản thân khoảng thời gian riêng chỉ cho việc đọc sách. Việc lướt ngón tay trên những cuốn sách xinh xẻo, đủ màu sắc, được hít hà mùi giấy mới thơm phức quả thực rất dễ chịu (và cảnh báo dễ gây nghiện!). Nhưng bạn hãy trung thực với bản thân mình. Tất cả chỉ là những cảm giác do não bộ đánh lừa chúng ta mà thôi. Hãy trả lời câu hỏi: Bạn thực sự yêu thích sách, hay bạn yêu cảm giác xếp nhiều sách lên kệ? Vậy nên, nếu bạn còn cho rằng kệ sách chỉ là một món đồ cầu kỳ trang trí cho tri thức thì hãy nhanh chóng bỏ ý nghĩ ấy đi nhé! Sách vẫn chỉ là sách, là phương tiện truyền đạt tri thức. Hãy đem cho bớt, hoặc bán những cuốn sách không đụng tới lâu năm trên kệ, để “dọn dẹp” chiếc kệ và trí óc mình, để dành khoảng trống cho những cuốn sách bạn thực sự muốn và cần nhé!
? Đọc sách quá nhiều sẽ khiến bạn đi theo lối mòn nhận thức
Đây chẳng phải là thứ đi ngược lại với giá trị mà sách mang lại sao? Chắc hẳn các bạn sẽ thắc mắc với Love Books Love Life rằng, đọc sách để mở mang tư duy, sao lại làm “thui chột” đầu óc con người được. Tất nhiên, việc đọc sách thực sự giúp chúng ta tiếp cận với những nguồn tri thức dồi dào. Khi hấp tấp chạy theo số lượng, ta chỉ đơn thuần đọc ở cấp độ thấp nhất, là đọc hiểu trên con chữ. Nhưng việc “nhồi nhét” quá nhiều sách vào đầu sẽ làm bạn dễ dàng mắc phải lối suy nghĩ dễ dãi, rập khuôn. Tư duy theo chiều sâu dần biến mất mà thay vào đó là một bộ não tiếp nhận tri thức máy móc, đầy tính chủ quan. Ta tin vào mọi luận điểm mà tác giả trình bày mà không một chút nghi ngờ, nghĩ ngợi. Love Books Love Life tin rằng, không chỉ riêng chúng mình mà các bạn cũng từng trải qua cảm giác băn khoăn khi đọc một luận điểm nào đó từ một tác giả, không biết điều này là đúng hay sai. Đừng để những cảm xúc tiêu cực, áp lực phải chạy theo số lượng, hình thức giết chết bộ não. Cách xử lý khoa học nhất ở đây chính là hãy đọc chậm lại, suy ngẫm nhiều hơn và tìm tòi đối chiếu các nguồn thông tin khác nhau để làm sáng tỏ quan điểm của tác giả.
Tuy nhiên, Love Books Love Life vẫn muốn khuyên các bạn nên đọc sách nhiều và đa dạng bởi một vài lợi ích sau:
? Đọc nhiều sách giúp khơi nguồn cảm hứng sáng tạo
Khi chúng ta đọc sách nhiều, hiển nhiên là chúng ta sẽ biết được nhiều thứ hơn. Những ý tưởng để mỗi ngày làm sao chúng ta tốt lên sẽ rất dồi dào và bản thân mình luôn luôn có sẵn những ý tưởng như vậy. Nhưng điều quan trọng hơn cả là không những số lượng ý tưởng của chúng ta tốt hơn, kéo theo đó là chất lượng. Hãy luôn mang bên mình một công cụ có thể ghi chép nhanh lúc đọc sách nhé, bởi việc lưu lại suy nghĩ trên giấy vẫn tốt hơn việc để chúng lướt qua một cách vu vơ.
? Đọc sách nhiều giúp bạn đưa ra quyết định tốt hơn
Một cuốn sách hay có thể không phải là một cuốn sách chỉ cho chúng ta con đường dẫn đến thành công mà nó tổng hợp cho chúng ta 999 thất bại đã từng xảy ra trong việc đó. Sự khôn ngoan có thể đến từ sự kế thừa tinh hoa của những người đi trước. Hầu hết các nghiên cứu khoa học ngày nay đều dựa trên những trăn trở và câu hỏi của rất nhiều bậc tiền bối ngày trước. Việc tiếp cận nhiều với nguồn tri thức đã có từ lâu đời sẽ giúp bạn rút ngắn bớt giai đoạn tìm hiểu, tránh mắc phải những sai lầm của người đi trước.
? Đọc sách nhiều khiến bạn sống tích cực hơn
Hãy thử tưởng tượng, nếu có một người bạn khuyên bạn nên sống khoa học hơn, bạn hẳn sẽ thấy kỳ lạ và bỏ ngoài tai. Tuy nhiên nếu tất cả những người bạn xung quanh bạn đều nói như vậy, bạn chắc chắn sẽ có sự thay đổi. Cũng giống như việc liên tục đọc những cuốn sách hay, chỉ cho bạn những điều tốt, những lối suy nghĩ mới mẻ,…khi số lượng sách nhiều lên, một cách vô thức, nó sẽ tác động vào hành động của bạn từng chút từng chút. Bạn sẽ bắt đầu thấy rằng những thứ mình đọc, những thứ mình nghe rồi sẽ trở thành bản thân mình lúc nào không hay.
? Những kiến thức cũ đôi khi lại trở nên hữu ích
Kiến thức của bạn không thể có được chỉ trong một đêm, hay một ngày, mà cần phải có sự tích lũy. Bạn có thể tích lũy chúng thông qua việc học và làm, tìm hiểu qua các kênh thông tin mà hữu ích nhất chính là qua phương tiện sách.
Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, khối lượng tri thức tràn ngập và được lưu trữ dễ dàng như ngày nay, việc tìm kiếm thông tin không còn là điều quá khó khăn. Nhưng việc lọc tin để tìm kiếm những thông tin đúng, và đủ cho chúng ta mới là điều quan trọng. Còn gì hơn việc bạn đã có sẵn những kiến thức ấy trong đầu, đã được lĩnh hội và chắt lọc thông qua việc đọc sách?
Ta đã và đang dựa dẫm quá nhiều vào công nghệ, mà không nhận ra rằng, công nghệ không phải tất cả. Đôi khi một kiến thức bạn đã từng biết trong quá khứ lại chính là thứ có thể giúp bạn vượt qua thử thách cực kỳ khó khăn khi không có máy tính, điện thoại, hay internet ở cạnh bên.
Nên đọc nhiều mà đa dạng hay đọc ít nhưng vận dụng được vào cuộc sống? Bởi nếu bạn đọc 10 cuốn sách có nội dung không được biên tập chất lượng, hay đọc 10 cuốn sách hay nhưng chỉ lướt qua thì cũng không bằng việc đọc 1 cuốn sách sâu sắc và có suy ngẫm về nó. Chính vì vậy, đọc sách nhiều chưa hẳn đã tốt, nếu tốt ở đây được hiểu theo nghĩa sáng suốt trong các quyết định và đạt hiệu quả cao hơn trong lao động. Nếu chỉ chăm chăm dựa vào số chữ, số trang, số sách mình đã đọc, đó không còn là đọc sách nữa. Đối với Love Books Love Life, câu trả lời hợp lý nhất là tri thức không nên và không thể được đong đếm bằng số lượng, mà phải bằng chất lượng. Điều quan trọng ở đây là biết cách chọn sách, và biết cách đọc sách đúng.
? Biết phân loại sách mình chưa đọc
Bể học là vô biên, và sách là nguồn tri thức chẳng bao giờ cạn kiệt. Bạn sẽ không thể nào đọc hết được toàn bộ sách của nhân loại, nên hãy xác định trước những cuốn sách mà mình mong muốn tìm hiểu. Bước đầu tiên để đọc đúng là biết cách phân loại sách. Một người đọc phải biết xếp sách nào cần đọc và sách nào không cần đọc, sách nào đọc trước và sách nào đọc sau. Chẳng hạn như sách dạy nấu ăn có thể hữu ích (ở một mức độ nhất định) với một kỹ sư phần mềm, nhưng nó chắc chắn không cần thiết bằng một cuốn về khoa học máy tính.
Bên cạnh việc phân loại sách chưa đọc, hãy chú ý phân bổ thời gian đọc sách một cách hợp lý, có sự kết hợp đan xen giữa các thể loại sách. Sau khi hoàn thành những cuốn sách có chiều sâu, cần nhiều sự tập trung suy ngẫm (như sách tư duy, tâm lý,…), hãy dành cho mình khoảng thời gian nghỉ ngơi, để tái tạo lại bộ não. Trong thời gian này, bạn cũng có thể tìm đọc những cuốn sách giải trí, nhẹ nhàng tình cảm để thư giãn.
? Biết sắp xếp những thứ mình đã đọc
Hãy tưởng tượng bộ não của bạn như một phòng thư viện đồ sộ, và bạn là người thủ thư. Nhiệm vụ của bạn là sắp xếp các mảnh tri thức thu được từ những cuốn sách theo một trật tự hợp lý. Hay nói cách khác, chính là hệ thống hóa kiến thức của mình, để thời gian, công sức bỏ ra đọc sách không trôi đi một cách lãng phí. Hãy biến những kiến thức của người khác thành của mình, và chỉ khi được tổ chức một cách khoa học, bạn mới có thể vận dụng được những hiểu biết vào cuộc sống.
? Cần phải đọc thực sự
Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, bạn cần phải đọc với một trạng thái tỉnh táo, một thái độ nghiêm túc và một tâm thế mưu cầu chân lý. Cũng như việc ta cảm thấy uể oải, chán chường sau giấc ngủ chập chờn, và chỉ cảm thấy khỏe mạnh lại sau một giấc ngủ thực sự, việc đọc sách hoàn toàn cần bạn phải sẵn sàng. Hãy chỉ đọc sách khi bạn thực sự muốn, đừng cố ép buộc bản thân mình. Love Books Love Life nghĩ rằng, vào những lúc không có tâm trạng để đọc sách, đừng cố ngồi nhét chữ, mà hãy mạnh dạn đứng lên làm việc khác, ví dụ như nghe nhạc, xem phim, đi tưới cây, hoặc đi dạo… Sau đó hãy quay trở về và thử đọc một vài trang sách. Chúng mình cá là bạn sẽ ngạc nhiên trước sự thay đổi hiệu quả này đấy!
Bạn hãy thử tìm đọc nhiều kiểu sách khác nhau thay vì đọc nhiều cuốn sách cùng một thể loại. Việc đọc đa dạng sẽ giúp bạn có cơ hội trau dồi vốn từ vựng phong phú cũng như học hỏi về lối tư duy, cách hành văn của các tác giả. Chẳng hạn, trong cùng một khoảng thời gian, Love Books Love Life sẽ đọc 1-2 cuốn sách về phát triển bản thân, 1 cuốn sách về chủ đề văn minh (thần học, kinh tế học, chính trị…), 1 cuốn về tâm lý học và 1 cuốn về lịch sử.
Tương tự như vậy, các thể loại sách mà bạn đang đọc nên được lựa chọn tùy thuộc vào sở thích cá nhân và những lĩnh vực mà bạn quan tâm: Bạn đang thích đọc gì? Bạn muốn đọc thêm những tác phẩm như thế nào? Hãy chọn những cuốn sách đó cho danh sách đọc của mình.
Sách là một công cụ hữu ích, nếu ta biết sử dụng chúng một cách khôn ngoan. Love Books Love Life tin rằng, sau những thông tin mà chúng mình cung cấp, bạn hẳn đã tự có câu trả lời cho riêng mình. Hãy là một chú mọt sách thông minh và khoa học, bạn nhé!
? Writers: Mia.
✍ Editor: Phương Đốm.
⚠ Bản quyền nội dung bài viết thuộc về Love Books Love Life. Yêu cầu không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.
⚠ Hãy tôn trọng tác giả bằng cách khi Re-post chú thích ghi nguồn đầy đủ!
“Love Books Love Life – Lắng nghe để sẻ chia”
2 Comments